Giải pháp phục hồi vườn vú sữa suy kiệt
TS. Nguyễn Văn Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết: Qua khảo sát, điều tra, chúng tôi thấy không chỉ vườn cây già cỗi bị suy kiệt, mà vườn vú sữa mới trồng sau này cũng bị. Điều này chứng tỏ rằng, tình trạng suy kiệt trên cây vú sữa do tác nhân từ bệnh gây nên. Trình trạng thối rễ, khô cành, chết nhánh trên vú sữa diễn ra khoảng 4-5 năm nay nhưng thời gian gần đây bệnh xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho nhà vườn.
Ngay từ năm 2008, Viện đã có những nghiên cứu về bệnh này; song do kinh phí hạn chế, không có điều kiện đi sâu. Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đặt hàng cho Viện thực hiện đề tài nghiên cứu để phòng trị và phục hồi cây vú sữa bị bệnh. Từ đây giúp cho Viện có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ hơn.
Vườn vú sữa bị bệnh khô cành, thối rễ đã có hy vọng phục hồi. |
Hệ quả từ canh tác
Theo TS. Hòa, nguyên nhân làm cho bệnh gây hại nghiêm trọng trong thời gian qua bắt đầu từ khâu canh tác. Trước đây, nhà vườn trồng vú sữa cho trái, thu hoạch rải đợt, gần đây, nhà vườn xử lý cho ra hoa, trái nhiều quá, liên tục xử lý nghịch vụ để bán có giá. Thậm chí, có hộ xử lý ra hoa ngay khi cây còn mang trái. Những cách làm này làm cây suy yếu.
Có người xử lý ra hoa, trái bằng cách bơm nước vào vườn và giữ trên mặt liếp từ 2 - 3 ngày rồi rút nước ra. Cách này làm bộ rễ cây bị hư tạo điều kiện cho tuyến trùng, nấm phát triển và tấn công. Tuyến trùng tấn công từ rễ tơ, rồi đến rễ chính, cỗ rễ.
Lúc đầu, cây nhiễm bệnh vẫn phát triển bình thường, sau một thời gian có biểu hiện khô cành, héo trái. Khi phát hiện cây có biểu hiện bệnh cũng là lúc mật độ tuyến trùng, nấm gây hại rễ trong đất khá cao, cây bị suy kiệt rất khó phục hồi. Và khi nhiều người cùng làm như thế làm mầm bệnh trong đất có điều kiện phát triển, lây lan.
Ngoài ra, do hệ thống đê bao khép kín, nước trong các liếp vườn thoát không tốt lâu ngày cũng làm cho mầm bệnh có điều kiện phát triển, phát tán nhanh tấn công vào cây đang suy yếu (do quá trình canh tác khai thác trái quá triệt để) làm cho cây suy kiệt nhanh hơn.
“Không như cây có múi khi có bệnh biểu hiện ra ngoài rất dễ thấy, vú sữa không biểu hiện sớm nên khi biểu hiện ra thì cũng là lúc cây bị nhiễm bệnh rất nặng, rễ đã bị thối rất nặng. Thực tế, thời gian qua, nông dân phát hiện cây bị bệnh thường rất muộn”- TS. Hòa nói.
Biện pháp phục hồi và phòng trừ
Theo nhóm nghiên cứu, bệnh thối rễ, khô cành là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm và gây giảm năng suất, thậm chí gây chết cây vú sữa. Biểu hiện phổ biến là cây còi cọc, kích thước lá bị nhỏ lại, tán lá thưa có màu xám, đôi khi lá trên một số hay phần lớn cành bị rụng dẫn đến hiện tượng trơ cành. Da thân cây tròn lẳng không còn gồ ghề. Hệ thống rễ tơ bị thối nhũn, sau đó khô và hóa nâu.
Ngoài ra, bệnh còn tấn công vào vị trí cổ rễ hay một số vị trí cục bộ trên rễ chính làm cho toàn bộ hệ thống rễ bị thối khô, hóa nâu. Nếu phát hiện muộn sẽ rất khó phòng trị. Có nhiều tác nhân gây bệnh này như nấm Fusarium solani, Fusarium oxysporium và Pythium helicoides. Bệnh có xu hướng tăng mạnh từ tháng 2 - 6, sau đó tăng nhẹ đến tháng 12. Thời điểm này trùng với giai đoạn thu hoạch giữa vụ trở đi và nông dân tiếp tục giai đoạn xử lý ra hoa cho vụ sau làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Đối với những vườn càng bón ít phân hữu cơ hoặc không bón và sử dụng biện pháp bơm lùa để xử lý ra hoa, tỷ lệ bệnh càng cao. Đặc biệt, qua điều tra, nhóm nghiên cứu nhận thấy tỷ lệ người dân không biết nguyên nhân gây bệnh rất cao, tỷ lệ người dân áp dụng các biện pháp phòng trừ rất thấp và hiệu quả áp dụng các biện pháp trên rất kém, dưới 10%. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh trên cây vú sữa diễn biến phức tạp và lây lan nhanh hiện nay.
