Về Tiền Giang thăm ngôi nhà Bác Tôn từng ở và hoạt động cách mạng
Tại ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có một di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận vào năm 2000, là ngôi nhà nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng ở và hoạt động cách mạng tại đây.
Ngôi nhà này của ông Trần Đình Túy (1861-1923, là ông ngoại của Bác Tôn gái), nhà nho rất mực hiền từ, làm nghề bốc thuốc bắc chuyên trị bệnh sản phụ mà người dân trong vùng thường gọi là ông Bái Liễu. Ngôi nhà đã ghi dấu những sự kiện liên quan đến Bác Tôn như sau:
Nơi Bác Tôn gái (là cô giáo Đoàn Thị Giàu, tự Kim Oanh, SN 1898 tại làng Kim Sơn, tổng Thuận Bình, huyện Kiến Hưng, tỉnh Mỹ Tho - nay là xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) trú ngụ một thời gian sau khi mẹ qua đời (năm 1917); nơi tổ chức đám cưới của hai Bác Tôn; nơi Bác Tôn thường lui tới gây dựng phong trào cách mạng tỉnh Mỹ Tho từ những năm sau khi cưới Bác gái cho đến khi bị bắt, bị tù đày (1921-1928); nơi Bác Tôn gặp lại Bác gái và hai người con sau hơn mười mấy năm xa cách vì bị tù đày nơi Côn Đảo (năm 1945); nơi Bác Tôn về thăm lại gia đình bên vợ trước lúc vĩnh viễn đi xa (năm 1979). Đặc biệt, ngôi nhà này còn có một sự kiện quan trọng là nơi mà cụ Nguyễn Sinh Sắc có thời gian về đây cùng ông Trần Đình Túy bàn quốc sự, được gia đình ông Túy che chở an toàn…
Ngôi nhà nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã từng ở và hoạt động cách mạng đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. |
Men theo con đường dal núp dưới tán những cây xoài, vú sữa xanh mượt, chúng tôi đến ngôi nhà in đậm dấu ấn của Bác Tôn khi hoạt động cách mạng ở đây. Ngôi nhà nằm trong vườn cây ăn trái cổ thụ, cạnh bên dòng rạch đầy ắp nước phù sa.
Theo kết quả khảo sát của Bảo tàng tỉnh vào năm 1986, ngôi nhà nói trên còn đủ năm gian trên phần đất hơn 5.000m2. Nhà được cất theo kiểu nhà ngói Nam bộ với kiến trúc gỗ rường mộng, bào lộng khá công phu, vách lụa gỗ, mái lợp ngói âm dương, cột to gỗ căm xe hoặc gỗ lim, trong nhà có nhiều ấm biển gỗ khắc chữ Hán được làm từ thời ông Túy.
Ngôi nhà này đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2000 hiện do ông Trần Năng Thân Vinh (cháu đời thứ tư của ông Trần Đình Túy) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hiếu làm chủ. Ngôi nhà đã được ông Vinh sửa chữa một phần như lợp chen tole vào những phần ngói vỡ, đóng vách bằng tôn fi-prô xi măng, nền lát gạch tàu.
Được biết, vợ chồng ông Vinh cũng là những người hoạt động cách mạng được Nhà nước và Chính phủ tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng II, Bằng khen đã có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trải qua sự tàn phá của thời gian và bom đạn chiến tranh, ngôi nhà gỗ 5 gian ngày nào đã bị hư mục nên chủ nhà đã phải dỡ bỏ bớt 2 gian vì gỗ đã mục và cất thêm một chái phía sau nằm trên nằm trên phần đất 2.500m2.
Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Phúc Nghiệp (Trường Đại học Tiền Giang): “Ngôi nhà của ông Trần Đình Túy ở xã Vĩnh Kim, nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở và hoạt động cách mạng tại Tiền Giang là một di tích lịch sử quý báu cần được trùng tu, bảo tồn đúng mức vì liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp lịch sử của Bác Tôn và có ý nghĩa lịch sử to lớn của nó đối người Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung.”
Còn thạc sĩ Lê Ái Siêm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tiền Giang nhận xét: Ngôi nhà ở xã Vĩnh Kim là nơi ở và hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với phong trào cách mạng của tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ nên cần thiết trùng tu, bảo tồn.
Di ảnh Chủ tịch Tôn Đức Thắng và phu nhân trong bàn thờ của ngôi nhà. |
Được biết, vào ngày 11-3-2009, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã diễn ra hội thảo khoa học - thực tiễn “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng” với hơn 40 tham luận của các cơ quan, đơn vị, địa phương đang quản lý và làm nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (trong đó có tỉnh Tiền Giang) tham dự…
Các tham luận phân tích sâu về quá trình hoạt động cách mạng của Bác Tôn gắn liền với các di tích, hoạt động bảo tồn và phát huy di tích. Hội thảo cũng đặt vấn đề xây dựng hồ sơ công nhận di tích, tuyên truyền về Chủ tịch Tôn Đức Thắng một cách thiết thực, báo động tình trạng một số di tích bị xâm hại về cảnh quan, bị lấn chiếm làm giảm giá trị di tích… Sau hội thảo nói trên, Bảo tàng tỉnh Tiền Giang đã và đang kiến nghị Ban Quản lý di tích tỉnh lập hồ sơ di tích cấp tỉnh đối với ngôi nhà Bác Tôn gái sinh sống thời thơ ấu hiện đang tọa lạc tại xã Kim Sơn (huyện Châu Thành).
Ngôi nhà này mặc dù đã được cất mới hoàn toàn theo kiểu mẫu hiện đại nhưng vẫn trên nền nhà cũ trong khuôn viên rộng hơn 8.000m2. Theo gia đình, trong vườn có bốn ngôi mộ nằm rải rác là mộ ông bà cố, ông nội Bác gái và người em gái của ông nội Bác.
Với ý nghĩa lịch sử liên quan đến một vị lãnh tụ cách mạng của nước nhà, việc trùng tu, bảo tồn di tích văn hóa lịch sử này là rất cần thiết vì ngoài ý nghĩa tỏ lòng tôn kính của thế hệ sau đối với một vị lãnh tụ cách mạng của nước nhà mà còn là một “địa chỉ đỏ” quý báu để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của thế hệ mai sau; đặc biệt là có thể trở thành một điểm tham quan du lịch nằm trong tour du lịch sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long sau khi xã Vĩnh Kim theo quy hoạch trở thành thị trấn vào năm 2020.
Sáng 10-3, tại Đền thờ Bác Tôn (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) Sở VHTT&DL tỉnh An Giang phối hợp với Ban Quản lý Khu Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tổ chức Lễ tưởng niệm lần thứ 37 ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Lễ tưởng niệm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và để tưởng nhớ công ơn vị chủ tịch nước thứ hai của dân tộc Việt Nam - Người thợ máy Ba Son kéo cờ Hắc Hải. Đến dự có bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang và ông Vương Bình Thạnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng đông đảo nhân dân và thân quyến gia đình Chủ tịch Tôn Đức Thắng. |
NGUYỄN HỮU