Nguyễn Hữu Trí - nhà tình báo chiến lược quân sự tài ba

Cập nhật: 14:02, 23/03/2015 (GMT+7)

Nguyễn Hữu Trí còn có tên là Nguyễn Văn Bốn, sinh năm 1926, tại làng Vĩnh Lợi, tổng Hòa Đồng Hạ, tỉnh Gò Công (nay là thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) trong một gia đình có truyền thống cách mạng (1).

Hòa trong khí thế hào hùng của nhân dân Gò Công trong Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, ông giác ngộ và tham gia cách mạng ở quê nhà. Tháng 10-1945, ông tham gia lực lượng Cộng hòa vệ binh ở địa phương, góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi bọn chúng quay trở lại xâm lược Gò Công.

Sau đó, ông lần lượt làm trinh sát viên ở Khu 7, Tổ trưởng Tổ Trinh sát thuộc Phòng Tham mưu Khu 8, Trung đội trưởng Trinh sát thuộc Phòng Tham mưu Khu 9. Năm 1949, ông được cấp trên phân công vào các đô thị ở vùng tạm chiếm với nhiệm vụ quan trọng là tổ chức mua những mặt hàng cần thiết cho kháng chiến như thuốc Tây, hóa chất, thuốc nổ, điện đài… để bí mật vận chuyển ra vùng căn cứ Khu 9.

Ông còn xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng ở nội thành Sài Gòn và trực tiếp đưa thư từ, tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng tới một số vị nhân sĩ, trí thức. Với thành tích này, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Năm 1951, ông được đề bạt làm cán bộ Phòng Tham mưu Khu 8. Sau đó ít lâu, trên đường đi công tác, ông bị địch bắt. Trải qua nhiều nhà tù và mặc dù bị tra tấn hết sức dã man, nhưng ông vẫn một lòng trung thành với Đảng và nhân dân, kiên cường giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản.

Do không tìm ra chứng cớ để kết tội nên địch buộc phải trả tự do cho ông. Ngay sau đó, ông trở ra vùng giải phóng tiếp tục công tác. Năm 1953, ông làm Trưởng ban Hành chánh - Quản trị thuộc Bộ Tư lệnh phân liên khu miền Tây Nam bộ.

Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc, làm Trưởng ban Hành chính của Trung đoàn 78, sau đó được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân. Năm 1959, ông tốt nghiệp, được phong quân hàm trung úy, công tác tại Cục Tình báo.

Liên tục trong 2 năm 1960 và 1961, ông được tổ chức bồi dưỡng về chính trị và được huấn luyện nghiệp vụ tình báo. Đầu năm 1963, trên một chiếc tàu không số, ông theo đường biển trở vào miền Nam công tác, làm Tổ trưởng điệp báo Cụm A20, có nhiệm vụ tạo lập bình phong, chỗ đứng chân, từng bước hợp pháp hóa tại địa bàn Sài Gòn.

Tại Sài Gòn, dựa vào người thân trong gia đình (2), ông đã nhanh chóng tạo được nơi ăn ở, cất giấu và sử dụng điện đài an toàn (3); làm được giấy tờ tùy thân, có tên trong tờ khai gia đình, tạo lập được bình phong chức nghiệp phù hợp.

Từ đó, với sự cẩn trọng, năng động, mưu trí và dũng cảm, ông đã xây dựng được mạng lưới tình báo chiến lược quân sự, hoạt động ngay trong lòng địch (4), trong đó có cả công chức, sĩ quan của chính quyền và quân đội Sài Gòn (5) hoặc cài cắm người của ta vào làm việc trong bộ máy của chính quyền địch (6). Ông còn chủ động mở rộng, đi sâu quan hệ với một số sĩ quan cao cấp và nhân vật tên tuổi trong các giới (7) để thu thập tin tức.

Dưới sự tổ chức và chỉ đạo tài tình của ông, mạng lưới tình báo do ông làm tổ trưởng hoạt động rất có hiệu quả, thu được nhiều thông tin và tài liệu có ý nghĩa chiến lược từ phía Mỹ, chính quyền và quân đội Sài Gòn, được Cục Tình báo đánh giá cao, phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân cả nước.

Từ năm 1963 đến năm 1970, mạng lưới điệp báo của ông có vai trò như là một trong vài mạng lưới chủ chốt của tình báo chiến lược quân sự. Đặc biệt, tuy số lượng điệp viên, quan hệ điệp báo, cơ sở bảo đảm… của mạng lưới là khá lớn và nhiều người được xây dựng thông qua quan hệ “bắc cầu”, nhưng ông vẫn bảo đảm tốt yêu cầu cự ly, đơn tuyến trong lưới, giữ vững an toàn tuyệt đối, khiến cho cơ quan tình báo của Mỹ (CIA) và Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo của chính quyền Sài Gòn không tài nào phát hiện.

Trong thời gian làm tổ trưởng điệp báo, do đạt được những thành tích xuất sắc trong công tác tình báo chiến lược, ông được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì và 2 Huân chương Chiến công hạng Ba.

Năm 1970, sau khi hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó, ông được điều ra vùng giải phóng.

