Tiền Giang - dấu ấn 40 năm
1. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn, để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân, lãnh đạo tỉnh đã chủ trương phát triển nông nghiệp làm đòn bẩy, trong đó quyết định khai phá vùng Đồng Tháp Mười có ý nghĩa đột phá và đã tạo nên kỳ tích trong ngành Nông nghiệp.
Từ một vùng đất hoang hóa với phèn chua, ngập lũ, nay Đồng Tháp Mười là vùng chuyên canh khóm đứng nhất, nhì khu vực, đưa diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp toàn vùng lên hơn 90.000 ha, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã cải thiện đáng kể.
Thu hoạch khóm trên vùng chuyên canh khóm của huyện Tân Phước. |
2. Dự án Ngọt hóa Gò Công cũng là một dấu ấn của ngành Nông nghiệp Tiền Giang trong 40 năm qua. Bởi những năm đầu sau giải phóng, khi chưa có dự án, sản lượng lương thực toàn vùng chỉ khoảng 91.000 tấn; đến nay tổng sản lượng khu vực phía Đông của tỉnh lên đến 420.000 tấn.
Sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh hoạt của người dân nơi đây ngày càng cải thiện: Lúa chuyển từ sản xuất 1 vụ lên 2 - 3 vụ ăn chắc; hệ số sử dụng đất tăng từ 0,73 lên 2,42; năng suất, sản lượng lúa tăng từ 2 tấn/ha lên 5,3 tấn/ha, biến các huyện phía Đông trở thành một trong những địa bàn sản xuất lương thực trọng điểm của tỉnh.
Một điểm sáng nữa của dự án là đã giúp nông dân tăng thu nhập trên diện tích đất sản xuất, đặc biệt là từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng lúa - màu đã đem lại thu nhập cho nông dân cao hơn “chuyên canh” lúa từ 2 - 2,5 lần, cá biệt có mô hình cao gấp 5 - 8 lần trồng lúa.
Cống Xuân Hòa - cống quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt cho vùng ngọt hóa Gò Công. |
3. Ngoài dấu ấn của ngành Nông nghiệp trong bức tranh toàn cảnh của kinh tế Tiền Giang 40 năm qua, thì ngành Công nghiệp cũng đã có những đóng góp đáng kể. Từ một tỉnh thuần nông, Tiền Giang từng bước khẳng định là một trong những tỉnh, thành có giá trị sản xuất công nghiệp tương đối lớn trong khu vực ĐBSCL.
Sự chuyển động của ngành Công nghiệp thể hiện qua việc hình thành 7 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích trên 2.000 ha; đưa vào hoạt động 4 KCN, với diện tích 1.100 ha, chiếm 52,8% tổng diện tích của các KCN; thu hút được 77 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,4 tỷ USD và 3.995 tỷ VND, giải quyết việc làm cho gần 70.000 lao động.
Một góc TP. Mỹ Tho |
4. Bên cạnh sự bứt phá của ngành Nông nghiệp, sự chuyển động của ngành Công nghiệp, lĩnh vực thương mại - dịch vụ, cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng và công trình phúc lợi công cộng cũng đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân trong chặng đường 40 năm qua. Điện, đường, trường, trạm từng bước được cải thiện, nâng chất, làm cho bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội của Tiền Giang thêm tươi sáng, trong đó Chương trình kiên cố hóa trường lớp là một “điểm nhấn” cho sự đổi thay đi lên của tỉnh.
Học sinh trường chuẩn Quốc gia Tân Hội Đông, huyện Châu Thành. |
5. Trong bức tranh đa sắc màu đó, sự nỗ lực trong việc chỉnh trang đô thị Mỹ Tho là một điểm nhấn nhiều ý nghĩa.
Công nhân đóng xà lan trong KCN Mỹ Tho. |
6. Để lại dấu ấn đậm nét cho sự đổi thay của quê hương sau 40 năm còn là sự khởi sắc của những vùng nông thôn, trong đó ngoài đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện thì hệ thống giao thông nông thôn chính là điều tạo nên sự khác biệt đầy thú vị giữa xưa và nay.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay Tiền Giang đã có hàng trăm ngàn km đường nông thôn được bê tông hóa, nhựa hóa, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Học sinh đến trường trên tuyến đường liên ấp thuộc xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông. |
DUY SƠN (thực hiện)