Vườn vú sữa nếu được chăm sóc tốt sẽ cho vụ mùa bội thu. |
Để phục hồi cây bị bệnh, TS. Hòa cho biết, nông dân cần cắt, tỉa bớt cành, cành bị sâu bệnh, cành phụ ốm yếu để cây giảm bớt tiêu hao năng lượng, giúp cây phục hồi nhanh, cải thiện chất lượng trái. Trên cành có xuất hiện nấm, cần phun các loại thuốc trị nấm như: Thiophanate-Methyl, Fenbuconazole, Myclobutanil... Để trị bệnh gây thối rễ, cần xới một lớp đất mỏng xung quanh gốc rồi tưới thuốc trị truyến trùng (như Basudin, Vibasu, Nocap…) kết hợp với thuốc trị nấm (Ridomil, Norhield, Funomyl…) theo liều lượng khuyến cáo sao cho thuốc thấm đều và sâu vào đất, tiếp xúc với hệ thống rễ cây.
Nông dân có thể bón vôi cho vườn để sát trùng; cần tăng cường bón phân hữu cơ kết hợp với nấm đối kháng như Trichoderma để tiêu diệt mầm bệnh gây hại trong đất (cần cách ly thời gian cung cấp nấm đối kháng với tưới thuốc trừ nấm theo khuyến cáo). Việc điều trị này thực hiện từ 2-3 lần hoặc nhiều hơn tùy vào mức độ nhiễm bệnh của cây. Để cây phục hồi nhanh, nông dân có thể sử dụng thuốc, chất kích thích cho bộ rễ phát triển.
Để phòng ngừa bệnh, TS. Hòa khuyến cáo nông dân cần xử lý ra hoa ở mức độ vừa phải; không xử lý ra hoa, trái quá nhiều để tránh cho cây bị suy yếu tạo điều kiện tốt cho mầm bệnh tấn công. Và tốt nhất là nông dân xử lý 2-3 vụ thì ngưng xử lý trái vụ 1 vụ để cho cây có thời gian phục hồi; tăng cường bón phân hữu cơ; bón phân cân đối, hợp lý giữa các thành phần đa, trung và vi lượng, chăm sóc cây đúng theo quy trình canh tác cây vú sữa. Ngoài ra, nông dân có thể vét bùn ở đáy mương phủ lên một lớp mỏng trên liếp; làm bờ bao và cống thoát nước để quản lý nước hợp lý trong ao và độ ẩm trong vườn.
Để việc phòng, chống hiệu quả, không xảy ra tái nhiễm, TS. Hòa lưu ý: Nông dân không thể làm riêng rẻ mà phải làm đồng loạt cả vùng diệt trừ triệt để mầm bệnh, tránh lây nhiễm trở lại. Việc phòng trị này đòi hỏi phải làm thường xuyên, kiên trì, tổng hợp nhiều biện pháp như canh tác, cơ học, sinh học, hóa học. Nông dân phải thăm vườn thường xuyên, khi phát hiện cây có biểu hiện bất thường phải xử lý ngay; khi phát hiện nấm trên cành cũng phải phun thuốc diệt trừ ngay để ngăn chặn phát tán.
Ngoài ra, theo TS. Hòa, sau khi cây bị chết, nông dân không nên trồng cây vú sữa mới ngay lại vị trí cũ; cần có thời gian xử lý trước khi trồng, tốt nhất là 2-3 tháng, còn nhanh nhất cũng phải 1 tháng bằng cách tưới thuốc diệt trừ mầm bệnh còn trong đất.
“Nói chung, nông dân không nên xử lý nghịch vụ nhiều năm liên tiếp, xử lý cho trái quá nhiều; bón phân và các chất cân đối cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ. Khi cây bị bệnh, việc điều trị phải kiên trì, thực hiện nhiều lần (tùy theo mức độ bệnh) với nhiều biện pháp tổng hợp, kết hợp với cung cấp đầy đủ các chất cần thiết, canh tác đúng quy trình giúp cho cây phục hồi nhanh”- TS. Hòa nói.
N.VĂN