Ký ức về phiên tòa cách mạng năm 1940

Cập nhật: 10:23, 07/09/2016 (GMT+7)

Trong những ngày trung tuần tháng 7, đoàn công tác của chúng tôi được dịp về xã Long Hưng, huyện Châu Thành - chiếc nôi của Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, để có dịp tìm hiểu thêm về sự kiện có một không hai trong cuộc khởi nghĩa lịch sử đã diễn ra cách đây 76 năm, đó là việc thành lập Tòa án nhân dân  (TAND) cách mạng đầu tiên ở Nam kỳ (Nam bộ ngày nay).

Bà Dương Thị Mừng và bà Nguyễn Thị Hậu.
Bà Dương Thị Mừng và bà Nguyễn Thị Hậu.

Tại xã Long Hưng, ngày 23-11-1940, ngay sau khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và đã tiến hành ngay việc thành lập TAND. Hội đồng TAND cách mạng gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Thường (Bảy Thường), Trưởng Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho - Chánh án; Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Văn Ghè (Bảy Ghè), Nguyễn Văn Quới (Bảy Quới), Đặng Văn Hiệp (Tư Hiệp), Lê Văn Giác (Năm Giác), Nguyễn Văn Huân (Hai Huân)…

Trụ sở của Tòa án cũng đóng tại đình Long Hưng (tức đình Lê Văn Duyệt). Đến xã Long Hưng, chúng tôi được gặp 2 nhân chứng là 2 người cháu của bà Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ duy nhất trong Hội đồng TAND cách mạng đầu tiên của tỉnh Mỹ Tho.

Người đầu tiên chúng tôi được gặp là bà Dương Thị Mừng, sinh năm 1921, hiện cư trú tại ấp Long Thạnh A. Thời gian đã qua lâu, nhưng bà vẫn nhớ rõ về phiên tòa cách mạng năm 1940, trong phiên tòa đó có bà Nguyễn Thị Thập (cô ruột của bà) tham gia vào Hội đồng xét xử.

Bà hồi tưởng lại: “Năm 1940, bà vừa tròn 19 tuổi, rất tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Năm ấy, bà và rất nhiều người dân kéo đến đình Long Hưng xem phiên tòa xử tội Cai Trí”. Vì tuổi đã cao nên bà không nhớ được chi tiết việc xét xử, nhưng những ký ức về phiên tòa thì luôn in đậm vào tâm trí bà và những người dân Long Hưng. Người thứ 2 mà đoàn chúng tôi có cơ hội gặp là bà Nguyễn Thị Hậu (tên thường gọi là bà Tư Hậu - con ông Tám Cảnh - anh bà Nguyễn Thị Thập), sinh năm 1936, hiện cư trú cùng ấp với bà Mừng.

Năm 1940, bà còn nhỏ, khi lớn lên, qua những lời kể của cha cùng những người thân trong gia đình và những việc bà từng chứng kiến, giờ đây hình ảnh về phiên tòa ngày ấy như hiện rõ trong trí nhớ vẫn còn minh mẫn của bà:

“Dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên mái đình Long Hưng, Hội đồng TAND tỉnh Mỹ Tho (trong đó có bà Nguyễn Thị Thập tham gia) đã mở phiên tòa xét xử những tên tay sai của giặc Pháp có tội với nhân dân. Ngày ấy, ngôi đình còn rất đơn sơ. Người dân kéo đến xem rất đông, chen chật cả ngàn người. Năm ấy, Tòa án do nhân dân xử, nhưng biện hộ là bà Nguyễn Thị Thập.

Tuy lúc này chưa có luật lệ, nhưng sau khi vạch tội cụ thể, tuyên bố lẽ ra chúng phải đền tội ác, dù mức độ nặng nhẹ có khác nhau, nhưng TAND cách mạng xét thấy họ lầm lạc bởi quyền lợi và vì cuộc sống ích kỷ, bọn Pháp đã làm đổ máu đồng bào ta nhiều rồi, ta không muốn gây thêm cảnh “cốt nhục tương tàn” làm đau khổ thêm cho gia đình họ…

Khi đó bà Nguyễn Thị Thập làm biện hộ sư, đã phân tích cho bọn làng lính nếu họ được tha về thì phải hiểu vì sao có sự bao dung của cách mạng và khuyên nhủ họ bằng lời lẽ nhân hậu: “Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, anh em không phải là người phản quốc hay không yêu nước gì, mà vì làm cho nhà nước Pháp thì phải theo luật lệ của nó, nếu không nó sẽ bỏ tù hoặc làm khó dễ.

Nay cách mạng đã giành được chính quyền. Mặc dù giữ được chính quyền lâu hay chỉ được năm bảy ngày, một tháng thì chúng ta cũng xứng đáng là người dân Việt Nam không cúi đầu làm nô lệ, mà đã quật khởi đánh bại chúng. Anh em trước đã lầm lỡ vì không được ai giải thích, giác ngộ, trong quá trình kiếm tiền nuôi cha mẹ, vợ con, anh em cũng đã có làm hại cho cách mạng. Cách mạng chắc chắn sau này sẽ thắng lợi, vì đó là nguyện vọng của toàn dân. Bây giờ đã hiểu ra, mà còn làm phản cách mạng thì sau này cách mạng sẽ trừng trị…

Hôm nay, xin TAND rộng lượng xét tha cho những anh em này trở về đoàn tụ với gia đình họ…”. Tất cả bọn chúng đứng nghe cúi đầu, hối hận và xúc động mếu máo khóc. Tòa án lần lượt tuyên án tha bổng tất cả. Quần chúng vỗ tay hoan hô vang dội. Bọn tề, lính được tha - chúng đã cầm chắc sẽ phải chết - bàng hoàng không thốt nên lời, nhiều tên gục đầu khóc nức nở. Tất cả bọn chúng đều đã nhận thức được tội lỗi và hứa sẽ cải tà quy chính.

Qua lời kể của 2 cụ, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về hoạt động xét xử của TAND cách mạng ngày ấy, hoạt động xét xử công khai của TAND cách mạng có sự tham dự của đông đảo quần chúng và người dân được trực tiếp tham gia luận tội, TAND thực sự tôn trọng quyền quyết định của nhân dân, thể hiện tính dân chủ của một TAND cách mạng.

Các phiên tòa như buổi huấn luyện chính trị, có tác dụng tốt và có ảnh hưởng lâu dài đến thời kỳ kháng chiến sau này. Qua đó, một ý thức, một niềm tin đã hình thành trong lòng người dân: Chỉ có Đảng Cộng sản, chỉ có cách mạng do Đảng lãnh đạo mới thật sự đem lại độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.

PHẠM THỊ BẢO TRÂM

(TAND tỉnh Tiền Giang)

.
.
.