Đón xuân này, ta nhớ xuân xưa.
Nhân dịp xuân về lại nhớ những cái tết trong chiến tranh: Ăn tết trên đường hành quân, ăn tết cùng nhân dân, ăn tết giữa chiến hào và vui tết trong tiếng súng công đồn như những tràng pháo nổ giòn mừng mùa xuân chiến thắng…
Ông Phan Minh Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh bồi hồi nhớ lại: “…Năm 1962, tôi là Huyện ủy viên Châu Thành, phụ trách công tác Dân vận, nên những cái tết trong chiến tranh đối với tôi đầy ắp những kỷ niệm. Đó là những cái tết của tình quân - dân, chủ yếu là lo cho bộ đội ăn tết. Còn nhớ, cứ gần đến ngày tết là trong các xóm, ấp lại vang lên tiếng chày giã bột của các mẹ, các chị làm bánh phồng, bánh ít, gói bánh tét, làm mứt, bánh kẹo… để gửi cho bộ đội ăn tết. Có những đêm văn nghệ mừng xuân còn thu hút được những người lính bên kia chiến tuyến. Đặc biệt là đêm giao thừa, năm nào cũng vậy, chúng tôi đều quây quần bên chiếc Radio hồi hộp chờ nghe Bác Hồ đọc thơ chúc tết trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghẹn ngào lắm, xúc động lắm, nhất là bài thơ chúc tết Xuân Mậu Thân năm 1968. Lúc bấy giờ tôi là Phó Bí thư Huyện ủy Châu Thành Nam, nhưng vẫn chưa được biết ta sẽ đánh vào TP. Mỹ Tho và cả miền Nam sẽ đồng loạt nổ súng tấn công vào hang ổ của kẻ thù ở các trung tâm đô thị và cả Sài Gòn. Không khí Tết Mậu Thân năm đó tất bật, nhộn nhịp và hết sức khẩn trương, không chỉ vận động nhân dân đảm bảo hậu cần cho bộ đội ăn tết, mà còn phải vận động và thành lập các đoàn dân công tham gia tải thương, tải đạn. Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ lờ mờ nhận ra rằng, sẽ có đánh lớn, nhưng thật không ngờ ta tấn công vào thị xã Mỹ Tho (tỉnh lỵ của địch lúc đó). Đúng là một mùa xuân lịch sử, ăn một cái tết bằng tiếng súng công đồn, nổ giòn như những tràng pháo đón mừng xuân mới.
Kể về Tết Mậu Thân năm 1968, giọng của Đại tá Lê Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, cũng không kém phần bồi hồi, xúc động: “Lúc bấy giờ tôi là Tiểu đội trưởng Đội Biệt động thành phố Mỹ Tho. Trưa mùng 1 Tết được lệnh về căn cứ nhận nhiệm vụ gấp, linh tính như mách bảo với tôi rằng có một chuyện gì đó rất hệ trọng sắp xảy ra. Bởi, bình thường, mỗi lần chúng tôi về cứ đều phải bịt mặt để giữ bí mật, nhưng lần này thì không. Đến lúc đó, tôi mới biết đêm nay ta sẽ tổng tấn công vào thị xã Mỹ Tho. Tâm trạng của tôi lúc đó thật khó tả, vì vừa vui mừng được nổ súng tấn công vào sào huyệt của kẻ thù, vừa âu lo vì quân số của đơn vị chỉ còn phân nửa do chia nhau về quê ăn tết. Chi bộ họp và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được phân công là đánh chiếm khám đường Mỹ Tho để giải phóng tù nhân. Khi về tập kết dưới vàm Bảo Định, được trên bổ sung 4 đồng chí công binh thủy, có cả hỏa lực B40 và B41, chúng tôi hồi hộp chờ đợi đến giờ G. Sau hàng loạt đạn pháo, cối bắn cấp tập vào trung tâm thị xã làm hiệu lệnh, giờ G. đã điểm, chúng tôi liền xuất kích tiến công. Địch phản kích quyết liệt, chúng tôi dùng hỏa lực B40, B41 bắn sập đồn Cầu Quay, tiêu diệt bọn địch tại đây và tiến về khám đường Mỹ Tho. Mặc dù đã chiếm được cửa khám nhưng địch điều xe V100 phản kích, một phần trời đã sáng nên chúng tôi đành phải rút quân. Giờ đây, sống trong cảnh hòa bình nhưng tôi vẫn không thể nào quên mùa xuân Mậu Thân năm 1968, ăn tết giữa chiến hào cùng với những tiếng súng công đồn thay cho những tràng pháo đón mừng xuân mới.
