Thứ Hai, 08/07/2013, 11:05 (GMT+7)
.

TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và tầm nhìn mô hình chính quyền đô thị

Lâu nay chúng ta tổ chức quản lý đô thị không có gì khác với địa bàn nông thôn. Những bất cập trong quản lý đô thị lâu nay xuất phát từ chưa phân biệt sự khác nhau giữa địa bàn đô thị và địa bàn nông thôn trong việc thiết kế mô hình quản lý. Có thể nói một cách hình ảnh “dùng chiếc áo mặc cho nông thôn để mặc cho đô thị tỏ ra không phù hợp với tầm vóc của đô thị”. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  ký Quyết định 192/QĐ-TTg ngày 15-2-2012 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban Chỉ đạo. Theo Kế hoạch 78/KH-BCĐTWCQĐT của Ban Chỉ đạo Trung ương về “Xây dựng đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị” được Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương phê duyệt ngày 13-7-2012, có 8 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện báo cáo chuyên đề nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ, và các tỉnh: Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định.

TẦM NHÌN VỀ MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ

TP. Mỹ Tho là thành phố loại 2 cũng như TP. Vinh (Nghệ An), TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) và TP. Nam Định. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ trong chỉ đạo điều hành phải có tầm nhìn hướng đến mô hình chính quyền đô thị (CQĐT).

Một góc TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh
Một góc TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh

Mô hình CQĐT đòi hỏi hệ thống tổ chức riêng cho những đô thị để đảm bảo vận hành, điều hành của chính quyền được nhanh chóng - hiệu lực - hiệu quả, giảm bớt tầng trung gian, đáp ứng nhanh chóng mọi yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đô thị .

Trong quá trình quản lý đô thị, các cấp chính quyền ở đô thị phải luôn đương đầu giải quyết những khó khăn như: Tình trạng xây dựng hỗn loạn, không tuân thủ quy hoạch; vấn đề cấp thoát nước, thiếu cây xanh; nạn ùn tắc giao thông; đường sá xuống cấp; mạng lưới điện quá tải; ô nhiễm môi trường; thiếu công ăn việc làm; gia tăng dân số… Các khó khăn này luôn tác động lẫn nhau, đan xen lẫn nhau làm cho quá trình quản lý đô thị đã phức tạp lại càng phức tạp thêm, ảnh hưởng bất lợi đối với đời sống thị dân.

Quản lý đô thị là vấn đề phức tạp. Đối tượng quản lý đô thị rất khác nhau và rất khác với quản lý nông thôn. Quản lý đô thị ngày càng phức tạp và đa dạng, ngày càng xuất hiện nội dung quản lý mới, đối tượng quản lý mới. Thực trạng quản lý đô thị ở nước ta những năm gần đây đã xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, nhiều biểu hiện tiêu cực.

Thực trạng đó bắt nguồn từ các nguyên nhân: Hệ thống pháp luật chưa đủ để vận hành nền kinh tế thị trường nên nảy sinh nhiều tiêu cực (đô thị là nơi giáp mặt giữa cung và cầu, là “hàn thử biểu” về tình hình kinh tế, rất nhạy cảm với các chính sách kinh tế vĩ mô). Luật pháp về đô thị chưa đủ, chưa đồng bộ, pháp chế chưa nghiêm. Cơ sở hạ tầng của đô thị lạc hậu, không đồng bộ, xuống cấp nghiêm trọng làm phát sinh những hậu quả xấu. Công tác tổ chức và quản lý đô thị chưa khoa học, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác quy hoạch đô thị tiến hành chậm, chưa đồng bộ. Chưa phân biệt được quản lý đô thị với quản lý nông thôn (điều này thể hiện trong công tác tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, trình độ cán bộ…).

