Về thăm nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Vào những ngày cuối tháng 4, Đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang đã đến thắp hương tưởng niệm tại Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị đại tướng mà tên tuổi gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Mảnh đất Quảng Bình khúc ruột miền Trung có hình ảnh hùng vĩ của những dải núi trùng điệp, màu xanh thẳm của đại ngàn và mang vị mặn của biển, là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sinh ra, lớn lên và về an nghỉ khi qua đời. Di nguyện của Đại tướng là được về với biển trong giấc ngủ ngàn thu sau khi trải qua những năm tháng hào hùng cống hiến cho non sông đất nước.
Đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang vào dâng hương, viếng mộ Đại tướng. |
Nơi Đại tướng lựa chọn an nghỉ sau khi qua đời là địa danh Vũng Chùa - Đảo Yến dưới chân Đèo Ngang - con đèo “đệ nhất hùng quan”, địa giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình, nơi có phong cảnh hữu tình, thơ mộng và kỳ vĩ. Đây cũng chính là nơi bà Huyện Thanh Quan đã xúc cảm “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà/ Cỏ cây chen đá lá chen hoa” trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật nổi tiếng mang tên “Qua Đèo Ngang”.
Địa danh Vũng Chùa - Đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, thuộc thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cách Đèo Ngang (ranh giới giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh) khoảng 6 km về hướng Đông Nam và cách Quốc lộ 1A khoảng 3 km.
Nơi đây có địa thế cong hình cánh quạt, được bao bọc bởi 3 đảo: Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (hay còn gọi là Đảo Yến). Với diện tích khoảng 10 ha, Vũng Chùa hướng ra Biển Đông, nhưng do được bao bọc xung quanh bởi các hòn đảo nên quanh năm kín gió, là nơi neo đậu thuyền bè trong những ngày gió bão, vì lẽ đó người dân địa phương mới gọi là “vũng”.
Nhiều đoàn khách đến viếng mộ Đại tướng. |
Tích xưa kể rằng, nơi đây có một ngôi chùa rất linh thiêng, trải qua bao dâu bể chỉ còn lại nền móng, đã làm thành địa danh Vũng Chùa. Nơi đây thế núi hùng vĩ dáng tựa thân giao long, có mũi rồng đâm ra tận mép sóng, biển trời hiền hòa, người dân chất phác, can trường. Từ Vũng Chùa nhìn ra thấy Đảo Yến, cách bờ khoảng 20 phút đi thuyền, là nơi sinh sống của một đàn chim yến đông đúc.
Người ta cho rằng, Đảo Yến như bức bình phong giữ Vũng Chùa tránh bão to, gió lớn. Từ trước năm 2013, Vũng Chùa - Đảo Yến vẫn còn là một địa danh khá xa lạ, ít người đến. Cho đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn nơi này làm nơi yên nghỉ cuối cùng, Vũng Chùa trở thành một trong những điểm đến mơ ước của nhiều người.
Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia thành 3 giai đoạn, tóm tắt như sau: + Giai đoạn 1: Từ ngày 13-3 đến 17-3-1954, ta tiêu diệt phân khu phía Bắc của Pháp: Các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và trung tâm đề kháng Bản Kéo. + Giai đoạn 2: Từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, ta tiến đánh phân khu trung tâm, đặc biệt là các điểm cao quan trọng phía Đông, vây lấn bóp nghẹt Tập đoàn cứ điểm. + Giai đoạn 3: Từ ngày 1 đến 7-5-1954: Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2: Tiêu diệt hoàn toàn 2 cao điểm A1 và C1; đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía Tây và phía Đông, thu hẹp thêm phạm vi chiếm đóng của quân Pháp, chuẩn bị cho Tổng công kích. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chiều ngày 7-5-1954, Cờ Quyết chiến quyết thắng của ta tung bay trên nóc hầm của Tướng De Castries, chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. |
Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 184 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình) ngày đêm canh giữ, phục vụ khách đến bày tỏ lòng thành kính, tri ân. Hàng ngày, Đội bảo vệ Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiến hành tổng vệ sinh xung quanh khu vực mộ để nơi an nghỉ Đại tướng luôn sạch đẹp, thoáng đãng.
Đội được chia làm 3 điểm chốt dọc từ bãi đỗ xe lên tới phần mộ Đại tướng: Một điểm tiếp nhận, ghi chép đón khách vào; một điểm theo dõi, hướng dẫn khách vào viếng và một điểm thắp hương tại linh cữu của Đại tướng. Từ khi Đại tướng về với Vũng Chùa - Đảo Yến đến nay, đã có hơn 172 ngàn đoàn với hơn 2 triệu lượt người tới viếng.
Theo số liệu thống kê tại Đội bảo vệ khu mộ Đại tướng, chỉ tính trong 3 ngày (từ ngày 27 đến 29-4 năm nay) đã có 7 vạn lượt người tới viếng.
Cụ thể, ngày 27-4 đã có 580 đoàn với gần 8,9 ngàn lượt người, ngày 28-4 có 1,3 ngàn đoàn với hơn 28 ngàn lượt người. Đặc biệt, ngày 29-4, số người tới viếng tăng kỷ lục, với 1,5 ngàn đoàn và hơn 33 ngàn lượt người...
Để lên viếng mộ Đại tướng, từ bãi đậu xe, mọi người đi bộ theo con đường rộng trải nhựa phẳng lì uốn cong theo triền núi, rồi men theo bờ biển Vũng Chùa dẫn tới chân núi Thọ Sơn. Tại điểm gác đầu tiên của Đội bảo vệ khu mộ, người đến viếng sẽ được hướng dẫn, nhắc nhở khách tham quan chỉnh đốn trang phục khi lên viếng mộ và các đoàn làm thủ tục đăng ký.
Đến chốt gác thứ hai ngay dưới chân khu mộ Đại tướng, mọi người sẽ được hướng dẫn thủ tục đến dâng hoa và thắp hương. Được biết, người đến viếng sẽ được thắp hương trước mộ Đại tướng vào những ngày số lượng khách viếng ít; riêng vào các dịp lễ, tết có số lượng khách viếng đông, người đến viếng được yêu cầu không thắp hương nhằm bảo đảm an toàn, không bị ùn tắc.
Trong dòng người nối dài viếng mộ vào ngày 30-4, mọi người đã tỏ lòng tri ân sâu sắc trước anh linh Đại tướng. Anh Ngô Huỳnh Quang Thái, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang chia sẻ: Tôi tự hào khi được đến viếng mộ Đại tướng vào ngày 30-4 lịch sử năm nay. Chốn yên nghỉ của Đại tướng nhìn ra Biển Đông lộng gió như muốn nhắn gửi với thế hệ trẻ về chủ quyền biển, đảo quê hương thiêng liêng của Tổ quốc mà thế hệ trẻ chúng tôi sẽ không thể nào quên.
Ông Nguyễn Kha, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh bày tỏ: “Là một cựu chiến binh, khi đến viếng mộ Đại tướng, tôi có cảm xúc rất đặc biệt. Tôi cũng như những cựu chiến binh khác đều rất tự hào về Đại tướng - cánh chim đầu đàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng sống mãi trong tim mỗi người lính chúng tôi!”.
Đến dâng hương trước mộ Đại tướng, các thành viên trong đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang đều trong tâm trạng bồi hồi xúc động và đều cảm nhận được hào khí từ vị tướng của lòng dân, vị tướng của hòa bình. Năm nay kỷ niệm 61 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa, nhưng những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng sẽ luôn được nhắc đến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và mãi được tưởng nhớ với tất cả niềm kính trọng và tự hào.
PHÙNG LONG