Chiến công trên mặt trận sông nước
PHIÊN HỌP… 1 PHÚT GIỮA SÔNG
Những ngày đầu năm 1968, địch cho chiếc tàu chiến mang số hiệu 1917, là loại tàu chiến hoạt động sát bờ biển và trên sông - tàu chỉ huy hạm đội trên sông của Hải quân Mỹ neo đậu gần phà rạch Miễu, trên phần đất Mỹ Tho.
Quân khu phân công cho đội đặc công Quân khu và Thành đội Mỹ Tho tổ chức đánh. Khi ấy, tổ đặc công của tỉnh Bến Tre do đồng chí Hoàng Lam chỉ huy, sau khi đã nhận chìm 2 tàu địch 821 và 833 ở ngay cửa biển Hàm Luông, đang “hưng phấn”, đã đề nghị với Tỉnh đội Bến Tre xin đánh tiếp - cũng là tàu 1917. Được sự chấp thuận, đồng chí Hoàng Lam cho khiêng gấp những trái nổ vượt qua nhiều tuyến ngăn chặn của địch để đến điểm tập kết trên đất Mỹ Tho.
Đêm thứ tư điều nghiên, tổ của đồng chí Hoàng Lam đang ngụp lặn giữa sông Tiền, chợt địch bắn pháo sáng soi rực cả một vùng nước bao la. Chính lúc ấy, đồng chí Hoàng Lam và đồng đội là đồng chí Hữu Tâm trông thấy những vật gì nhấp nhô như những quả dừa đang trôi nhanh về phía mình. Hữu Tâm buộc miệng kêu lên: “Chết rồi! Người nhái tụi nó đang bơi ra, anh Lam ơi!”. Cả tổ dừng lại, rút dao găm sẵn sàng chiến đấu.
Chốc sau thấy rõ hơn, đó là những vòng ngụy trang bằng lục bình nhấp nhô trên mặt sóng. Hoàng Lam thở phào, bơi lại gần và hỏi khẽ: “Cánh Mười Tý phải không?”. Đồng chí Mười Tý, Đại đội trưởng đặc công Quân khu trả lời: “Đúng. Hoàng Lam đó hả?”. Hoàng Lam chợt thốt lên: “Trời ơi! Chút xíu nữa anh em mình “choảng” nhau rồi”.
Phút chốc hội ngộ giữa sông Tiền, bỗng Hữu Tâm nói như có vẻ nghiêm túc: “Anh Mười, nhường cho tụi em đánh tàu này nha!”. “Được thôi! Đánh nó thì tụi này “đeo” cái khác. Trên sông Tiền còn thiếu gì, mà phải đánh chắc ăn nha, không thì bị phạt nặng đó!”.
“Phiên họp… bàn giao nhiệm vụ” không đầy 1 phút giữa sông Tiền như vậy đó. Sau đó nửa tháng, tổ đặc công Hoàng Lam đánh chìm tàu chiến 1917 trên sông Tiền, thuộc địa phận tỉnh Mỹ Tho.
CHIẾN CÔNG LÚC NỬA ĐÊM
23 giờ ngày 21-1-1971, anh em gác ngoài bờ sông chạy về đánh thức cả đơn vị dậy: “Có 2 chiến hạm cùng 3 tàu mặt dựng theo bảo vệ đang neo đậu phía đuôi cồn Thới Sơn”. Mười Tý mừng ra mặt, cho đây là thời cơ lớn kể từ khi quân Mỹ rút cho tới nay.
Phải đánh ngay. Anh liền bố trí 2 chiến sĩ trở ra mé sông theo dõi hoạt động của địch trên tàu. Còn 5 đồng chí khác khẩn trương moi thuốc nổ đang cất giữ gói thành 3 khối. Lát sau, Mười Tý (tổ trưởng) điều động khối thuốc 90 kg, Hưng khối 60 kg, Hùng khối 40 kg, Hải và Tám lo việc pin, dây điện.
5 chiến sĩ đặc công ra sông, ngược dòng nước bơi về phía mục tiêu. Đêm khuya, gió nồm thổi mạnh, sóng to nhồi lên vỗ vào bờ, trong khi sông thì rộng mênh mông, trông về phía trước thấy mục tiêu như một đốm đen lúc hiện lúc mất, chỉ thấy ánh chớp và tiếng lựu đạn, mìn địch ném quanh tàu.
“Đường hành quân ra trận - giữa sông” của chiến sĩ đặc công sao mà rộng bao la, rất có thể bị lạc nhau, chỉ lạc một người thôi thì trận đánh cũng sẽ khó thành công. Nghĩ vậy, Mười Tý cho 5 anh em dùng dây cột nhau thành “một chùm”. Còn cách mục tiêu 200 m, sức nước mạnh cứ cuốn anh em dạt vào mé bờ, Mười Tý phải kè và hướng dẫn anh em bơi theo cách của mình.
Nắm cơ bản quy luật hoạt động của địch, đợi khi địch ném xong một loạt lựu đạn, mìn, bắn đạn xuống sông, Mười Tý lập tức điều cả tổ áp sát mục tiêu, bám vào dây neo tàu. 2 chiến hạm đậu gần nhau, bên hông là 3 tàu mặt dựng, mỗi chiếc dài 24 m bảo vệ.
Mười Tý áp đặt khối thuốc 90 kg phía ngoài buồng máy chiếc chiến hạm thứ nhất, Hưng và Hùng áp 2 khối thuốc còn lại 2 bên hông chiếc hạm tàu thứ hai. Nhanh chóng kiểm tra lần cuối, tất cả lui ra cự ly đánh.
Hải và Tám rải dây, cho khối pin trồi lên mặt nước, điểm hỏa. 2 tiếng nổ thật lớn kèm theo ngọn lửa từ chiếc hạm tàu thứ hai bốc lên sáng rực một góc trời. Vài phút sau, 2 chiếc trực thăng vũ trang từ Bình Đức vội vã bay tới thả từng chùm pháo sáng, dường như để quan sát mặt sông tìm cái gì đó. Tổ 5 người của Mười Tý đã leo lên bờ trở về căn cứ an toàn.
Sáng hôm sau, đứng ở đuôi cồn Thới Sơn trông ra chỗ bãi chiến hạm tàu neo đậu chỉ còn thấy thân 1 chiến hạm cháy đen, 1 chiến hạm khác cùng 3 tàu mặt dựng chìm mất tăm dưới đáy sông Tiền. 2 ngày sau địch mới cho 10 chiếc tàu bo bo tuần tiểu canh gác, bảo vệ cho thợ lặn lặn cắt từng mảnh tàu bị cháy, mò vớt được 40 xác lính ngụy.
NGUYỄN HỮU CHÍ
(Theo hồi ký của Thiếu tướng Lê Quốc Sản, Tư lệnh Quân khu 8)