Các bất cập, tiêu cực này cư dân đô thị sẽ gánh chịu. Tất cả những bất cập này chỉ có thể hóa giải khi thực hiện mô hình CQĐT, vì CQĐT đòi hỏi công tác quản lý đô thị phải có những nét đặc thù riêng, bảo đảm các nguyên tắc: Tổ chức chính quyền đô thị phải bảo đảm tính thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật (điện, giao thông công cộng, cây xanh, cấp thoát nước, xử lý rác thải), hạ tầng xã hội (chính sách về y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa…), đất đai, nhà ở, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu...

Việc quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân ở đô thị chỉ có thể thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, nhanh nhạy khi có sự quản lý, điều hành bởi mô hình tổ chức chính quyền đô thị sẽ càng ít cấp, ít tầng nấc, giảm đầu mối, tăng giao dịch trực tiếp của người dân với cấp chính quyền có trách nhiệm giải quyết công việc trong điều kiện hiện đại hóa nền hành chính, với khả năng giải quyết trực tuyến của chính quyền điện tử...

Việc giảm đầu mối giải quyết công việc, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tuân thủ pháp luật, tạo ra các công cụ, bộ tiêu chí để quản lý, áp dụng công nghệ thông tin trong chính quyền đô thị sẽ tiết kiệm thời gian cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước.

Chính quyền đô thị đòi hỏi công tác quản lý phải được thống nhất, thông suốt, nhanh nhạy, phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực và mang tính chuyên nghiệp. Từ những yêu cầu khách quan đó, bộ máy đáp ứng các đòi hỏi đặt ra theo yêu cầu của đối tượng quản lý, mà ở đó lấy người dân làm trung tâm, chất lượng dịch vụ công hoàn hảo là thước đo hiệu quả quản lý và dân chủ được phát huy cao độ. Người dân sống dưới một chính quyền hiệu lực, hiệu quả, dân chủ thì dĩ nhiên được hưởng lợi. Bản chất, mục tiêu chính quyền là của dân, do dân, vì dân thì một mô hình chính quyền hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, thỏa mãn nhanh nhạy mọi yêu cầu của người dân  tại sao không?

CÁC PHƯƠNG ÁN MÔ HÌNH LỰA CHỌN

Xin nêu ra 3 phương án mô hình để tham khảo chọn lựa:

Phương án 1: Đối với thành phố thuộc tỉnh: Chính quyền đô thị (trong phạm vi khu vực nội thành không có xã) của thành phố thuộc tỉnh chỉ có 1 cơ quan đại diện là HĐND thành phố (phường không tổ chức HĐND) và có 2 cấp hành chính là Ủy ban Hành chính (UBHC) thành phố thuộc tỉnh và UBHC phường. Chính quyền tỉnh (có HĐND và UBHC) là chính quyền cấp trên của chính quyền thành phố thuộc tỉnh.

Thị xã thuộc tỉnh: Chính quyền đô thị (trong phạm vi khu vực nội thị) của thị xã chỉ có 1 cơ quan đại diện là HĐND thị xã (phường không tổ chức HĐND) và có 2 cấp hành chính là UBHC thị xã và UBHC phường. Chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (có HĐND và UBHC) là chính quyền cấp trên của chính quyền thị xã.

Phương án 2: Đối với thành phố thuộc tỉnh và thị xã: Chính quyền đô thị trong phạm vi toàn bộ thành phố thuộc tỉnh và thị xã chỉ có 1 cơ quan đại diện là HĐND thành phố thuộc tỉnh, thị xã và có 2 cấp hành chính là UBHC thành phố thuộc tỉnh, thị xã và UBHC xã, phường. Chính quyền cấp tỉnh (có HĐND và UBHC) là chính quyền cấp trên của chính quyền thành phố thuộc tỉnh và chính quyền thị xã.

Phương án 3: Đối với chính quyền đô thị ở  thành phố thuộc tỉnh, thị xã, cơ quan hành chính thành phố, thị xã tổ chức theo mô hình Tòa Thị chính; các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố, thị xã (không tổ chức HĐND) thực hiện mô hình Văn phòng Hành chính hoặc Ban Hành chính (là cơ quan đại diện của Tòa Thị chính ở địa bàn trực thuộc).

