Thứ Năm, 06/04/2017, 07:15 (GMT+7)
.
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN (7-4-1907 - 7-4-2017):

Đồng chí Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng. Vừa hoạt động cách mạng, vừa học tập, đồng chí say mê đọc Đường cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên, các tác phẩm của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin... từng bước bồi đắp cho mình những tri thức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng.

Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến khảo sát vùng Đồng Tháp Mười -Tiền Giang - ảnh Trần Biểu (ảnh chủ đạo)
Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến khảo sát vùng Đồng Tháp Mười -Tiền Giang. Ảnh Trần Biểu

Do được hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của Người. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng chí tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực công tác do tổ chức phân công. Quan điểm và phương pháp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn chính là sự thể hiện trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.

Trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã thực hiện xuất sắc những điều mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã hứa trong Lễ truy điệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình hoạt động cách mạng kiên cường, phong phú của mình, đồng chí là một tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. 

Đối với chiến trường Khu 8 (Trung Nam bộ) nói chung và Mỹ Tho nói riêng, đồng chí Lê Duẩn luôn giành cho sự quan tâm đặc biệt. Tháng 2-1965, đồng chí có nhận xét rất sâu sắc về ý nghĩa của chiến thắng Ấp Bắc: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng được ta trong chiến tranh đặc biệt”. Phát huy tinh thần “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, quân dân Mỹ Tho đã sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo có hiệu suất tiêu diệt địch khá cao. Tháng 11-1965, trong bức thư gửi Trung ương Cục, đồng chí khen ngợi điều đó: “Vừa qua, ở một số vùng, như xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn, Long An, Mỹ Tho, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… địch tập trung càn quét hết sức ác liệt, nhưng do ta bố trí lực lương hợp lý, phối hợp tốt các mặt hoạt động, biết chủ động tiến công địch, cho nên đã giành và giữ được quyền làm chủ, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Là một người giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì Đảng, vì dân. Cuộc đời hoạt động gần 60 năm của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với quá trình cách mạng nước ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đồng chí đã tham gia hoạt động ở cả 3 miền: Bắc, Trung, Nam, từng trải qua mọi thử thách, gian nan, luôn luôn gần gũi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động.

Từ cuối những năm 30 cho đến khi qua đời, đồng chí đã trải qua nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, đặc biệt từ năm 1960 đến năm 1986, trên cương vị là Bí thư thứ nhất, rồi Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, nhiều vấn đề đã được đồng chí Lê Duẩn làm sáng tỏ về mặt lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn và sáng tạo. Đồng chí để lại cho chúng ta hàng loạt những tác phẩm lý luận có giá trị, tiêu biểu như: Đề cương cách mạng miền Nam, Thư vào Nam, Cách mạng xã hội chủ nghĩa , Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng…

Vừa qua, tại Hà Nội, Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Duẩn - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh uỷ Quảng Trị tổ chức, một lần nữa đã tôn vinh những cống hiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Trong 26 năm liên tục đảm nhận cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, trong những thời điểm lịch sử đầy cam go, phức tạp, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp rất lớn cho cách mạng, thể hiện ở những quyết sách mang tính đột phá và tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của mình.

Riêng đối với tỉnh Tiền Giang, nguyên Chủ tịch tỉnh Nguyễn Công Bình từng ghi lại ký ức về Tổng bí thư Lê Duẩn như sau: Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc tôi làm Bí thư xã Bình Phú (Cai Lậy), chỉ mới được nghe tiếng về anh Ba, lúc đó anh là Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Sau này, một số bạn bè được đi học lớp bồi dưỡng chính trị tại trường Đảng Trường Chinh những năm 1950-1951 (trong đó có cô Bảy Ngọc Việt), ở Rạch Giá về kể lại, anh Ba thường sang giảng bài, là một trong những người thầy kiệt xuất.

Cuối năm 1954, chúng tôi được lệnh: “đảm bảo an ninh để bảo vệ đồng chí Lê Duẩn từ miền Tây về Bến Tre, ngang qua Cai Lậy - Mỹ Tho để vô Đồng Tháp Mười”. Rất tiếc, chúng tôi chỉ là lực lượng bảo vệ vòng ngoài, nên không có điều kiện để gặp mặt anh Ba. Thế rồi năm 1957, chúng tôi được học tập, quán triệt Đề cương Đường lối cách mạng miền Nam (do đồng chí Lê Duẩn viết), thì tôi vô cùng quý mến, cảm phục anh Ba.

Đồng chí Lê Duẩn tiếp chuyện với đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang năm 1980. Ảnh: Trần Biểu
Đồng chí Lê Duẩn tiếp chuyện với đoàn cán bộ tỉnh Tiền Giang năm 1980. Ảnh: Trần Biểu

 Thú thật, trình độ lý luận chính trị của chúng tôi hồi đó chưa nhiều, chưa cao; nhận thức chưa được sâu sắc. Nhưng sau khi được nghiên cứu, học tập, quán triệt Đề cương cách mạng miền Nam, chúng tôi mới hiểu rõ được thực chất vấn đề về cách mạng; về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ…

 Càng nghiên cứu, học tập bao nhiêu, chúng tôi càng cảm phục cái tài của anh Ba bấy nhiêu. Anh Ba quả là một nhà chính trị thiên tài, biết nhìn xa, trông rộng; chỉ trong một thời gian ngắn ở miền Nam, anh Ba đã hoạch định được một Đường lối đấu tranh cho cách mạng miền Nam.

Sau giải phóng 30-4-1975, anh Ba đã có mặt tại miền Nam và đây là lần đầu tiên tôi được gặp mặt anh Ba. Lúc đó tôi đang làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, cơ quan Tỉnh uỷ còn đóng tại Cai Lậy… Anh Ba rất thân tình, dù mới gặp lần đầu, nhưng cứ ngỡ như thân quen từ trước, như anh em thân thuộc vậy. Dùng ca nô đưa anh Ba qua Mộc Hóa, tôi càng cảm cái tình của anh Ba. Thăm những gia đình cách mạng từng nuôi dấu, đùm bọc, che chở anh trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, anh như một đứa con đi xa mới về. Nắm chặt bàn tay gầy guộc của má Hai, đôi mắt anh Ba cứ rưng rưng, làm chúng tôi vô cùng xúc động. Sau này, khi làm Chủ tịch UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa VII, tôi có điều kiện gặp anh Ba nhiều hơn. Vẫn là cái bắt tay chặt, cái vỗ vai nhẹ, thân tình; nói gì thì nói, nhưng lần nào anh cũng hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân Tiền Giang cùng những lời chúc mừng tốt đẹp.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị BCHTW lần thứ Tư (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Đây là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Noi gương đồng chí, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết, nhất trí, tranh thủ thời cơ, vượt lên khó khăn, thách thức, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. 

HỒNG LÊ

.
.
.