Thứ Hai, 06/10/2014, 14:27 (GMT+7)
.

Đìa Rốn - ký ức một thời

Từ thuở ấu thơ, tôi đã có ấn tượng nhiều về địa danh Đìa Rốn thuộc xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè). Ký ức về địa danh ấy cứ làm cho tôi nhớ mãi những kỷ niệm tuổi thơ không thể nào quên về một vùng quê nghèo khó nhưng đầy tình làng, nghĩa xóm.

Theo các cụ cao niên thì Đìa Rốn được hình thành bởi dải đường bưng kéo dài qua nhiều địa danh khác nhau, luôn hấp dẫn và lôi cuốn cho những ai tìm hiểu về điểm xuất phát của Đìa Rốn. Nó bắt nguồn từ vùng Bưng Môn (thuộc xã Nhị Quí, huyện Cai Lậy) rồi qua Đìa Thùng theo kinh Cả Gáo (địa danh của các xã thuộc địa phận Bắc Quốc lộ 1 của huyện Cai Lậy) rồi đi qua bưng Bàu Sấu, bưng Giàng Xay, xuống  Đìa Rốn.

Đìa Rốn tọa lạc trên đồng Lục Sự thuộc địa phận ấp Hậu Phú, xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè (nay là ấp Hậu Phú 2, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè). Đìa Rốn nằm nơi vùng trũng, rộng lớn bao trùm cả cánh đồng. Mỗi năm đến mùa khô, nước trong vùng rộng lớn cạn dần chỉ còn lại 2 cái vũng lớn.

Vũng rộng thứ nhất có diện tích khoảng 10.000 m2, gọi là Đìa Rốn chị; vũng thứ 2 có diện tích khoảng 6.000 m2, gọi là Đìa Rốn em). Nói đến Đìa Rốn là nói đến vô số hệ sinh vật, thực vật kèm theo. Nếu ai đã từng ở nơi này hoặc từng được chứng kiến dù chỉ một lần cũng sẽ nhớ mãi về những gì mà thiên nhiên ban tặng cho địa danh này. Biểu hiện rõ nhất là nét đặc trưng 2 mùa mưa, nắng.

Vào mùa nước nổi ở đây có vô số hệ thực vật, nổi bật là hoa sen và bông súng, cùng hoa điên điển đua nhau khoe sắc, lung linh trên mặt nước cả một vùng rộng lớn tựa như biển hoa. Vẻ đẹp bình dị mà quyến rũ của những bông hoa hòa quyện với mùi hương ngào ngạt của những cánh hoa làm cho những ai đến đây đều có cảm giác sảng khoái lạ thường và khó tả.

Dưới mặt nước thì rất phong phú về chủng loại và số lượng động vật, thực vật. Lá bồ đề, lá hẹ, rau mác, rau chốc… là những loại thực vật xuất hiện vào mùa nước nổi; bên cạnh việc tạo ra nguồn thực vật phong phú, còn là những món ăn rất dân dã mà đậm tình quê cho người dân sống nơi đây. Với nguyên liệu chính là bông điên điển và cá lóc đồng, qua chế biến sẽ được món canh chua bông điên điển rất ngon, rất bổ, rất đậm đà tình quê.

Đây cũng là món ăn đặc trưng ở nơi đây mỗi khi nước lũ đổ về. Ngoài ra, còn có các món khác như canh chua lươn, canh chua cá linh, cá rô kho tộ, cá lóc nướng trui… Rất nhiều, rất nhiều món ăn được chế biến từ thiên nhiên mỗi khi nước lũ đổ về. 

Mùa khô, cả một cánh đồng rộng lớn mênh mông nước thì giờ đây khô cạn dần. Một vùng nước rộng lớn cứ thu hẹp dần và lộ ra 2 vũng nước nhìn thấy rất rõ rệt gọi là Đìa Rốn. Cho dù các nơi đều bị khô, đất nứt nẻ nhưng lúc nào cũng có nước ở Đìa Rốn. Có rất nhiều cá, tôm, cua và nhiều loài khác, chúng nhiều đến nỗi giống như cá, tôm được rọng trong lu, khạp; trên phần đất còn lại thì vô số các loài động vật ăn cá như chim, rái cá, rắn, chuột đồng, trăn...

Đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in việc cả xóm tổ chức tát Đìa Rốn. Đó là năm 1971, theo thường lệ, ông  Nguyễn Văn Quắn (5 Quắn) là đảng viên chi bộ ấp bàn với những người lớn tuổi trong xóm tổ chức tát Đìa Rốn. Công việc vui như ngày hội lớn của người dân nơi đây. Mỗi người một việc, người lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chung là tát 2 cái vũng nước còn lại giữa mùa khô (Đìa Rốn). Người lớn thì đắp bờ và tát nước.

Thời điểm đó, chúng tôi tát nước bằng gàu vai, có khi tổ chức tát đến 3 sòng, mỗi sòng có từ 4 người thi nhau tát đến 2 ngày mới xong. Còn trẻ nhỏ thì chuyền tay nhau từng mớ cỏ và tha hồ bắt rái cá, rắn, trăn, chuột…

Vui nhất là cùng nhau đuổi chuột đồng. Điều kỳ lạ là ở đây còn có chuột bạch (chuột có bộ lông trắng như tuyết) rất dễ thương mà bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng muốn sở hữu 1 con để nuôi. Khi dọn cỏ kéo lên có rất nhiều cá, tôm, rắn ẩn nấp cũng bị lôi theo lên bờ.

Cá lóc dành nướng trui gói với lá sen non ăn với muối cục thì rất tuyệt. Mùi thơm tỏa ra từ thịt cá hòa lẫn với mùi rơm rạ và hương hoa sen làm chúng tôi ngây ngất. Vị của cá nướng rất ngon, mùi thơm và giòn của lá sen hòa lẫn với vị mặn của muối cục cho ta món ăn dân dã rất đậm đà, khiến ai ăn một lần thì không thể nào quên…

Đến khi nước vừa cạn thì có rất nhiều cá, phong phú về chủng loại và số lượng. Các cụ bảo nên chọn những con cá to mới bắt, còn con nhỏ thì để lại nuôi, chứ bắt mà không ăn được thì tội lắm (đây là nét đẹp của người xưa, biết để dành cho thế hệ sau). Chúng tôi cứ xách giỏ nang tre, nhíp bàng mà chọn những con rùa và cá, tôm, rắn… lớn mà bắt.

Nói đến rắn thì nhiều vô số kể. Ấn tượng nhất của bọn trẻ chúng tôi là được thưởng thức món trứng rắn, vì chúng tôi được ưu ái tha hồ ăn uống. Đến chiều thì mỗi người đều có 1 giỏ đầy nào là cá, tôm; các chú lớn tuổi thì chở cá về bằng cộ trâu. Lúc bấy giờ cá không bán mà chỉ để ăn và làm quà biếu hoặc làm mắm. Sau khi bắt cá xong thì mọi người nhanh chóng khai nước vào để cho các con cá còn lại có nước mà sống, để dành cho mùa sau.

Tuổi thơ ai cũng có kỷ niệm với 1 dòng sông yên lành. Tuổi thơ của tôi gắn liền với cuộc sống nơi Đìa Rốn. Ngày nay, dưới tác động của nhịp sống kinh tế thị trường, yêu cầu của cuộc mưu sinh khiến chúng ta cuốn theo dòng xoáy của cuộc sống.

Nhưng mỗi khi nhắc đến 2 từ Đìa Rốn đều gợi nhớ trong tôi và như được trở về một thời đã qua đầy kỷ niệm đẹp về một vùng quê nghèo nhưng đậm đà tình nghĩa. Dưới tác động của thời gian và sự can thiệp của bàn tay con người, Đìa Rốn ngày nay không còn nữa, nhưng vẫn còn mãi một Đìa Rốn đầy kỷ niệm trong ký ức của mỗi người đã từng sống và trưởng thành nơi đây.

MAI HOÀNG VĨNH

.
.
.