Người đứng đầu Tòa Thị chính gọi là Thị trưởng; người đứng đầu Văn phòng hoặc Ban Hành chính gọi là Xã trưởng, Trưởng phường, Trưởng thị trấn. Thị trưởng do cử tri của địa bàn bầu trực tiếp (không do HĐND bầu) và  người đứng đầu Văn phòng hoặc Ban Hành chính ở các đơn vị hành chính trực thuộc do Thị trưởng bổ nhiệm.

Nhìn chung, các phương án thể hiện các xu hướng cải cách là:

- Giảm đầu mối tập trung quyền lực cho chính quyền đô thị cấp trên - cấp có thẩm quyền về ngân sách.

- Tập trung quyền lực cho người đứng đầu đô thị, tăng trách nhiệm giải trình và giám sát.

Tuy nhiên, những ý kiến đề xuất này cũng chịu thách thức bởi yêu cầu đổi mới rất khó thực hiện nếu không đổi mới cả phương thức hoạt động, bao gồm cách thức hình thành, cơ chế hoạt động và luật lệ, hệ thống khuyến khích, công cụ quản lý để đảm bảo chức năng của chính quyền nhằm đáp ứng đòi hỏi hiện tại và tương lai của khu vực đô thị nói riêng cũng như của cả đất nước. Điều này đòi hỏi quá trình cải cách phải diễn ra đồng bộ, sâu rộng và cần những bước đột phá vào những khâu then chốt như tài chính, nhân sự, xây dựng chính sách riêng và quyết định riêng trong lĩnh vực quy hoạch.

Cho đến nay, nhiều nội dung mang tính then chốt vẫn đang được thảo luận và cần cân nhắc lựa chọn như:

- Nếu bỏ bớt cấp trung gian thì quy mô dân số và đô thị như thế nào để thực hiện hiệu quả giám sát và thực hành dân chủ?

- Trao quyền tự chủ cho các đô thị có quy mô khác nhau sẽ theo tiêu chí nào? Cấp nào trao quyền gì và tại sao?

- Nhân sự đứng đầu chính quyền đô thị có nên theo cơ chế tranh cử và bầu trực tiếp?

- Việc lựa chọn nhân sự trung gian sử dụng mô hình nào? Thi tuyển cạnh tranh hay giới thiệu và bổ nhiệm truyền thống?

- Đô thị có được ngân sách chủ động với các loại phí - thuế riêng đáp ứng theo thực tế?

- Đô thị có được ban hành chính sách riêng để triển khai nhiệm vụ?

- Mối quan hệ với cấp tỉnh sẽ được tự chủ như thế nào đối với đô thị trực thuộc tỉnh?

- Đô thị loại vùng như TP .Mỹ Tho, TX. Gò Công sẽ liên kết và phối hợp với các đô thị trong vùng như thế nào? Mỗi đô thị trong vùng sẽ tự chủ đến đâu?

Những vấn đề quan trọng đó cần tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận, kể cả việc nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài để hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị nước ta.

Đô thị có một vị trí khá đặc biệt đối với đất nước, đặc biệt là đối với sự phát triển. Đô thị được hình thành là kết quả tất yếu khách quan của quá trình phát triển lực lượng sản xuất trong mối quan hệ chặt chẽ với quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng trong nền kinh tế của mọi quốc gia. Đến lượt mình, đô thị tác động một cách mạnh mẽ và có sức hút lớn như một động lực đối với sự phát triển của một vùng hay của cả nước.

Muốn làm tròn sứ mệnh của mình, đô thị phải có mô hình chính quyền thích hợp, đó là mô hình CQĐT. Đó là cái lợi lớn nhất chung cho đất nước, không chỉ riêng cho TP. Mỹ Tho đô thị loại 2 đang phấn đấu chuyển mình trở thành đô thị loại 1 trong thời gian gần đây.

DIỆP VĂN SƠN

.
.
.