Thứ Hai, 22/07/2013, 12:47 (GMT+7)
.

ĐBSCL - Đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tích cực “Xây dựng quy chế liên kết vùng ĐBSCL”. ĐBSCL có diện tích 40.000 km2, dân số khoảng 20 triệu người, có đường biên giới bộ giáp Campuchia khoảng 340km, bờ biển dài hơn 700km với 360.000km2 đặc quyền kinh tế. ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, trái cây, thủy sản mà còn là môi trường đảm bảo “sức khỏe” cho nền nông nghiệp cả nước. Một vùng được coi là giàu tiềm năng mà có đến 5 cái nhất so với cả nước : Nghèo nhất, lạc hậu nhất, trình độ học vấn thấp nhất, cơ sở hạ tầng giao thông kém nhất và thụ hưởng an sinh xã hội kém nhất.

Trước những bức xúc đó, những năm qua các tỉnh đã nỗ lực phấn đấu phát triển. Nông, lâm, ngư nghiệp đã có dấu hiệu phát triển toàn diện, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trong vùng từ 56.000 tỷ đồng (năm 2001) lên 110.000 tỷ đồng (năm 2011), tăng bình quân 7%/năm.

Du lịch sinh thái - đi một tỉnh là biết các tỉnh, thành ĐBSCL. Một ví dụ đặt ra cho vấn đề liên kết vùng.
Du lịch sinh thái - đi một tỉnh là biết các tỉnh, thành ĐBSCL. Một ví dụ đặt ra cho vấn đề liên kết vùng.

Để có bước phát triển đột phá, không có cách nào hiệu quả hơn là toàn vùng phải tránh kiểu mạnh ai nấy làm và cùng nhau liên kết .

Mục tiêu liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL nhằm xây dựng ĐBSCL thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ phát triển nhanh, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, nhằm xây dựng khu vực này thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hiện đại, công nghiệp, dịch vụ, từ đó kinh tế vùng ĐBSCL sẽ phát triển nhanh, với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch, liên kết vùng hiện vẫn còn hạn chế, tính liên kết hiện nay vẫn chưa tốt, làm cho lợi thế mất đi liên kết giữa các địa phương. Thí dụ như, mặc dù có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch nhưng hiện nay du lịch ĐBSCL vẫn chưa thực sự hấp dẫn du khách bởi sản phẩm du lịch đơn điệu, trùng lắp, chưa xây dựng được sản phẩm đặc trưng, độc đáo.

Lĩnh vực du lịch sông nước và miệt vườn lâu nay luôn thu hút khách nhưng điệp khúc “lên xuồng, xuống ghe, vô vườn, nghe đờn ca tài tử” khiến du khách cảm thấy nhàm chán vì “đi một tỉnh là biết 13 tỉnh”. Nguyên nhân là do các địa phương quen làm theo kiểu “chắp vá”, “mạnh ai nấy làm”, cách tổ chức giống nhau, không có sự đột phá về hình thức, quy mô.

Liên kết vùng đã được đề cập từ lâu, song chưa có những quy định, chế tài, cơ chế, chính sách cụ thể. Ngay cả với những mối liên kết mang tính tự nguyện, vẫn cần thiết phải có quy định cụ thể để đảm bảo tính khả thi, điều tiết giữa các địa phương. Liên kết vùng là nội dung không mới, nhưng để thực hiện bằng những quy chế cụ thể thì vẫn thiếu những quy định cụ thể, đầy đủ, hoàn thiện.

Về nguyên tắc, các tỉnh ĐBSCL cần thống nhất với cơ chế liên kết vùng là lợi ích của từng địa phương phải đặt sau lợi ích toàn vùng. Đối với những lĩnh vực liên kết không bắt buộc (liên kết tự nguyện) thì dựa trên cơ sở các bên tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi để cùng phát huy lợi thế, hướng đến tối đa hóa lợi ích của địa phương và toàn vùng. Bảo đảm sự quản lý thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc đầu tư, khai thác, phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. 

Trước mắt, các tỉnh ĐBSCL cần thống nhất nội dung liên kết, lập danh mục đề xuất các dự án, đề án ưu tiên phát triển tại địa phương trong từng giai đoạn, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ về phát triển kết cấu hạ tầng với phát triển kinh tế - xã hội.

Liên kết vùng ở ĐBSCL còn có một ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt, liên kết vùng ĐBSCL trên cơ sở lấy thế mạnh bù thế yếu và hướng đến tối đa hóa lợi ích của vùng, từ đó sẽ giúp vùng ĐBSCL hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương trong vùng.

Liên kết vùng ĐBSCL cần tập trung vào các lĩnh vực như quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ bản; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa, gạo, trái cây, tôm, cá; liên kết đào tạo nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục phục vụ chung cho toàn vùng; liên kết bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên, hợp tác ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu...

Liên kết vùng hướng đến giúp vùng ĐBSCL tạo thị trường thống nhất từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu cho các mặt hàng lúa gạo, thủy - hải sản và trái cây; xây dựng hệ thống lưu thông phân phối hàng hóa thông suốt kết nối từ nguồn sản xuất đến thị trường tiêu thụ cuối cùng.

Về phạm vi liên kết gồm liên kết nội vùng và liên kết ngoại vùng, trong đó liên kết nội vùng gồm 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL liên kết với nhau, tạo ra một vùng kinh tế năng động của quốc gia. Liên kết ngoài vùng, toàn vùng ĐBSCL trở thành một thể thống nhất hướng đến liên kết với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ, vùng Tây Nguyên và các vùng khác trong cả nước...

Trong thời đại kinh tế tri thức, “chim trời, cá nước” không còn được xem như thế mạnh hàng đầu ĐBSCL trù phú, giàu tiềm năng . ĐBSCL với tâm thức là hậu duệ của những cư dân khẩn hoang mở cõi quyết không ngồi chờ chính sách ưu đãi mà phải liên kết lại để vươn lên từ nội lực.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.