Cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến đốn bỏ chanh bông tím
Thời gian qua, nhiều nơi nổi lên phong trào trồng chanh bông tím. Thế nhưng, mới đây anh Tân (ấp Trung A, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành) phải đốn bỏ gần 2,5 công đất trồng chanh bông tím xen với dừa đã 3-4 năm tuổi. Lý do phá bỏ là do vườn chanh của anh Tân phần lớn không cho trái hoặc có nhưng trái rất ít.
Được biết, số chanh này được anh Tân lấy giống từ vườn chanh bông tím của một người thân bên vợ. Vườn chanh chọn giống cho trái cũng khá nên anh Tân rất ngạc nhiên khi mang về trồng gần 4 năm mà cây cho trái rất èo uột.
Anh Tân cho biết: “Những cây lá mỏng, lá màu vàng thì thường có trái ít hơn so với những cây rậm rạp, lá xanh và dầy”. Đốn bỏ gần hết vườn chanh, chịu lỗ tiền giống vài trăm ngàn đồng và gần 4 năm chăm sóc, đến giờ anh Tân vẫn không rõ vì sau vườn chanh của anh lại cho năng suất thấp đến như vậy (?).
Cách vuông đất anh Tân không xa, anh Bé Hai Khéo cũng vừa đốn bỏ gần 8 công đất trồng chanh xen với dừa cũng với lý do tương tự. Tất nhiên, với 8 công đất thì thiệt hại của anh Hai là rất lớn nhưng anh cũng phá bỏ vì đã xử lý nhiều cách nhưng chanh vẫn ít trái.
Thời gian gần đây, trước thông tin về mô hình trồng chanh bông tím mang lại hiệu quả cao đã đẩy phong trào trồng loại cây này lan rộng. Vì vậy, trường hợp 2 vườn chanh bị đốn bỏ trên cùng địa bàn 1 ấp ở xã Nhị Bình rất đáng để bà con nông dân, Hội Nông dân, chính quyền và các ngành chức năng lưu tâm. Lý do về chất lượng giống, quy trình trồng, chăm sóc hoặc có vấn đề gì khác cần phải được làm rõ và có biện pháp xử lý để người nông dân trồng chanh bông tím tránh được rủi ro.
NGUYỄN BÌNH NHỊ