Cần giải pháp thấu tình đạt lý trong di dời tiểu thương sang chợ mới
Chợ An Bình (An Cư, Cái Bè) hình thành cách nay hơn 50 năm, hiện có gần 120 hộ tiểu thương buôn bán các mặt hàng thiết yếu, là một trong những ngôi chợ nông thôn khá nhộn nhịp. Năm 2009, do nhà lồng chợ xuống cấp, hư hỏng, UBND huyện Cái Bè đã chấp thuận cho UBND xã An Cư xây nhà lồng chợ trị giá 400 triệu đồng để giúp tiểu thương an tâm mua bán lâu dài.
Đến năm 2011, UBND huyện Cái Bè lại chấp thuận cho một doanh nghiệp tư nhân đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng chợ An Cư, cách chợ An Bình khoảng 300m, với khoảng 47 ki-ốt và 105 quầy sạp. Cách đây một năm rưỡi, chợ An Cư được khánh thành, đưa vào sử dụng nhưng qua nhiều lần vận động các tiểu thương ở chợ An Bình di dời vào chợ An Cư để kinh doanh, mua bán… vẫn bất thành. Hiện chợ An Cư thì vẫn “cửa đóng then cài”, trong khi đó chợ An Bình thì lại mua bán khá nhộn nhịp.
Đường duy nhất vào chợ An Bình ngay dưới dốc cầu An Cư, cặp Quốc lộ 1A. |
Vì sao không di dời vào chợ An Cư để mua bán? Trả lời câu hỏi này hầu hết tiểu thương đều cho rằng, lâu nay họ đã buôn bán ổn định ở chợ An Bình, trong khi đó nhà đầu tư chợ An Cư không thông báo cụ thể giá cho thuê mặt bằng quầy sạp. Đã vậy, chợ An Cư được xây dựng ở vị trí không thuận lợi, không có đường giao thông thủy để vận chuyển, mua bán hàng hóa.
Thực tế là đã có không ít tiểu thương đang mua bán ở chợ An Bình đóng tiền để đến chợ An Cư bán nhưng không có người mua. Họ không chỉ bỏ tiền trở về chợ An Bình mà còn chịu thua lỗ trong những ngày bán thử ở chợ mới.
Chị Yến, một người bán trái cây ở chợ An Bình cho biết: “Để có chỗ bán ở chợ An Cư mỗi tiểu thương phải đóng 7 triệu đồng (đóng trước 4 triệu đồng). Tôi đã đóng 4 triệu đồng và bỏ 3 triệu đồng vốn mua trái cây đến chợ mới bán thử xem thế nào, nhưng chỉ qua 3 ngày là không chịu nổi thua lỗ vì không có người mua, đành phải trở về chợ An Bình”.
Cũng giống như chị Yến, khi được Ban Quản lý chợ An Cư thông báo là hết chỗ nên đã có khoảng 10 tiểu thương ở hàng cá, mỗi người đã vội vã bỏ ra 4 triệu đồng để đóng tiền chỗ ở chợ An Cư và chỉ đến bán được vài ngày nhưng không có người mua cũng đành trở về chợ An Bình.
Dù tiểu thương di dời đến chợ An Cư mua bán không mấy khả quan khiến họ phải trở về chợ cũ An Bình, nhưng đến ngày 23-11-2012 UBND xã An Cư có mời các tiểu thương đến UBND xã để thanh lý hợp đồng (vì hợp đồng cho thuê ki-ốt để kinh doanh ở chợ An Bình giữa UBND xã An Cư và các tiểu thương sẽ hết hạn vào ngày 31-12-2012) và sang năm mới (năm 2013) sẽ ký hợp đồng mới lại. Nhưng đa số tiểu thương không đồng ý thanh lý hợp đồng và có kiến nghị là tiếp tục được ký hợp đồng thuê ki-ốt kinh doanh ở chợ An Bình.
Đến ngày 2-5-2013, UBND xã An Cư tiếp tục yêu cầu các tiểu thương chợ An Bình thanh lý hợp đồng, trả lại mặt bằng ki-ốt nhưng các tiểu thương vẫn không đồng ý. Đến ngày 15-5-2013, UBND xã An Cư đã gửi đơn khởi kiện các tiểu thương có hợp đồng thuê ki-ốt để kinh doanh ở chợ An Bình ra Tòa án nhân dân huyện Cái Bè càng khiến tiểu thương bức xúc.
