Dấu ấn lịch sử TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho trong Khởi nghĩa Nam kỳ
Đồng chí Nguyễn Thị Thập. |
Cách đây 76 năm, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã nổ ra trên phạm vi 20 tỉnh ở Nam kỳ (Nam bộ ngày nay), trong đó có tỉnh Mỹ Tho. Cuộc khởi nghĩa đã làm rung chuyển bộ máy cai trị của chính quyền thực dân - phong kiến ở Nam kỳ.
Cuộc khởi nghĩa tuy chưa thành công, nhưng đã để lại những bài học lịch sử sâu sắc cho sự nghiệp cách mạng; đồng thời cũng đã để lại những dấu ấn, những giá trị lịch sử hết sức to lớn, góp phần xây dựng nên truyền thống cách mạng của tỉnh Mỹ Tho trước đây và tỉnh Tiền Giang ngày nay, trong đó có lịch sử, truyền thống của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Tiền Giang.
BỐI CẢNH THÀNH LẬP, TRỤ SỞ VÀ NƠI XÉT XỬ ĐẦU TIÊN CỦA TAND CÁCH MẠNG TỈNH MỸ THO
Tại tỉnh Mỹ Tho, vào lúc 20 giờ ngày 22-11-1940, Lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ được chuyển đến địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy Mỹ Tho tại xã Trung An.
Từ nửa đêm 22 đến rạng sáng 23-11-1940, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở Mỹ Tho đã nổ ra ở một số trung tâm. Ngay trong ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Mỹ Tho, trước hơn 3.000 đồng bào đến dự, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã được thành lập và ra mắt nhân dân tại đình Long Hưng (còn gọi là đình Lê Văn Duyệt).
Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa được cử làm Chủ tịch. Trụ sở chính được đặt tại đình Long Hưng. Cùng ngày, tại đình Long Hưng, chính quyền cách mạng cũng đã quyết định thành lập TAND cách mạng (theo Hồi ký của đồng chí Nguyễn Thị Thập “Từ đất Tiền Giang”, Nhà Xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 1986, thời điểm này gọi là “Hội đồng TAND cách mạng”).
Trụ sở Tòa án cũng được đóng tại đình Long Hưng. Khi thành lập, Hội đồng TAND cách mạng gồm 10 đồng chí: Nguyễn Văn Thường (Bảy Thường, có tài liệu ghi là Nguyễn Hữu Thường), Trưởng Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho - Chánh án; Nguyễn Văn Ghè (Bảy Ghè), Tỉnh ủy viên; Đặng Văn Hiệp (Tư Hiệp); Lê Văn Giác (Năm Giác), Bí thư Chi bộ xã Long Hưng; Nguyễn Thị Thập (Mười Thập, Thường trực Ủy ban khởi nghĩa - Phái viên của Tỉnh ủy Mỹ Tho làm nhiệm vụ biện hộ); Nguyễn Văn Quới (Bảy Quới), ủy viên Quận ủy Châu Thành; Nguyễn Văn Huân (Hai Huân); Nguyễn Văn Cò (Ba Cò); Trương Văn Ty và Lê Văn Vĩ.
Đình Long Hưng - nơi đặt trụ sở của TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho và cũng là nơi xét xử vụ án đầu tiên ở Nam bộ trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. |
Sau khi TAND cách mạng được thành lập, vụ án đầu tiên được đưa ra xét xử tại đình Long Hưng, xét xử tên Cai Trí (Bùi Văn Trí, Trưởng đồn Thạnh Phú) bị quân khởi nghĩa bắt lúc 1 giờ ngày 23-11-1940 (theo sách “Mỹ Tho - Gò Công trong Khởi nghĩa Nam kỳ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang ấn hành năm 2001, thì Tòa án xét xử từ ngày 25 đến 27-4-1940 tại đình Long Hưng 2 tên Bùi Văn Trí và Lê Văn Khương). Hội đồng TAND cách mạng đã xử tên Trí với hình thức cảnh cáo.
HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ CỦA TAND CÁCH MẠNG TỈNH MỸ THO TRONG CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ
Theo các tài liệu, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tồn tại được hơn 40 ngày. Trong thời gian này, TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã xét xử hàng chục vụ án tại các xã của quận Châu Thành, Cai Lậy và tại đình Long Hưng đối với những tên phản cách mạng, bọn Việt gian, tay sai gian ác.
Lúc đầu Tòa án thường tổ chức xử lưu động ở một vài làng, nhưng sau gặp nhiều khó khăn nên tập trung đưa những người có tội, chủ yếu là chống phá cách mạng về xử tại Long Hưng. Tòa án lưu động đi các xã để xét xử, đã xử tử hình tên Cai Vi ở xã Vĩnh Kim, xử cảnh cáo Hương quản Sâm ở xã Long Định, cảnh cáo Cai Trí ở xã Long Hưng…; cảm hóa những người lầm đường và trấn áp thẳng tay những kẻ cố tình chống lại cách mạng. Tòa xử công khai, có quần chúng tham gia luận tội rất đông đảo.
Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chính quyền là của nhân dân, tòa án là của nhân dân, nhân dân được tham gia xét xử và luận tội những tên Việt gian, phản động, trừng trị bọn phản cách mạng và bảo vệ quyền lợi của cách mạng, của nhân dân.
Trong hoạt động xét xử, Hội đồng xét xử của TAND cách mạng đã căn cứ vào các chính sách cụ thể của Xứ ủy đề ra trong Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ để xét xử, cụ thể là: Khoan hồng đối với người lầm lạc; bảo vệ quyền lợi nhân dân; tôn trọng tự do tín ngưỡng; hủy bỏ các khế ước giao kèo có tính chất áp bức nhân dân; tịch thu địa bạ của bọn địa chủ phản động để luận tội và kết án.
Việc Tòa án xử công khai, có đông đảo quần chúng tham dự và trực tiếp tham gia luận tội đã thật sự tôn trọng quyền quyết định của nhân dân, thể hiện tính dân chủ của một tòa án cách mạng. Tuy chỉ mới thành lập và tồn tại trên dưới 40 ngày, nhưng việc thành lập và hoạt động của TAND cách mạng tỉnh Mỹ Tho đã để lại những giá trị lịch sử hết sức to lớn, đó là tính cách mạng và tính nhân dân trong hoạt động xét xử của mình.
TRẦN NGỌC QUANG
(Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Tiền Giang)
(Còn tiếp)