Thứ Hai, 15/07/2013, 11:19 (GMT+7)
.

Xây dựng Nông thôn mới: Tiêu chí về môi trường, thấy dễ mà khó

Rác thải, xác súc vật chết tiện tay vứt ra ven đường; nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống kinh rạch; chai, lọ đựng nông dược vứt bừa bãi ở vườn, ruộng… Đó là hình ảnh thường thấy ở nhiều vùng nông thôn hiện nay. Ý thức của một số người dân chưa cao về giữ gìn vệ sinh môi trường đang ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường tại các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Cai Lậy.

 Rác sinh hoạt vứt bừa bãi ở khu vực đất trống - một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. (Một bãi rác tự phát ở khu vực chợ Kinh 12, gần chân cầu Quản Oai, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy).
Rác sinh hoạt vứt bừa bãi ở khu vực đất trống - một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. (Một bãi rác tự phát ở khu vực chợ Kinh 12, gần chân cầu Quản Oai, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy).

Hơn hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở xã Tam Bình đã có nhiều thay đổi. Cùng với các tuyến đường giao thông liên ấp được nâng cấp, mở rộng, cảnh quan môi trường có phần khởi sắc với hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng. Đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp. Số hộ có 3 công trình vệ sinh đạt tỷ lệ 92,05%.

Trên địa bàn xã có 6 trạm cấp nước đáp ứng nhu cầu nước sạch sinh hoạt cho 93% hộ dân. Đa số hộ chăn nuôi với quy mô gia đình đã quan tâm xây dựng hầm biogas để tận dụng nguồn chất đốt và đảm bảo vệ sinh chăn nuôi. Tuy nhiên, xã còn nhiều khó khăn trong thực hiện thu gom rác và xử lý nước thải sinh hoạt đúng quy định.

Ở khu vực các chợ thuộc ấp Bình Thuận, Tây Hòa, Bình Thạnh, dọc tỉnh lộ 868 và tỉnh lộ 864 của xã Tam Bình vẫn còn tình trạng các hộ dân đổ rác bừa bãi ở khu vực đất trống. Nước thải sinh hoạt xả thẳng xuống sông rạch khiến cảnh quan môi trường ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Tấn Nhủ, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bình, để xây dựng thành công xã NTM vào năm 2014, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Tam Bình có kế hoạch tổ chức thu gom rác về bãi rác Tân Phước bằng nguồn ngân sách xã và xã hội hóa. Trước mắt, xã thực hiện thí điểm ở khu vực chợ và các ấp ven tỉnh lộ 864, tỉnh lộ 868 bằng việc đầu tư kinh phí lắp đặt các thùng chứa rác ven trục lộ và lấy ý kiến hộ gia đình với mức phí thu gom rác thải từ 10.000đồng/hộ/tháng đến 15.000đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân phân loại và xử lý rác, có hố xử lý, chôn rác đúng quy định.

Ông Nguyễn Tấn Nhủ  cũng cho biết thêm: “Xác định tiêu chí môi trường khó thực hiện nên ngay khi triển khai xây dựng NTM, xã đã chú trọng tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và cùng tham gia. Bởi một khi nhận thức, thói quen, tập quán của người dân thay đổi thì công tác bảo vệ môi trường sẽ có hiệu quả. Trên cơ sở những giải pháp đồng bộ, xã đang phấn đấu hoàn thành tiêu chí môi trường trong thời gian sớm nhất”.

Gắn xây dựng NTM với mục tiêu ra mắt xã văn hóa trong năm 2014, xã Mỹ Phước Tây đang tập trung thay đổi nhận thức người dân trong thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn. Qua khảo sát, xã có trên 95% hộ sử dụng nước sạch, hộ có nhà vệ sinh tự hoại đạt hơn 60%. Những năm qua, với vốn vay ưu đãi từ chương trình “Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn”, nhiều hộ gia đình có điều kiện đầu tư xây dựng công trình nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, là địa bàn nông thôn nên người dân vẫn chưa ý thức cao trong việc thu gom rác. Nhận thấy khó khăn này nên xã Mỹ Phước Tây xem đây là mục tiêu cấp bách cần phấn đấu thực hiện.

Sau khi khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Mỹ Phước Tây đã đề ra kế hoạch thực hiện tiêu chí 17 về môi trường. Qua tuyền tuyền, vận động, người dân đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và ngày càng có nhiều hộ dân thực hiện đào hố rác gia đình, đầu tư xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi… Xã cũng kiên quyết xử lý các trường hợp hộ kinh doanh xay xát lúa gạo, sản xuất củi trấu gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Tây cho biết: “Trước mắt, tại các khu vực tập trung đông dân cư như chợ Mỹ Phước Tây, Cụm dân cư Mỹ Phước Tây, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã xác định phải quan tâm đầu tư trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vệ sinh môi trường nhằm thay đổi những thói quen xấu, ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí này còn rất nhiều khó khăn khi kinh phí đầu tư còn hạn chế và do tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân nông thôn”.

Bảo vệ môi trường là một trong 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM. Mục tiêu chung của tiêu chí này là nâng cao chất lượng môi trường sống ở khu vực nông thôn. Thời gian qua, 25 xã xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cai Lậy đã đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, góp phần thay đổi điều kiện sống của người dân và cải thiện môi trường nhưng so với yêu cầu xây dựng NTM thì vẫn chưa xã nào đạt được.

Theo khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cai Lậy, đến nay việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường chỉ dừng ở việc tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, khuyến khích các hộ gia đình giữ gìn môi trường sống qua các hoạt động trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tại địa bàn dân cư, các tuyến đường nông thôn. Trong khi đó, tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường, ven sông và xuống kinh rạch… khá phổ biến và khó xử lý. Chỉ tiêu về các cơ sở sản xuất - kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định vẫn chưa xã nào đạt được.

Ngoài nguyên nhân thiếu kinh phí đầu tư thì người dân chưa thực sự quan tâm chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường. Đó là vấn đề trước mắt và lâu dài góp phần vào mục tiêu xây dựng thành công xã NTM. 

TRƯỜNG GIANG

.
.
.