Làm gì để không còn nỗi đau tai nạn giao thông?
Chỉ trong 3 ngày, 3 vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc đã cướp đi sinh mạng 16 người, hơn 50 người khác bị thương. Chưa bao giờ người dân sống trong hoang mang vì tai nạn đến thế... Chúng ta cần làm gì để không còn nỗi đau TNGT?
Theo thống kê của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), trong tuần đầu tiên của tháng 6, cả nước xảy ra 339 vụ TNGT làm 151 người chết, 232 người bị thương. Tăng cả về số vụ và số người bị thương so với cuối tháng trước.
Hiện trường vụ TNGT tại Khánh Hòa khiến 7 người thiệt mạng hôm 7-6. |
Trong đó đáng lưu ý nhất là vụ tai nạn xảy ra vào sáng 7-6 tại đèo Hòn Giao - Khánh Lê (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Chiếc xe khách chở đoàn giáo viên gồm 32 người khi đổ dốc đã mất lái đâm vào vách núi, làm chết 7 người và hơn 20 người khác bị thương.
Sau đó 2 ngày, ngày 9-6, trên QL 1A đoạn qua xã Điện An (Điện Bàn, Quảng Nam) xảy ra vụ lật xe khách đường dài hãng Mai Linh khiến 3 người thiệt mạng và 30 người bị thương.
Chiều cùng ngày, tại huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu xảy ra vụ va chạm giữa xe tải đông lạnh với 3 xe máy. Hậu quả cả 6 người trên 2 xe máy tử vong tại chỗ...
Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12.000 người chết vì TNGT, tương đương quân số một trung đội/ngày.
Và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi số vụ TNGT thảm khốc ngày càng gia tăng. Có lẽ chưa bao giờ người dân hoang mang mỗi khi ra đường đến thế.
TNGT bao năm nay là nỗi ám ảnh thường trực, khiến bao gia đình phải gánh chịu mất mát đau thương đến tột cùng, bao đứa trẻ mất cha, mẹ, bao người mất con, cháu và khiến hàng nghìn gia đình khuynh gia bại sản...
Để khắc phục hậu quả TNGT, bình quân mỗi năm nhà nước phải bỏ ra trên 40.000 tỷ đồng.
Trong nhiều năm, nhiều hội thảo với hàng loạt giải pháp hạn chế TNGT đã được đưa ra, song bất chấp nỗ lực của các ngành chức năng, mục tiêu này vẫn chưa thể đạt được.
Giới chức trách nhấn mạnh cần phải có giải pháp đồng bộ, tập trung vào 3 yếu tố chính là con người, cơ sở hạ tầng và khâu quản lý.
Tuy nhiên đến nay, chúng ta chưa ghi nhận được sự chuyển biến nhiều. Bằng chứng đường sá vẫn xuống cấp, kém chất lượng, vẫn ăn gian vật liệu, khâu thi công, CSGT vẫn cắm chốt đều, nhưng tài xế vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, sát hạch GPLX quá dễ dàng, kiểm định làm qua loa...
Trước tình hình trên, mới đây nhất, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Chính phủ tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đề xuất cần tăng mức phạt bổ sung tước GPLX vĩnh viễn đối với các tài xế vi phạm nghiêm trọng (hiện mức cao nhất chỉ tước giấy phép lái xe 2 năm).
Ông Ngọ cho rằng, có tới 80% vi phạm là do ý thức của người tham gia giao thông. Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình từ phía người dân.
Tuy nhiên, phía Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội ngay sau đó đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công an; Bộ Tư pháp bày tỏ ý kiến cho rằng việc tước GPLX vĩnh viễn là ... phạm luật.
Hiệp hội này lập luận, tại Điều 202 của Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định: “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” thì tùy theo mức độ vi phạm bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù từ 7 đến 15 năm, còn có thể cấm hành nghề từ 1 năm đến 5 năm (không tước quyền hành nghề suốt đời).
Vì vậy, nếu đề xuất trên được đưa vào Nghị định là trái với quy định của Bộ luật hình sự và phải đề nghị Quốc hội sửa đổi lại Bộ luật hình sự.
(Theo vietnamnet.vn)