Năm 1971, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng Tình báo chiến lược Miền (J22). Cũng trong năm này, ông được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (8).

Đầu năm 1973, ông được cử phụ trách Ban Tình báo ngoại giao của Phòng Tình báo chiến lược Miền và tham gia Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào làm việc tại trại David ở Sài Gòn trong khuôn khổ của Hiệp định Paris.

Giữa năm 1973, theo sự điều động của tổ chức, ông lại trở về vùng giải phóng, làm Phó phòng; rồi làm Quyền Trưởng phòng Tình báo chiến lược Miền từ tháng 4-1974. Đến tháng 12-1974, khi Phòng Tình báo chiến lược Miền được chuyển thành Đoàn Tình báo 22 thuộc Bộ Tham mưu Miền, ông được chỉ định làm Quyền Đoàn trưởng.

Trên những cương vị ấy, ông đã lãnh đạo, chỉ huy lực lượng tình báo chiến lược Miền hoàn thành tốt nhiệm vụ nắm tình hình địch, phục vụ cho công tác chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của cấp trên và điều tra mục tiêu, chuẩn bị cho bộ đội tác chiến trong những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, ông tiếp tục công tác trong ngành Tình báo quân sự. Năm 1986, ông nghỉ hưu. Năm 1993, ông mất tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 67 tuổi. Hiện nay, tên của ông được đặt tên đường tại quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) và thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây).

TUỆ MINH

(1) Ông có 2 anh trai đi bộ đội, đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và 1 em trai cũng đi bộ đội, nhưng vì bị bệnh phải trở về sinh sống với gia đình.

(2) Là người em ruột Nguyễn Hữu Nghĩa, vợ Trịnh Thị Ngọc Sương và em vợ Trịnh Hoài Châu.

(3) Giữa năm 1964, khi nhu cầu liên lạc tăng cao, ông đón điện đài viên Nguyễn Thế Huỳnh từ chiến khu vào, làm việc an toàn, có hiệu quả cho tới khi đồng chí này được rút về vào tháng 11-1965.

(4) Thông qua quan hệ của bản thân và khai thác các mối quan hệ của người thân, bạn bè, ông đã xây dựng được nhiều cơ sở bảo đảm đáng tin cậy như: Đỗ Ngọc Diệp (công chức ngành Hàng hải), Lâm Văn Tường (chủ xe đò), Lý Sến (tiểu thương), A Khải (kế toán viên), Lê Văn Nghiêm (tài xế taxi), Võ Văn Ngưu (thợ mộc)…

(5) Ông đã tiếp cận, đi sâu quan hệ, khéo léo giác ngộ cách mạng, từng bước nâng cao nhận thức và trình độ chính trị, nghiệp vụ cho một số công chức, sĩ quan ngụy, hướng dẫn, giúp đỡ họ vừa thu thập tin tức, tài liệu tình báo như:

Trần Văn Bèo từ nhân viên Phòng Quân huấn thuộc Trường Sĩ quan Thủ Đức lên làm Phó ban Quân lực ở Bộ Tổng Tham mưu; Lê Văn Phủ từ thiếu úy ở sư đoàn 7 ngụy chuyển về Phòng Quản trị - Kế hoạch của Nha Bảo an, sau lên làm Trưởng ban Thống kê  thuộc Bộ Tư lệnh bảo an, rồi lên Bộ Tổng Tham mưu làm sĩ quan giúp việc cho tên thiếu tướng Trần Ngọc Tám, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng; Trần Văn Lộc từ huấn luyện viên ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung lên làm sĩ quan hành chính - quản trị rồi làm Chủ sự Phòng Hành chính - Quản trị ở Phủ Tổng thống.

Từ đó, ông đã bố trí các điệp viên tiến hành hoạt động chuyên trách, như H1 làm nhiệm vụ thu thập tin tức trong giới chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn; H3 làm nhiệm vụ thu thập tin tức trong ngành công an, cảnh sát Sài Gòn; 81 làm nhiệm vụ thu thập tin tức về Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa; H4 làm nhiệm vụ thu thập tin tức và tài liệu về bản đồ quân sự, không ảnh; 12 làm nhiệm vụ thu thập, cung cấp các tin tức, sơ đồ, bản đồ căn cứ quân sự ở miền Trung…

(6) Trịnh Hoài Châu từ làm ăn bên ngoài vào làm ở Nha Kế hoạch thuộc Bộ Phát triển nông thôn; Nguyễn Hữu Nghĩa từ chạy xe taxi vào làm tài xế riêng cho tên Đại tá, Trưởng phòng 1 thuộc Bộ Tổng Tham mưu.

(7) Nguyễn Mộng Bích (Đại tá, giám đốc Nha Quân pháp), Trần Văn Triều (sĩ quan Không quân), Hồ Văn Tiêu (Công giáo), Nguyễn Hữu Lương (Phật giáo), Lê Thương (nhạc sĩ)…

(8) Ông là người thứ 2 của ngành Tình báo chiến lược quân sự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, sau nhà tình báo Đinh Thị Vân được phong tặng vào năm 1970.

.
.
.