Hành trình từ phương Nam về đất Tổ
Hàng năm, vào dịp tháng 3 âm lịch là người dân phương Nam lại dâng trào cảm xúc nhớ về quê cha đất Tổ, như cảm xúc của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong bài thơ “Nhớ Bắc”: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, với sự tham gia của 5 tỉnh: Sơn La, Phú Yên, Đắc Nông, Tiền Giang và Bạc Liêu.
Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang tham quan Đền Giếng. |
Với tấm lòng của người dân phương Nam nhớ về quê cha đất Tổ, Đoàn cán bộ của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ tỉnh Tiền Giang do ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, đã đến tỉnh Phú Thọ để dâng hương trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, diễn ra từ ngày 23 đến 28-4 (tức mùng 5 đến mùng 10-3 âm lịch). Cùng tham gia với đoàn có cán bộ lãnh đạo các huyện, thành, thị.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 diễn ra tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Phó Ban thường trực Ban Tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 cho biết: Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay diễn ra đúng vào dịp người dân cả nước nghỉ lễ 30-4, nên dự kiến có khoảng 6 - 7 triệu khách về dự.
Tỉnh chủ động xây dựng các phương án bảo đảm lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, văn minh, hướng tới sự mẫu mực các lễ hội trong cả nước. Phần lễ bao gồm các sự kiện: Rước kiệu lễ vật, lễ tế tại đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương Tổ mẫu Âu Cơ; lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng; lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương; rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Phần hội bao gồm rất nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thương mại, du lịch, thể thao diễn ra trên toàn tỉnh Phú Thọ.
Theo Ban tổ chức, nét mới của Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay là việc tổ chức Liên hoan hát Xoan tại Nhà Văn hóa Thiếu niên tỉnh Phú Thọ và trình diễn hát Xoan làng cổ của các nghệ nhân tại miếu Lãi Lèn, đình Khét (xã Kim Đức) và đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP. Việt Trì) vào ngày 26-4. Đây là nội dung mới nhất được Ban tổ chức đưa vào lễ hội năm nay, nhằm tôn vinh giá trị của di sản hát Xoan, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn tiến hành hơn 20 hoạt động khác trong khuôn khổ lễ hội như: Phát hành bộ tem “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”; triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - hành trình trở thành di sản thế giới” tại Bảo tàng Hùng Vương (từ ngày 23 đến 28-4); hội trại văn hóa; liên hoan văn nghệ quần chúng; hội chợ Hùng Vương; triển lãm tư liệu ảnh, hiện vật đồng bào cả nước cung tiến đền Hùng; hội chợ du lịch Tây Bắc năm 2015; giao lưu hát dân ca các vùng miền của đất nước…
Một trong những điểm nhấn của phần hội là Chương trình nghệ thuật “Âm vang nguồn cội đất Tổ Hùng Vương” đã diễn ra tại Quảng trường Hùng Vương (TP. Việt Trì) vào 20 giờ ngày 25-4 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. Ngay sau Chương trình nghệ thuật “Âm vang nguồn cội đất Tổ Hùng Vương” là màn bắn pháo hoa tầm cao.
Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang xem biểu diễn hát Xoan. |
Năm nay, lần đầu tiên tỉnh Tiền Giang và Bạc Liêu đại diện cho các địa phương ở miền Tây Nam bộ tham gia tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang đã mang đến 9 mâm lễ vật dâng lên các Vua Hùng gồm nhiều sản vật đặc sắc gắn liền với lịch sử khai phá vùng đất phương Nam như: Xoài cát Hòa Lộc, thanh long Chợ Gạo, bánh tét, bánh ít…
Ngoài ra, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh Tiền Giang có 2 buổi biểu diễn tại sân trung tâm lễ hội Khu di tích lịch sử Đền Hùng và sân Bảo tàng Hùng Vương (TP. Việt Trì). Sáng 27-4, Đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang đã bước lên Ðại môn (cổng đền) qua 225 bậc thang để dâng hương, hoa, lễ vật tri ân công đức các Vua Hùng cùng các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
* Năm 2010, tỉnh Tiền Giang long trọng rước tượng đồng Vua Hùng, rước đất và nước từ Đền Hùng ở Phú Thọ, rước trống đồng đúc mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long từ Hà Nội về. Từ đó, hàng năm tỉnh Tiền Giang đều tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương rất trang trọng. * Ngày 6-12-2012, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. |
Sau khi thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các đền, dâng vòng hoa tại Lăng mộ Tổ (tương truyền là mộ Vua Hùng thứ 6), đoàn đã thành kính dâng hương tri ân công đức Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Đoàn cũng đã đến thắp hương tại Đền Giếng (thờ công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, là con gái Vua Hùng thứ 18, người có công dạy dân trồng lúa, trị thủy). Tại đây, ngày 19-9-1954, khi về thăm Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí cán bộ Đại Đoàn quân tiên phong, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”…
Ông Lê Hồng Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Tiền Giang tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cho biết:
Giỗ Tổ Hùng Vương - ngày lễ trọng đại của dân tộc ta đã trở thành biểu tượng của giá trị văn hóa tinh thần vô cùng sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Tiền Giang rất vinh dự khi được chọn là 1 trong 5 địa phương của cả nước và là 1 trong 2 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2015 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn đại biểu tỉnh nhà đã chuẩn bị chu đáo cho chuyến hành trình về Phú Thọ để tham gia Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ Hội Đền Hùng năm 2015 và đã được tỉnh bạn tiếp đón nhiệt tình, thân mật.
Trước anh linh của Quốc Tổ, đoàn đại biểu Tiền Giang nguyện một lòng cùng nhau đoàn kết, quyết tâm tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, xây dựng và phát triển tỉnh Tiền Giang ngày càng giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới, đưa đất nước hội nhập và phát triển, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Đền Hùng khai hội. Triệu triệu người Việt Nam mang trong mình dòng máu “Con Lạc - cháu Hồng” khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào sinh sống tại nước ngoài cùng chung nhịp đập hướng về núi Nghĩa Lĩnh thành kính tri ân công đức tổ tiên.
PHÙNG LONG