Thứ Sáu, 12/07/2013, 11:23 (GMT+7)
.

Kết hôn giữa những người cùng giới tính - Ngăn cản hay cho phép?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đang được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Một trong những nội dung đáng chú ý của Dự thảo là việc đưa ra phương án không cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính.

Một đám cưới đồng giới ở Kiên Giang đã bị chính quyền địa phương  phạt hành chính. (Ảnh: nld.com.vn).
Một đám cưới đồng giới ở Kiên Giang đã bị chính quyền địa phương phạt hành chính. Ảnh: nld.com.vn.

Hiện nay, chưa có một nghiên cứu chính xác nào về số lượng người đồng tính tại Việt Nam. Mặc dù không được pháp luật thừa nhận nhưng trên thực tế người đồng tính, song tính, chuyển giới vẫn chung sống với nhau như vợ chồng, điều này đã làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để phân định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đó. Việc công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân của họ đã và đang là vấn đề xã hội được dư luận quan tâm.

Thực trạng nóng

Theo tờ trình của Bộ Tư pháp về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, vấn đề này hiện còn có hai luồng ý kiến khác nhau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng, trong giai đoạn hiện nay Nhà nước ta chưa nên thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính, nhưng trong Luật Hôn nhân và gia đình cần phải có các quy định để một mặt góp phần ngăn ngừa thái độ kỳ thị đối với những người cùng giới tính, mặt khác, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các quan hệ về tài sản và con (nếu có) trong trường hợp họ sống chung với nhau như vợ chồng.

Ý kiến thứ hai cho rằng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân cũng như với quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình ở nước ta. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.

Bộ Tư pháp đồng ý với ý kiến thứ nhất và dự thảo Luật đã bãi bỏ khoản 5 Điều 10 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, đồng thời bổ sung quy định về giải quyết hậu quả việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính (tại Khoản 7, Khoản 16 Điều 1 Dự thảo).

Tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 được Bộ Tư pháp tổ chức gần đây, đưa quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay: Đứng ở góc độ y tế thì đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới (gọi chung là người đồng tính) không phải là một loại bệnh.

Sở dĩ việc Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành cấm kết hôn "giữa những người cùng giới tính", theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng có những lý do nhất định. Tuy nhiên, đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn…. có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội.

Vì vậy, “nên cho phép kết hôn đồng tính vì nó là quyền được sống thực với gì mình có - đó là quyền con người” - Thứ trưởng đề xuất.

Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cho thấy, nhiều nước cũng giải quyết vấn đề này một cách có lộ trình, tức là trước hết, Nhà nước thừa nhận quyền chung sống như vợ chồng của người đồng tính rồi sau đó mới có quy định về thừa nhận hôn nhân giữa những người này. Ví dụ: Hà Lan quy định về việc đăng ký kết hợp dân sự giữa những người cùng giới tính vào năm 1998, nhưng đến năm 2001 mới thừa nhận chính thức hôn nhân hợp pháp giữa người cùng giới.

Cần cân nhắc, đánh giá các yếu tố xã hội

Thực tế cho thấy, vấn đề kết hôn giữa những người đồng tính là một vấn đề diễn ra phổ biến, công khai hiện nay. Chính vì, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành chưa có quy định về vấn đề này nên đã dẫn tới tình trạng những người đồng tính, song tính, chuyển giới khi lấy nhau đã bị xã hội kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí xa lánh họ, coi đó là một hiện tượng bất thường cần phải loại trừ ra khỏi xã hội.

Song, việc thừa nhận hôn nhân cũng có thể dẫn đến một số hệ lụy xã hội. Một là, sẽ khó ngăn chặn được hiện tượng những người bình thường về giới tính lợi dụng để có quan hệ đồng tính vì mục đích xấu do y học không dễ dàng phân biệt được các trường hợp này. Hai là, nếu thừa nhận hai người cùng giới tính là vợ, chồng thì họ có quyền được nhận nuôi con nuôi và đứa trẻ lớn lên trong một gia đình như vậy sẽ khó tránh khỏi bị định hướng sai lệch về giới tính, về chức năng của từng loại giới tính. “Tình trạng này nếu được nhân rộng ra là hết sức có hại” - một đại diện Viện khoa học kiểm sát, VKSNDTC đưa quan điểm.

Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện này, để bảo đảm quyền con người, Luật không nên quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Song, cần bổ sung quy định trường hợp người cùng giới tính có quan hệ chung sống có yêu cầu ly hôn thì Tòa án không công nhận họ là vợ chồng.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng lưu ý: Việc quy định cho phép kết hôn hay không cần phải được tiến hành điều tra, phân tích, đánh giá, cân nhắc để có đủ cơ sở khoa học khi đưa vào luật. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc, đánh giá các yếu tố xã hội khi quy định nội dung này vào trong luật.

Trong khi đó, Phó Chánh án TANDTC Tưởng Duy Lượng cũng cho rằng: “Việc nghiên cứu và quy định về vấn đề này cần đảm bảo các quy định về quyền con người được pháp luật Việt Nam bảo vệ như quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, quyền được mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân,…”.

Ở quan điểm “truyền thống”, một số ý kiến của các chuyên gia pháp luật cho rằng, Luật quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính là phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống của người Việt Nam cũng như mục đích của việc kết hôn. Dự thảo Luật không cấm kết hôn đồng giới cũng không đồng nghĩa với việc cho phép những người cùng giới được kết hôn.

Theo đó, việc sửa đổi Luật cần tiếp tục quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính như Luật hiện hành, không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính, không quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng để đảm bảo sự phù hợp về tâm, sinh lý của các cặp vợ chồng và phong tục, tập quán của người Việt Nam. Tuy nhiên, về việc kết hôn sau khi xác định lại giới tính cũng cần phải được đề cập, bởi pháp luật về dân sự và pháp luật về Hộ tịch đã quy định việc xác định lại giới tính...

Có thể thấy, hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, tuy nhiên dù ở quan điểm nào thì việc sửa đổi Luật cũng cần đảm bảo tính nhân bản, công bằng và bình đẳng trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.