2 chị em ruột đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng
Chị Phạm Thị Tự, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo giới thiệu: “Nhà mẹ Nguyễn Thị Mỹ có 5 chị em gái, tham gia cách mạng 4 người, trong đó 1 người là liệt sĩ, 2 người được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) là mẹ Mỹ và mẹ Miều!”.
MẸ NGUYỄN THỊ MỸ: Cống hiến cho quê hương đứa con duy nhất
Ngôi nhà tình nghĩa của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ ẩn mình dưới vòm cây xanh. Hơn 90 tuổi mà mẹ Mỹ vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn, làm cỏ, chặt củi không ngơi tay; miệng lúc nào cũng cười. Mẹ đã 3 lần vào tù vì làm cách mạng. Mẹ chậm rãi kể: “Nó bắt nhốt rồi khảo tra bằng điện chết lên, chết xuống vì cái “tội” đàn bà mà dám leo cây treo cờ đỏ sao vàng, xách động biểu tình chống “quốc gia”….”. Lần thứ 3 chúng bắt giam mẹ Mỹ 5 năm trời, từ nhà lao Mỹ Tho, Cần Thơ đến Hố Nai…
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Mỹ (trái) và em gái út là Nguyễn Thị Việt Phương. |
Đôi mắt đượm buồn, mẹ đưa chúng tôi quay ngược thời gian: “18 tuổi ba đem trầu cau cưới mẹ. Ba đi làm cách mạng thỉnh thoảng về thăm. 3 năm sau mẹ sinh ra anh Liêm (Liệt sĩ Lê Thành Liêm, sinh năm 1948, hy sinh năm 1967), sinh mới được 5 ngày thì ba hy sinh (Liệt sĩ Lê Văn Mi, hy sinh năm 1948). Anh Liêm lớn lên trong tình thương của xóm làng, của bà ngoại và các dì.
Ấp Bình Long (xã Bình Ninh) nằm ven nhánh sông Tiền nên thường bị địch đánh vào 2 phía đường bộ và đường thủy. Nhà cháy mấy lần. Mẹ nuôi con và đào hầm nuôi cán bộ cách mạng, giấu tài liệu. Chưa đầy 18 tuổi anh Liêm xin đi bộ đội. Mẹ Mỹ cũng thoát ly gia đình lên Mỹ Tho làm biệt động thành, may cờ, may băng rôn, tối đi treo cờ ở các nơi trọng điểm theo lệnh của cấp trên…”.
Cô Nguyễn Thị Việt Phương, nguyên Chủ tịch LĐLĐ huyện Chợ Gạo - em gái út của mẹ Nguyễn Thị Mỹ cho biết: “Chị Bảy hy sinh. Chị Hai thoát ly. Chị Ba (mẹ Miều) ở lại tham gia cách mạng, nuôi cán bộ. Anh Ba hy sinh, nhiều người đến ngỏ lời nhưng chị Ba lắc đầu…”.
Mắt mẹ Mỹ ngân ngấn nước, giọng nghèn nghẹn: “Hồi hay thằng Liêm hy sinh, mẹ như điên loạn 1 năm trời. Cứ nhắm mắt là thấy đôi mắt tròn xoe và bàn tay nhỏ xíu mân mê bầu sữa; mở mắt thì thấy nó đứng trước mặt cười hiền lành “con đi bộ đội, ít bữa sẽ về thăm má!”. Hình bóng con cứ ẩn, cứ hiện, nhớ thương đứt ruột!”.
MẸ NGUYỄN THỊ MIỀU: Bám đất nuôi giấu cán bộ
Mẹ từng là thành viên của Hội Thanh lao, có nhiệm vụ vận động thanh niên lên đường tòng quân cứu nước. Chồng mẹ (Liệt sĩ Nguyễn Văn Cần, sinh năm 1926, hy sinh năm 1969) làm cán bộ Tuyên huấn và phụ trách đội văn nghệ tuyên truyền của xã. Mẹ làm hầm bằng vách đôi để nuôi cán bộ; làm ruộng dưới đạn bom để nuôi con và chia sẻ chén cơm cho anh em “đàng mình”.
Cán bộ về rồi đi, mẹ Miều chỉ còn nhớ vài cái tên: Sáu Việt Thanh, Việt Trung, Ba Trần Linh, Sáu Lập… Bọn lính bắt gia đình có người theo cách mạng đi khai hoang, bắt đóng thuế, bắt xé cờ cách mạng… Nhà có hầm bí mật, mẹ Miều luôn nhanh trí xử lý mọi tình huống, không để địch phát hiện.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Miều (trái) và con gái Nguyễn Thị Thu Thủy. |
Mẹ Miều kể: “Xã Bình Ninh hồi đó bom pháo liên miên, anh em “đàng mình” bị chúng bắt khảo tra cho đến chết rồi đem xác về để ở ngã tư (Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Ninh bây giờ). Má không ra được thì kêu con Thủy (chị Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh năm 1950, con gái thứ tư của mẹ Miều, nguyên là Bí thư ấp Bình Phú) ra coi để nhận dạng mà báo cáo với tổ chức”.
Chị Thủy nhớ lại, có lần chị lên ngã tư thấy cái xác bị che mặt nên không biết là ai. Thấy chị cứ đứng nhìn, thằng lính gác xô chị té vô cái xác, nhờ vậy chị lật mặt để nhận dạng, còn tụi nó thì tròn mắt nói chị lì không biết sợ ma. 17 tuổi chị theo dì Hai (mẹ Mỹ) tham gia biệt động thành, năm 19 tuổi chị là Bí thư Đoàn của ấp Bình Phú, hàng ngày vận động chị em gánh nước, gánh thức ăn vô địa hình nơi Quân y huyện đóng.
Năm 1969, ba chị bị thương phải cắt 1 chân, nằm trong quân y chờ khỏe lại sẽ đưa ba về nhà cho má chăm sóc, nhưng không ngờ chưa kịp đưa về thì địch phát hiện, dập bom xuống toàn khu quân y đóng (ấp Bình Phú, xã Bình Ninh). Ba chị cùng 6 người chung hầm thịt xương lẫn lộn. Hôm sau làm lễ truy điệu tại đó lớn lắm.
Lúc ấy thằng út còn nhỏ nên tụi chị giấu má. Ba hy sinh năm trước thì năm sau (năm 1969) anh Ba (Liệt sĩ Nguyễn Hoàng Sơn hy sinh ở huyện Cái Bè). Sau đó má chị, rồi đến chị cũng bị địch bắt giam. Mộ của ba và anh Ba chị chỉ là mộ tượng trưng, không có xác. Quê mình ngày đó tang thương vì bom đạn giặc, nhưng rất nhiều gia đình vẫn kiên cường sống chung với bom đạn” - chị Thủy nghẹn lời.
* *
*
Chúng tôi đã gặp 4 người phụ nữ của 3 thế hệ trong một gia đình truyền thống cách mạng. Thế mới biết, trên mảnh đất Anh hùng xã Bình Ninh, mỗi tấc đất đều nhuộm đầy máu, nước mắt của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào.
Thế hệ chúng tôi và lịch sử xin nghiêng mình trước sự hy sinh to lớn của những người mẹ, người chị như thế!
NGỌC LỆ