Thứ Hai, 27/04/2015, 14:02 (GMT+7)
.

Bình yên trên xã đảo tiền tiêu Cam Bình

Xã Cam Bình gồm có 2 đảo với 4 thôn, rộng 582 ha (gồm thôn Bình Ba Tây, Bình Ba Đông, Bình An thuộc đảo Bình Ba và thôn Bình Hưng thuộc đảo Bình Hưng), cách TP. Cam Ranh 7 hải lý. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế biển - hải đảo, xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã đảo đã có nhiều thay đổi.

Xã đảo Cam Bình nhìn từ trên cao.
Xã đảo Cam Bình nhìn từ trên cao.

Nằm cách đất liền khoảng 15 km, Cam Bình là xã đảo tiền tiêu của vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Có thể nói, 2 đảo Bình Ba và Bình Hưng như 2 dãy núi bảo vệ vịnh Cam Ranh.

Ông Trần Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết: “Xã Cam Bình có vị trí chiến lược khá đặc biệt. Vì thế, xã Cam Bình luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự phối hợp chặt chẽ với Hải quân Vùng 4 và bộ đội biên phòng trên đảo. Đặc biệt, đảng bộ, chính quyền xã đảo luôn tạo dựng lòng tin trong nhân dân, tập trung sức dân chung tay bảo vệ biển đảo quê hương”.

Xã Cam Bình hiện có 1.210 hộ dân với 5.196 nhân khẩu, phần lớn người dân trên 2 đảo đều làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, trong đó nghề nuôi tôm hùm ở đây nổi tiếng khắp cả nước. Người dân nơi đây cho biết: Cách đây ít năm, tình trạng trộm cắp tôm hùm, nhất là tôm hùm nuôi lồng, mỗi năm xảy ra cả chục vụ làm nhiều người dân điêu đứng. Từ năm 2012 đến nay, xã đã phối hợp với các ngành chức năng chặn đứng tình trạng trộm tôm hùm để người dân yên tâm nuôi.

Cô Nguyễn Thị Gái (54 tuổi) là người sinh ra và lớn lên trên đảo Bình Ba, chia sẻ: “Cuộc sống trên đảo rất yên bình, người dân hiền hòa, mến khách. Xã đảo Cam Bình có 4 trường học đều đạt chuẩn Quốc gia: 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS. Do vậy, việc học tập của con em Cam Bình rất thuận lợi. Khi vào THPT, học sinh Cam Bình vào TP. Cam Ranh để học chỉ mất hơn 1 giờ đi tàu”.

Thuyền, ghe đánh bắt neo đậu tại cảng Bình Ba.
Thuyền, ghe đánh bắt neo đậu tại cảng Bình Ba.

Nhìn hơn 330 con tàu đánh cá neo đậu trong bến cảng sau khi kết thúc chuyến đánh bắt trở về và quang cảnh hoạt động nhộn nhịp trong khu chợ gần đó, chúng tôi cảm nhận được sự sung túc của xã đảo này. Người dân trên đảo chủ yếu đánh bắt gần bờ.

Khi mặt trời xuống núi là họ ra khơi đánh bắt, khi mặt trời mọc thì những thuyền ghe chở đầy cá, mực trở về. Đặc biệt, thu nhập chính và làm giàu của người dân Cam Bình là nhờ vào nuôi tôm hùm. Theo điều tra của xã vào cuối năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của người dân xã đảo là 35 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ còn 26 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,1%. 

Anh Lê Diệp Bách Tùng, người hướng dẫn chúng tôi tham quan xã đảo Cam Bình cho biết: “Tôi rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên đảo Bình Ba. Cảnh vật trên đảo Bình Ba và Bình Hưng đã thu hút rất nhiều du khách.

Khi đi tham quan đảo Bình Ba, du khách sẽ được đi tàu hoặc ca nô trên vịnh Cam Ranh; tắm biển, ngắm san hô tại các bãi biển thiên nhiên trên đảo, ngắm nhìn hòn nồm, hòn yến. Bên cạnh, du khách còn được tham quan đường hầm xuyên núi dài gần 1 km do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1940 để cai quản tù binh Đức. Du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản của đảo, được tìm hiểu về cách nuôi tôm hùm trên bè”.

Bến cảng nhộn nhịp, nơi ngư dân Cam Bình tập kết sản phẩm sau một đêm đánh bắt.
Bến cảng nhộn nhịp, nơi ngư dân Cam Bình tập kết sản phẩm sau một đêm đánh bắt.

Cam Bình không có đường trục xã, liên xã; 100% đường trục thôn đã được bê tông hóa; đường ngõ xóm sạch và không lầy lội, bê tông hóa đạt 99%, phục vụ việc đi lại, sinh hoạt cho nhân dân trên đảo. 2 bến cảng mới cũng được xây dựng trên 2 đảo Bình Ba và Bình Hưng, kinh phí đầu tư 23 tỷ đồng, phục vụ cho tàu thuyền đánh bắt của ngư dân ra vào. Chợ mới được xây dựng 2 tầng khang trang trên đảo Bình Ba.

Trạm Y tế xã đạt chuẩn Quốc gia và có phân trạm ở thôn Bình Hưng. Gần 90% người dân trên xã đảo sử dụng nước hợp vệ sinh. Xã đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, cả 4 thôn đều có khu sinh hoạt văn hóa. Xã có 2 điểm bưu điện văn hóa nằm trên 2 đảo và 6 điểm truy cập internet phục vụ tốt nhu cầu bưu chính viễn thông của người dân….

Du khách tìm hiểu và thưởng thức tôm hùm trên các bè nuôi tôm hùm.
Du khách tìm hiểu và thưởng thức tôm hùm trên các bè nuôi tôm hùm.

UBND xã còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân thu gom rác, bảo vệ môi trường. Hình thành các tổ tự quản theo quy mô nhỏ nhằm bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ viên trong việc phát triển ngành nghề đặc thù của địa phương; đồng thời thiết thực bảo vệ môi trường, giảm dịch bệnh cho tôm, đem lại hiệu quả kinh tế trong việc nuôi tôm hùm của người dân ở 2 tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng.

Ông Trần Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết: “Cam Bình là xã đảo nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Song, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, năm 2014 Cam Bình là một trong 10 xã đầu tiên ở Khánh Hòa đạt chuẩn NTM.

Trong thời gian tới, Cam Bình quyết tâm bảo vệ và giữ vững xã NTM. Tiếp tục bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên đảo. Phối hợp với các lực lượng giữ vững quốc phòng, an ninh trên xã đảo tiền tiêu Cam Bình, giữ gìn sự bình yên cho vịnh Cam Ranh”.

Với cảnh đẹp hoang sơ, cuộc sống yên bình, mỗi năm xã đảo Cam Bình đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và khám phá. Kinh tế phát triển, an ninh trật tự ổn định, đó là tiền đề để Cam Bình tiếp tục vững bước đi lên trên con đường đổi mới.

P. MAI

.
.
.