Miền quê vui chơi lành mạnh nhờ sân chơi thể thao đa môn
Từ cuối năm 2012, cặp lề phía đông của đường huyện 16A thuộc địa phận ấp Thới Hòa (Long Bình, Gò Công Tây), một sân chơi thể thao đa môn (TTĐM) khá bề thế được xây dựng gồm: 2 sân bóng đá mi-ni, 1 sân bóng chuyền đều được trải thảm cỏ nhân tạo và dãy nhà với 3 bàn bi-da.
Ngoài ra, còn có khu nhà ở, nhà điều hành và quầy giải khát… Tất cả nằm trong khuôn viên một mảnh đất có diện tích khoảng 2.500 m2 được bao bọc bởi hàng rào kẽm gai tương đối chắc chắn và hệ thống chiếu sáng, thoát nước, vệ sinh khá tốt.
![]() |
Hoạt động của 2 sân bóng đá mi-ni vào giờ cao điểm. |
Sân TTĐM này thuộc quyền sở hữu và điều hành của anh Mai Hồng Nhân (SN 1980), là giáo viên dạy Toán kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường THCS Bình Tân (Gò Công Tây). Dù nhà anh ở xã Đồng Thạnh, nhưng anh vẫn không ngần ngại chọn Long Bình là “đất khách” để đầu tư.
Anh cho biết, sẵn chút đam mê thể thao, muốn kiếm chút vốn trước khi lập gia đình và được sự giới thiệu của bạn bè, nhất là từ lời “kêu gọi đầu tư”, tạo mọi điều kiện thuận lợi của lãnh đạo xã Long Bình. Sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu xã hội, lợi thế… anh quyết định hợp đồng thuê đất và đầu tư làm sân TTĐM này.
Để bảo đảm việc quản lý, điều hành mọi hoạt động của sân trong thời gian anh công tác ở trường, anh thuê thêm một nhân viên phục vụ và đặc biệt là được sự hỗ trợ của gia đình, nhất là mẹ anh - một nhà giáo vừa nghỉ hưu.
Thực tế, sân TTĐM của anh Nhân hoạt động cũng chưa hết công suất, thời gian hoạt động chủ yếu từ 16 giờ đến tối đa 20 giờ, trừ những ngày có các cơ quan hoặc địa phương, cơ sở đăng ký tổ chức thi đấu tranh giải hoặc giao lưu. Giá cả các dịch vụ cũng rất phải chăng, phù hợp với khả năng tài chính của nhân dân địa phương.
Đối tượng chủ yếu chơi ở sân này là thanh niên nông thôn của các xã Long Bình, Bình Tân, Long Vĩnh và huyện Tân Phú Đông; một số cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên và học sinh của các trường học đóng trên địa bàn. Vì đây là vùng nông thôn khá xa trung tâm huyện nên lượng người đến sân chơi còn rất hạn chế.
Anh Nhân dự tính trong 3 năm sẽ thu hồi vốn, nhưng với tình hình hoạt động như hiện nay thì phải mất 5 năm. Điều đáng trân trọng là dù lượng khách chưa nhiều, nguồn thu ít nhưng tất cả các trận đấu giao hữu hoặc tranh giải của địa phương, các xã, đoàn thể, cơ quan hoặc trường học trong khu vực tổ chức tại sân này đều được anh Nhân phục vụ miễn phí hoàn toàn về sân bãi.
Từ khi sân TTĐM của anh Mai Hồng Nhân đi vào hoạt động đến nay, cùng với các sân bóng chuyền ở mỗi ấp đã thúc đẩy phong trào thể dục - thể thao của địa phương và của xã Long Bình khá mạnh, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên, góp phần làm hạn chế các hình thức sinh hoạt không lành mạnh như tập hợp nhậu nhẹt say sưa gây mất trật tự xã hội và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho thanh thiếu niên rèn luyện thân thể.
LÊ MINH HOÀNG