Thứ Sáu, 28/06/2013, 13:52 (GMT+7)
.

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28-6: Nghĩ về “gia phong”

Thoạt nghe đến hai tiếng “gia phong”, chắc chắn sẽ có không ít người phản ứng và đặt vấn đề: Đã là thời đại nào rồi mà còn nói đến gia phong? Bởi họ cho rằng “gia phong” là sản phẩm của thời đại phong kiến lạc hậu, không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng đời sống gia đình hiện nay. Thực sự có phải như vậy hay không? Và, trong quá trình “xây dựng gia đình văn hóa” mà chúng ta đang tiến hành có liên quan gì đến chuyện “gia phong” hay không?

Trước hết cần làm rõ nghĩa của khái niệm “gia phong”. “Gia phong” (家風) là một từ cổ, gốc Hán - Việt có nghĩa chung là nền nếp riêng của một gia đình. Cũng có thể nói ngắn gọn là “nếp nhà”. Hiểu rộng ra, “gia phong” là tổng hòa toàn bộ những giá trị đạo đức, văn hóa, thói quen tốt đẹp của mỗi gia đình đã được nhiều thế hệ kế tiếp gây dựng, giữ gìn, phát huy và đã trở thành truyền thống.

Chúng ta khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và phát triển thể chất, nhân cách và đạo đức của mỗi cá nhân theo một “gia phong” nhất định nào đó và “gia phong” đó phải gắn liền với tính chất và phục tùng các chuẩn mực đạo đức, pháp luật của xã hội đương thời. 

“Gia phong” là sản phẩm của thời kỳ phong kiến, nhưng điều đó không có nghĩa nó là của riêng thời phong kiến. Thời nào, gia đình cũng có vai trò quan trọng như nhau và do đó thời nào thì có “gia phong” của thời đó. Gia đình truyền thống Việt Nam xưa rất coi trọng việc xây dựng, giữ gìn và phát huy “gia phong”.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, gian khổ, Bác Hồ cũng đã rất quan tâm đến vấn đề xây dựng nền nếp gia đình. Dưới bút danh Tân Sinh, trong tác phẩm “Đời sống mới” được phát hành vào tháng 3-1947, Bác đã đề cập tới vấn đề nền nếp gia đình như sau:

“Mỗi người làm đúng theo đời sống mới, đời sống mới trong một nhà cũng dễ dàng thôi. Cũng như mỗi viên đá trơn tru vững chắc, chỉ cần một ít vôi là đắp thành một bức tường tốt. Về tinh thần thì trên thuận dưới hòa, không thiên tư thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng. Về vật chất từ ăn mặc đến việc làm phải ăn đều, tiêu xài có kế hoạch, có ngăn nắp. Cưới hỏi, giỗ tết nên đơn giản, tiết kiệm. Trong nhà ngoài vườn phải luôn luôn sạch sẽ, gọn gàng. Đối với xóm giềng phải thân mật và sẵn sàng giúp đỡ. Đối với việc làng, việc nước phải hăng hái làm gương. Người trong nhà ai cũng biết chữ. Luôn luôn cố gắng làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng. Đời sống mới trong nhà, đó cũng không có gì là khó, không cần tốn tiền tốn công, miễn là có chí là làm được; mà một nhà như thế nhất định sẽ phát đạt”.

Đây rõ ràng là Bác đã kêu gọi mọi gia đình tích cực xây “gia phong” theo “Đời sống mới”.

Mấy năm nay cả nước ta tiến hành cuộc vận động “xây dựng gia đình văn hóa” theo 3 tiêu chuẩn:

1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương;

2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng;

3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Để đạt được những tiêu chuẩn trên, mỗi gia đình có cách phấn đấu khác nhau, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mình nhưng suy cho cùng thì mỗi gia đình cũng đang xây dựng “gia phong” cho mình.

Hiện nay, nước ta đang thực hiện tiến trình CNH - HĐH và hội nhập quốc tế trong xu hướng toàn cầu hóa. Sự giao lưu, mở cửa, hội nhập đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội. Gia đình Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế; giao lưu, tiếp cận với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực tác động đến đời sống gia đình Việt Nam, làm cho gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách, sóng gió.

Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng đã để lại những hậu quả nặng nề về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội.

Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều và sau hôn nhân nhiều phụ nữ di cư theo chồng sinh sống ở nước ngoài cũng đặt ra mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam như đạo hiếu, lễ nghĩa… đang có biểu hiện xuống cấp, mai một.

Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng đến mức báo động.

Từ thực tế trên, chúng ta thấy việc phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống hay nói cách khác là “gia phong” trong công tác xây dựng gia đình văn hóa có đời sống kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú là yêu cầu bức thiết của toàn xã hội.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình chính là “gia phong”.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.