Để người dân dễ dàng tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỉ đồng
Từ khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được triển khai, đến nay đã hơn 1 tháng. Tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn khó tiếp cận gói tín dụng này, số lượng người dân vay được tiền trong gói 30.000 tỉ đồng để mua nhà ở xã hội vẫn còn quá ít...
Cần thêm giải pháp để tiếp cận gói 30.000 tỷ dễ dàng hơn. Ảnh: Như Lam |
Qua tìm hiểu cho thấy, chủ trương đã được thông qua và cũng đã có những văn bản hướng dẫn cụ thể, các ngân hàng đều tỏ ra sốt sắng đối với gói cho vay này. Nhưng theo phản ánh của nhiều khách hàng cá nhân thì việc tiếp cận nguồn vốn vay là rất khó, bởi thủ tục vay chưa rõ ràng và khó xác minh tài sản đảm bảo cũng như chứng minh thu nhập của người vay.
Tại một hội nghị tổng kết ngành của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) mới đây, nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra rằng: các văn bản thì cho rằng thu nhập thấp là dưới 5% so với mức thu nhập trung bình của tỉnh, thành nhưng các địa phương chưa thống kê về thu nhập trung bình. Hơn nữa người lao động tự do lại càng khó xác định...
Trên thực tế, quy định hiện nay về mức thu nhập hàng tháng bao nhiêu để được vay gói hỗ trợ này cũng đang gây tranh cãi. Theo quy định, người thu nhập thấp là đối tượng được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ. Nhưng khái niệm thu nhập thấp cũng chưa rõ ràng, nhiều người tạm hiểu người thu nhập thấp, nghĩa là những người không phải đóng thuế thu nhập (mức 9 triệu đồng/tháng trở xuống).
Mà đã có tính toán đưa ra rằng: một hộ gia đình trung bình phải có thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, chia đều mỗi người vợ, chồng phải có thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng thì mới có thể trả cả gốc và lãi khi vay mua một căn hộ diện tích 45 - 70m2 với giá 15 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, so với mức thu nhập của đại đa số công nhân viên chức cũng như người lao động thì đây lại không phải là mức thu nhập thấp, nếu không nói là thu nhập khá...
Cũng theo phản ánh của một số khách hàng, hiện nay có quá ít nhà ở xã hội và người đi vay muốn tìm được nhà ở hợp lý với khả năng và nhu cầu cũng rất khó. Khi đã ký được hợp đồng với chủ đầu tư rồi thì xuất hiện vấn đề nữa là: Ngân hàng sẽ phải có quá trình thẩm định dự án và căn cứ vào thu nhập của người đi vay rồi mới quyết định ký cam kết 3 bên.
Như vậy, chẳng khác nào đặt người đi vay vào thế bị động vì liệu rằng sau khi họ đã ký được hợp đồng với chủ đầu tư rồi thì ngân hàng có cho vay hay không? Nếu ngân hàng không cho vay thì lúc ấy người đi vay chẳng có nguồn tiền nào để trả cho chủ đầu tư? Chưa kể với mức lãi suất 6%/năm dành cho đối tượng thật sự có thu nhập thấp thì chưa phải là mức thấp với họ...
Trước tình hình trên, để góp phần giải quyết những khó khăn trên, ngày 25-6, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, điều kiện, trình tự thủ tục cho vay theo mua nhà trong gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Theo đó, doanh nghiệp trong diện được vay phải là chủ đầu tư nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội hoặc là chủ đầu tư các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo quy định.
Tất cả các dự án phải đáp ứng yêu cầu bắt buộc như được cấp có thẩm quyền phê duyệt và văn bản chấp thuận đầu tư; có đất sạch và giấy phép xây dựng, trường hợp được miễn giấy phép xây đựng thì phải có văn bản xác nhận của Sở Xây dựng địa phương. Mục đích vay vốn là để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh từ ngày 7-1-2013 để thực hiện các dự án.
Hướng dẫn cũng quy định rõ đối tượng khách hàng cá nhân được vay vốn để thuê, thuê mua, mua nhà ở gồm: hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp; viên chức thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập; lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngoài ra, còn có người lao động thuộc các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã; người đã được nghỉ lao động theo chế độ quy định; người lao động tự do, kinh doanh cá thể.
Đáng chú ý theo công văn này, người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp có thể dùng căn hộ đã hoàn thành hoặc sẽ hình thành trong tương lai để làm tài sản bảo đảm khoản vay với ngân hàng. Cụ thể, theo văn bản lần này là cả đối tượng mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích dưới 70m2 giá dưới 15 triệu đồng/m2 đều không ràng buộc phải chứng minh thu nhập. Cụ thể, đối với người thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội (bao gồm cả nhà ở thu nhập thấp) chỉ cần đáp ứng các điều kiện có hợp đồng thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội đã ký kết với chủ đầu tư sau ngày 7-1-2013 được coi là đủ điều kiện được vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.
Ngoài ra, người mua cần có đủ mức vốn tối thiểu tham gia phương án vay theo quy định và đáp ứng khả năng trả nợ theo điều kiện vay vốn ngân hàng. Với người thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập. Trong đó, người lao động tự do kinh doanh cá thể sẽ do UBND phường, xã nơi đối tượng có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú xác nhận về hộ khẩu và thực trạng nhà ở.
Hy vọng với công văn hướng dẫn của Bộ Xây dựng cùng sự linh hoạt trong thực hiện của các ban, ngành liên quan, người dân có thu nhập thấp sẽ dễ dàng tiếp cận với gói tín dụng 30.000 tỷ hơn.
(Theo dangcongsan.vn)