Việc cấm dạy trước chương trình lớp 1 khó khả thi
Ảnh minh họa. Ảnh: Hạnh Nga |
Ngày 28-6-2013, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lại có chỉ thị yêu cầu các tỉnh, thành chấn chỉnh tình trạng dạy trước chương trình lớp 1.
Nhiều năm qua, vào thời điểm đầu mỗi hè, Bộ GD&ĐT đều có chỉ thị với nội dung này. Đặc biệt, năm nay Quy định về dạy thêm - học thêm (ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGD-ĐT ngày 16-5-2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) được cụ thể hóa bằng Quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ban hành kèm theo Quyết định 10/2013/QĐ-UBND ngày 17-4-2013 của UBND tỉnh.
Theo khoản 2, điều 3 của Quy định ban hành theo quyết định này: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục - thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”. Thế nhưng, ngay từ đầu tháng 6-2013 đã thấy cha mẹ có con trong độ tuổi sắp vào lớp 1 nườm nượp đưa đón con đến các lớp, nhóm dạy trước chương trình lớp 1 do những người là giáo viên (GV) đang công tác hoặc đã nghỉ hưu tổ chức và trực tiếp dạy. Vì sao có “lệnh cấm” mà giáo viên vẫn dạy và cha mẹ vẫn muốn con mình học trước chương trình lớp 1?
Không học sẽ không theo kịp bạn bè
Lý do mà các bậc phụ huynh đưa ra là: Con nhà nào sắp vô lớp 1 cũng đều cho đi học trước, nếu con mình không học sẽ không theo kịp bạn bè. Mặt khác, một quan niệm mới cũng đã xuất hiện: Cho con đi học thêm, học trước là thể hiện sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái. Trong thực tế, nhiều bậc cha mẹ học sinh đã ép con em mình học chữ, học toán từ 3 - 4 tuổi nên khi vào đầu lớp 1 có em đã học xong toàn bộ chương trình lớp 1.
Sức ép từ nhà trường
Thực tế hiện nay, trong các trường phổ thông, trong đó có các trường tiểu học, khi sắp xếp biên chế lớp đầu năm học đã có sự sàng lọc chất lượng. Lớp 1 cũng vậy, tuy không tổ chức tuyển sinh đầu vào hay kiểm tra chất lượng đầu năm mà bằng việc khảo sát khả năng đọc, viết, làm tính. Mặt khác, nếu khi vào đầu lớp 1 mà học sinh đã biết đọc, biết viết, biết làm toán thì việc đầu tư giảng dạy sẽ nhẹ nhàng hơn và các chỉ tiêu thi đua về chất lượng sẽ dễ đạt hơn. Cho nên, nhà trường tuy không nói ra nhưng cũng đồng tình với việc dạy thêm học thêm trước chương trình lớp 1.
Bản thân các giáo viên lớp 1 vì mục tiêu thi đua nên có những động thái như so sánh giữa các học sinh, chê trách những học sinh có học lực thua sút các bạn… Điều này vô hình trung cũng tạo ra sức ép dẫn đến chuyện học trước chương trình lớp 1. Tất nhiên không thể không nói đến chuyện thu nhập của giáo viên được hưởng từ việc dạy trước chương trình lớp 1.
Chưa quyết liệt trong quản lý
Mặc dù đã có cơ sở pháp lý là các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và văn bản hướng dẫn thực hiện của cơ quan quản lý Giáo dục các cấp được triển khai rộng rãi nhưng ngay sau khi kết thúc năm học 2012 - 2013 thì hoạt động DTHT nói chung, trong đó có DTHT bậc tiểu học bắt đầu “vào vụ” với những hình thức mới nhằm né những quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Có một số địa phương hoạt động DTHT diễn ra một cách công khai từ đầu tháng 6-2013 (theo quy định là đầu tháng 7 mới bắt đầu tổ chức DTHT cho cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông để học sinh được nghỉ hè ít nhất 1 tháng) mà không thấy có cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý.
Cơ quan quản lý giáo dục, trực tiếp là hiệu trưởng các trường biết rất rõ giáo viên thuộc quyền quản lý của họ đang dạy thêm với hình thức, thời gian, quy mô và địa điểm… nhưng cũng làm ngơ. Cho tới thời điểm này vẫn chưa nghe nói đến một trường hợp giáo viên nào bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về DTHT.
Từ thực tế cho thấy qua mỗi mùa hè việc DTHT nói chung và DTHT đối với học sinh sắp vào lớp 1 nói riêng đều được quy định, song không khả thi, mà nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía. Thế nên để đảm bảo hiệu lực, thiết nghĩ từ nhận thức đến hành động cần căn cơ và quyết liệt hơn.
LÊ MINH HOÀNG