Bị thương trong Chiến dịch Tổng tấn công vào thị xã Mỹ Tho Xuân Mậu Thân năm 1968, thương binh Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước nhớ lại: “Đang chuẩn bị đón mừng xuân mới thì Tiểu đoàn 261 được lệnh hành quân về hướng thị xã Mỹ Tho. Toàn bộ quân tư trang để lại, chỉ mang theo vũ khí, đạn dược và đây là lần đầu tiên chúng tôi ăn tết trên đường hành quân. Thời khắc giao thừa trôi qua trong những bước chân thầm lặng, đến ngày mùng 1 Tết, đơn vị tập kết bên kia sông Bảo Định và ngay trong đêm chúng tôi được lệnh vượt sông tấn công vào thị xã Mỹ Tho. Trong chiến tranh, ngày tết khẩu phần ăn của bộ đội được tăng thêm và ăn tết trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, có những cái tết đóng quân gần nhà dân, chúng tôi được các mẹ, các chị chăm lo không thiếu thứ gì, nào là gà vịt, bánh trái, lại còn tổ chức giao lưu văn nghệ đón mừng xuân mới thắm đượm tình quân - dân. Giờ đây, mỗi lần trái gió trở trời, vết thương tái phát, nhức nhối, tôi lại nhớ về cái tết Mậu Thân năm 1968 và những cái tết trong chiến tranh, ăn tết trên đường hành quân, ăn tết giữa chiến hào.
Nhà báo Tiền Phong (Cao Nguyên Khởi) lại kể về một kỷ niệm không thể nào quên mùa xuân năm 1967: “Thông thường, tết đối với cánh nhà báo chúng tôi hầu như năm nào cũng vậy, đều tự lực cánh sinh, chủ yếu là tát mương bắt tôm, bắt cá làm tiệc mừng xuân. Nhưng năm đó, có Họa sĩ Lê Lam (Vũ Quốc Ái) từ Hà Nội vào cùng với Nhà thơ Chim Trắng xuống chiến trường miền Tây Nam bộ công tác, nên tôi và Nhà báo Nguyễn Hồ, Nhà báo Huỳnh Nam Thông đang bàn tính làm món gì đặc sản đãi khách, thì Họa sĩ Lê Lam khoát tay bảo: “Khỏi cần bày vẽ, để tớ nấu món bún riêu Hà Nội cho thêm đậm tình Bắc - Nam, chỉ cần các cậu đi bắt ít cua đồng, mua vài ký bún và một số gia vị là được…”. Đó là một bữa tiệc thịnh soạn nhất, nào là cá lóc nướng trui, lươn xào lăn, rắn bông súng băm xào sả, ớt và nồi bún riêu cua bốc khói thơm lừng. Bữa tiệc vừa dọn lên thì có tiếng trực thăng, chúng bay một bầy 4 - 5 chiếc quần đảo liên tục rồi sà xuống đổ quân, chúng tôi buộc lòng phải di tản. Sau trận càn, khi chúng tôi quay trở lại thì bữa tiệc vừa dọn lên đã bị chúng ăn sạch, đúng là một cái tết nhớ đời.
ĐẬU VIẾT HƯƠNG