Chung quanh vụ việc nêu trên, ông Lê Bá Thi, Chánh Văn phòng UBND huyện Cái Bè cho biết: Trước đây, UBND xã An Cư có ký hợp đồng cho 8 hộ thuê ki-ốt tại chợ An Bình, với thời hạn là một năm (năm 2012). Nhưng do nhu cầu di dời chợ An Bình nên UBND xã An Cư đã thông báo về việc ngưng hợp đồng cho thuê trước thời hạn đối với các hộ.
Đến nay, UBND xã An Cư đã thanh lý xong hợp đồng với 4 hộ, còn lại 4 hộ do không đồng ý nên UBND xã An Cư đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Cái Bè để được giải quyết theo thẩm quyền. Về chủ trương khi di dời chợ An Bình là sắp xếp di dời các hộ mua bán ở nhà lồng chợ chính An Bình sang chợ mới An Cư, riêng các hộ mua bán ở hai dãy phố (chợ An Bình) vẫn được tiếp tục buôn bán bình thường.
Sau khi di dời chợ An Bình, các ngành chức năng của huyện và UBND xã An Cư xây dựng trụ sở Ban Quản lý ấp hoạt động, phần còn lại quy hoạch thành các công trình phúc lợi công cộng của ấp theo tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới.
Thực hiện chủ trương trên, UBND xã An Cư đã lập phương án di dời, sắp xếp chợ An Bình sang chợ mới An Cư. Tuy nhiên, trong quá trình di dời thì các hộ tiểu thương không đồng ý và có đơn gửi điểm tiếp công dân của UBND huyện Cái Bè kiến nghị tiếp tục được mua bán tại chợ An Bình.
Chợ An Cư được đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng nhưng vẫn đóng kín cửa hơn một năm rưỡi qua. |
Sau khi nhận được đơn của các hộ, UBND huyện Cái Bè đã chỉ đạo cho các ngành chức năng huyện, UBND xã An Cư tiếp tục vận động các hộ tiểu thương di dời chợ An Bình. Đồng thời, UBND huyện Cái Bè cũng đã có văn bản phúc đáp cho từng hộ.
Mặc dù việc kiến nghị của các hộ tiểu thương đã được các ngành chức năng của huyện, UBND xã An Cư vận động, giải thích nhiều lần nhưng các hộ vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại, trong đó có các hộ trong dãy phố vì lo sợ khi di dời chợ sẽ mất lợi thế buôn bán nên tác động khiếu nại.
Theo UBND huyện Cái Bè, do chợ An Bình có thời gian sử dụng khá lâu nên cơ sở vật chất đã xuống cấp, công tác vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy không đảm bảo. Mặt khác, do chợ An Bình có vị trí nằm sát dốc cầu An Cư và chỉ có một con đường đi vào chợ nằm cặp theo Quốc lộ 1A chạy dài từ ngã ba An Cư xuống đường dạ cầu, hàng ngày có nhiều người thường xuyên buôn bán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, gây cản trở giao thông.
Theo quy định tại Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24-2-2010 của Chính phủ “Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” thì toàn bộ diện tích của khu chợ An Bình đều nằm trong phạm vi bán kính hành lang cầu An Cư cho nên không đủ điều kiện để tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ.
Xuất phát từ tình hình trên, thực hiện chủ trương xã hội hóa việc xây dựng chợ mới An Cư là phù hợp theo Quyết định 08/2008/QĐ-UBND ngày 15-2-2008 của UBND tỉnh “Quy định về đầu tư xây dựng và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” (nay là Quyết định 18/2011/QĐ-UBND ngày 27-6-2011 của UBND tỉnh “Ban hành Quy định về ưu đãi đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh”).
Theo quy hoạch chung, các chợ trên địa bàn huyện Cái Bè không đảm bảo các tiêu chí như đã nêu trên phải từng bước di dời đến địa điểm mới. Do đó, chủ trương của huyện là vận động, sắp xếp, chuyển các hộ kinh doanh tại chợ An Bình sang chợ mới An Cư.
Từ thực trạng và các quy định hiện hành, việc di dời chợ An Bình sang chợ mới An Cư là hết sức cần thiết nhằm giải quyết được tình trạng quá tải của chợ An Bình, đảm bảo về an toàn giao thông, giải quyết được tình trạng lấn chiếm hành lang lộ giới, đảm bảo được công tác vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy; đồng thời, về lâu dài khi lập phương án xây dựng xã nông thôn mới, thì chợ mới An Cư sẽ đáp ứng tiêu chí để xây dựng xã nông thôn mới.
PHƯƠNG NGHI