.

Phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em, trách nhiệm không của riêng ai

Cập nhật: 08:35, 23/05/2013 (GMT+7)
Tắm sông, hồ dễ dẫn đến đuối nước rất nguy hiểm. Ảnh: Hạnh Nga
Tắm sông, hồ dễ dẫn đến đuối nước rất nguy hiểm. Ảnh: Hạnh Nga

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cho trẻ em nhiều nhất hiện nay chính là tai nạn đuối nước. Đây thực sự là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Nhiều nỗi đau từ tai nạn đuối nước

Những ngày đầu hè, cả nước đã xảy ra nhiều tai nạn đuối nước ở trẻ em rất thương tâm, để lại bao nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Ngày 18-4, một vụ tai nạn đuối nước đã xảy ra tại thôn La Chử (xã Hữu Phước, Ninh Thuận). Vụ tai nạn khiến 6 em bị chết đuối, đều là học sinh lớp 7.

Cũng ngày 18-4, tại khu vực Cây Trâm (thuộc thôn 4 xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm, khiến 2 học sinh lớp 4 tử vong.

Chiều 24-4, tại khu vực khe Nậm Càn (Kỳ Sơn, Nghệ An) xảy ra vụ đuối nước làm em Và Văn Lầu (15 tuổi) tử nạn.

Cùng ngày, một học sinh lớp 11, trong lúc đi dã ngoại với lớp ở khu vực hồ nước Ba Khe (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn), bị sảy chân rơi xuống hồ nước sâu, đến khi người dân địa phương đến ứng cứu thì em đã bị tử vong do ngạt nước.

Chiều 30-4, do được nghỉ học nên một tốp 8 em học sinh THCS ở xã Trung Sơn (Đô Lương, Nghệ An) rủ nhau ra sông Lam để tắm. Trong lúc tắm, 3 em bị đuối nước. Lúc đó, em Nguyễn Văn Nam trú tại xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, học sinh lớp 12T7 trường THPT Đô Lương I đi qua, nghe tiếng kêu cứu vội lao mình xuống sông cứu.

Sau khi đưa được các em lần lượt vào gần bờ thì Nam kiệt sức, bị nhấn chìm xuống dòng nước. Tai nạn dù chỉ cướp đi sinh mạng của 1 học sinh nhưng đã để lại nỗi đau, sự thương tiếc khôn nguôi cho các gia đình và toàn xã hội.

Ngày 14-5, tại khu vực hồ thủy điện Serepok 4 (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), 4 học sinh đã bị chết đuối do rủ nhau ra hồ thủy điện tắm.

Trong ngày 15-5, hai bé gái 6 tuổi và 7 tuổi vào chơi trong khu sinh thái ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) bị rơi xuống hồ, chết đuối.

Cùng ngày 15-5, 2 em học sinh trung học ở TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cũng bị nước cuốn đi khi tắm tại cửa biển Nhật Lệ.

Tạo dựng điểm vui chơi an toàn

Ba tháng nghỉ hè, nhu cầu vui chơi, giải trí của các em tăng cao. Trẻ em thành phố nếu gia đình có điều kiện thì hàng ngày đến bể bơi tắm mát, nếu không có điều kiện thì tìm đến các bãi ven sông để tắm. Trẻ em nông thôn thì tìm đến ao, hồ, sông, suối để tắm mát, chơi đùa.
 
Thực tế thấy rằng, không phải trẻ em chỉ thích chơi ở những nơi có nước mà trẻ đang thiếu trầm trọng chỗ vui chơi, giải trí an toàn. Bởi vậy, nên trẻ tìm đến những điểm chơi thiếu an toàn như: Hồ nước, công trường... vì đây là những địa điểm chơi thoải mái mà không mất phí, cũng không ai kiểm soát... 

Thử làm một phép tính nhỏ, trong gia đình, bố mẹ đều là người làm công ăn lương, thu nhập ở mức trung bình (cả gia đình trên dưới 10 triệu/1 tháng), trừ chi phí thuê nhà, điện nước, học phí, ăn uống…, liệu mỗi tháng có thể dành ra 1 triệu đồng cho 2 con đi bơi tại các hồ bơi an toàn, hay cho con đến các trung tâm giả trí để thỏa mãn “cơn khát” vui chơi ?

