Thứ Tư, 27/08/2014, 16:27 (GMT+7)
.
HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 69 NĂM QUỐC KHÁNH (2-9-1945 - 2-9-2014):

Hoàng hậu Nam Phương có nhiều đóng góp cho Tuần lễ vàng

Hoàng hậu Nam Phương tên thật là Nguyễn Hữu Thị Loan (1914 - 1963), quê quán  huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường, nay là TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Bà xuất thân trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ. Bà là vợ vua Bảo Đại, là hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn và của chế độ phong kiến Việt Nam.

Sau khi vua Bảo Đại thoái vị ngày 30-8-1945, dù không còn là mẫu nghi thiên hạ, nhưng tấm lòng của một người dân đối với nước, chứng kiến cảnh chiến tranh do thực dân Pháp gây ra lần thứ 2 ở Việt Nam (1945 - 1954), bà đã thể hiện trách nhiệm của một người công dân yêu nước bằng cách gửi một bức thông điệp cho bạn bè ở châu Âu và trên thế giới kêu gọi họ tố cáo tội ác của thực dân Pháp với lời lẽ vô cùng thiết tha.

Trong Tuần lễ vàng nhằm khắc phục tình trạng trống rỗng ngân sách được Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đứng đầu là Hồ Chủ tịch phát động, cựu Hoàng hậu Nam Phương là người có công rất lớn đối với Tuần lễ vàng ở Huế.

Khi Tuần lễ vàng được khai mạc ở Huế, bà Nam Phương đến dự, thay vì ăn mặc giản dị như từ hồi chồng thoái vị, bà gây ngạc nhiên khi mặc trang trọng, đội khăn vàng, đeo kiềng vàng trên cổ, tai đeo bông vàng, trên cổ tay đeo 2 đôi xuyến vàng, 10 đầu ngón tay có 10 chiếc nhẫn.

Mấy bà mệnh phụ khẽ hỏi: “Bây giờ cách mạng rồi, Ngài còn ăn diện làm chi rứa?”, nhưng cựu hoàng hậu không nói. Sau lễ khai mạc, được mời lên ủng hộ đầu tiên, cựu hoàng hậu đứng trước chiếc bàn, từ từ cởi toàn bộ đồ trang sức trên người để quyên góp, lúc đó các bà kia mới hiểu.

Sau đó bà Nam Phương nhận lời làm chủ tọa Tuần lễ vàng ở Huế, kêu gọi quyên góp được 925 lượng vàng. Bà còn kêu gọi quyên góp quần áo, chăn màn cho những người lao động nghèo đang thiếu mặc trong mùa đông giá rét. Biết bà Nam Phương đã quyên góp hết nữ trang, Hồ Chủ tịch có gửi tặng 10.000 đồng để gia đình ăn tết, nhưng cựu Hoàng hậu đã trao hết số tiền đó cho các bà xơ để tổ chức tết cho trẻ mồ côi.

Sinh thời Hoàng hậu Nam Phương rất kính trọng Bác Hồ như bất kỳ người dân yêu nước Việt Nam nào khác. Mỗi khi nhắc đến Người, bà đều dùng 2 chữ trân trọng: Cụ Hồ hoặc Hồ Chủ tịch.

Năm 1947, Hoàng hậu Nam Phương cùng con gái sang Pháp định cư tại làng Perche ở Chabrignac, tỉnh Concrèze. Dù sống trong cảnh giàu có, sở hữu nhiều tài sản, nhưng bà sống rất giản dị rồi mất (do bị bệnh) vào ngày 14-9-1963. Ngôi mộ đơn sơ đặt tại nghĩa trang nhà thờ Chabrignac, kết thúc một câu chuyện đẹp về người đàn bà tài sắc, đức hạnh, mẫu mực của chế độ phong kiến Việt Nam.

H.L (tổng hợp)

.
.
.