Do đó, để giảm tai nạn đuối nước, việc cần làm đầu tiên là tạo ra các khu vui chơi an toàn để thu hút trẻ. Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các khu vui chơi giải trí cho trẻ và có biện pháp quản lý về giá cả, đảm bảo hài hòa lợi ích của cá nhân và cộng đồng, giữ gìn an toàn tính mạng cho chính con em của chúng ta. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết được khi có sự chung tay của toàn xã hội.

Phối hợp quản lý chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Để hạn chế tai nạn đuối nước thì vai trò của gia đình là quan trọng nhất. Các gia đình cần tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng cách làm tường rào cho các mặt nước hở, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình. Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn theo sát con cái.

Ngoài việc thường xuyên giám sát, cha mẹ cần chủ động nhắc nhở, dạy bảo, răn đe con em về hành vi tắm mát, bơi lội tại các sông, hồ. Trẻ cần được biết về các nguy cơ có thể sảy ra khi đến gần những nơi có mặt nước hở chơi đùa để nâng cao tính cảnh giác. Cha mẹ cũng cần tạo điều kiện để trẻ em học bơi nâng cao sức khỏe và ứng phó với tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, cũng cần hướng dẫn trẻ giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước.

Vấn đề này cũng phải được nhà trường đưa vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa để nhắc nhở, giáo dục các em. Nhà trường và gia đình cũng cần có sự phối hợp trong việc quản lý trẻ, nhất là những ngày cuối hè. Khi trẻ đã đến trường, nếu không có tiết học, nhà trường tuyệt đối không cho trẻ ra khỏi khu vực trường. Nếu có nghỉ học phải thông báo cho gia đình để quản lý con em mình ngoài giờ đến lớp.

Ngành Giáo dục cần có biện pháp chủ động đưa môn bơi lội vào trong trường học, mặc dù còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất (đất đai; kinh phí xây dựng, duy trì hồ bơi…). Hiện nay, chỉ có một số trường học tư nhân, liên kết quốc tế, quốc tế có đưa môn bơi lội trở thành môn học chính khóa, nhưng số này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và chỉ có ở các thành phố lớn.

Các ngành, các cấp cần vào cuộc, tạo cơ chế phối hợp giữa nhà trường và các cơ sở kinh doanh hồ bơi trên địa bàn để chủ động dạy bơi, kỹ năng xử lý tình huống đuối nước cho trẻ trong thời gian đến trường. Ở vùng khó khăn chưa có hồ bơi, cần có sự phối hợp giữa các trường, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong dạy học bơi cho trẻ.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền

Cần có chiến dịch tuyên truyền về tai nạn đuối nước ở trẻ, nhất là về những vùng nông thôn, vùng núi nơi nhiều mặt nước hở tự nhiên, có các thủy điện. Cần cung cấp cho người dân kiến thức cơ bản về nguy cơ đuối nước, đặc biệt với trẻ em; tầm quan trọng của việc học bơi; cách thức xử lý khi bị đuối nước và cả kỹ năng cứu người đuối nước.

Trong tai nạn đuối nước, 90% người tử vong do không biết bơi, nhưng có những người biết bơi vẫn tử nạn, có trường hợp tử vong do sơ cấp cứu không đúng cách. Do đó, biết bơi là giải pháp đầu tiên để mỗi người tự cứu mình trong các trường hợp bị ngập nước. Khi thấy người bị đuối nước, không nên một mình nhảy xuống cứu mà cần tri hô để nhiều người cùng ứng phó.

Cấp cứu tại chỗ là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Nếu xử trí chậm, nạn nhân bị thiếu ôxy não rất khó cứu sống. Đầu tiên, cần dốc nước mà nạn nhân đã uống ra ngoài. Để tránh lãng phí thời gian, trường hợp nặng, cần hô hấp nhân tạo và ấn ngoài lồng ngực, giúp đẩy nước trong lồng ngực ra ngoài và cung cấp oxi cho cơ thể. Nếu tim nạn nhân ngừng đập thì phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ) hoặc 15/2 (đối với người lớn). Sau khi tim đã đập trở lại, cần đưa ngay đến cơ sở y tế nơi gần nhất để tiến hành cấp cứu.

Bên cạnh đó, các trường học cần triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước; từng bước đưa môn bơi vào chương trình học tập; đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy bơi; tiếp tục mở các điểm trông giữ trẻ mùa lũ.

Khi tuyên truyền cũng cần đa dạng hóa các hình thức để phù hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ, có thể thông qua loa phát thanh, tờ rơi, tuyên truyền qua Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh ở cơ sở hay qua phim, ảnh, sách báo …

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.