Thứ Tư, 28/08/2013, 06:43 (GMT+7)
.

Giải pháp nào để phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim?

Khi nói đến vùng đất Vĩnh Kim thuộc huyện Châu Thành thì mọi người thường nhắc đến một loại cây đặc sản đã có thương hiệu gắn liền với địa danh nơi đây, đó là “Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim”. Thật vậy, cây vú sữa Lò Rèn được trồng phổ biến trên đất Vĩnh Kim từ rất lâu, hầu như nhà nào cũng đều có trồng, ít nhất là vài ba cây, nhiều thì trồng chuyên cả vườn, có những cây vú sữa cổ thụ trên 50 năm tuổi vẫn đang cho trái tốt. Thế nhưng, sau vụ thu hoạch vú sữa năm 2012 - 2013 lại xảy ra hiện tượng bất thường “có nhiều cây vú sữa lớn, nhỏ bị đốn hạ”. Nguyên nhân do đâu?

Một thời hoàng kim

Theo kinh nghiệm của người dân và một số nhà khoa học, sở dĩ cây vú sữa Lò Rèn có thương hiệu gắn với địa danh Vĩnh Kim là do điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp để phát triển, luôn cho năng suất, chất lượng trái cao, mẫu mã đẹp, vị ngọt và thơm ngon. Chính từ đó mà cây vú sữa Lò Rèn sớm được nhân rộng ở đất Vĩnh Kim và trở thành cây chủ lực ở đây trong thời gian dài, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho rất nhiều lao động nông thôn vào mỗi mùa thu hoạch.

Song song đó, trái vú sữa lò rèn Vĩnh Kim luôn đạt giải cao trong các cuộc hội thi trái ngon, an toàn do tỉnh và khu vực tổ chức trong nhiều năm liền nên cây vú sữa Lò Rèn luôn được quan tâm và đây là một trong những loại cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng của Tiền Giang được tỉnh ưu tiên khuyến khích phát triển.

Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là một trong 7 đặc sản trái cây của Tiền Giang  rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: TL
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là một trong 7 đặc sản trái cây của Tiền Giang rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: TL

Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của các ngành, các cấp nên diện tích trồng vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng và chất lượng trái vú sữa cũng được nâng lên. Được sự giúp đỡ về khoa học - kỹ thuật của ngành Nông nghiệp, nhiều nông dân đã thực hiện trồng và chăm sóc cây vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP, có thời điểm trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được xuất khẩu sang Nga.

Điều này góp phần giúp nông dân an tâm sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi trồng cây vú sữa Lò Rèn trong vùng quy hoạch của tỉnh ở các xã: Bàn Long, Kim Sơn, Phú Phong, Bình Trưng (huyện Châu Thành) và xã: Mỹ Long, Long Tiên (huyện Cai lậy).

Đối mặt với nhiều khó khăn

Tuy có một thời hoàng kim như thế nhưng hiện nay cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là sau vụ thu hoạch năm 2012 - 2013. Nhiều cây vú sữa bị đốn hạ (lấy củi) để thay thế bằng những cây trồng khác như sầu riêng, dừa, bưởi, sa pô…

Sở dĩ có hiện tượng này là do nguyên nhân: Bệnh hại tấn công làm cho cây suy kiệt và chết dần, đặc biệt là nấm tấn công gây thối, mục rễ. Xảy ra chủ yếu ở các vườn vú sữa lâu năm, ít chăm sóc. Cây có lá nhỏ, bị khô đọt, khô cành và chết dần, khi đào rễ lên thì hầu như toàn bộ rễ cây đã bị thối, mục, có khi nấm bệnh tấn công làm thối, mục cả gốc và thân cây. Tại những vườn này khi trồng lại vú sữa Lò Rèn thì cây phát triển rất chậm hoặc không sống được, buộc người dân phải thay bằng những loại cây trồng khác.

Ở những khu vực đất trũng, thấp và ruộng mới vun mô để trồng vú sữa Lò Rèn thì đa số cây phát triển và cho trái khoảng 4 - 5 năm rồi chết dần. Ông N.V.T ngụ ấp Long Thành B, xã Bàn Long huyện Châu Thành, có 4.000m2 đất ruộng lên liếp trồng vú sữa Lò Rèn từ năm 2004, sau hơn 5 năm cho trái tốt, đến năm 2012 hầu như toàn bộ đều bị suy kiệt phải đốn bỏ thay thế bằng cây trồng khác.

Theo kinh nghiệm của ông T thì ở những vùng trũng, thấp hoặc đất ruộng lên liếp, cây vú sữa sẽ phát triển tốt vài năm đầu, khi bộ rễ phát triển sâu đến lớp đất phèn thì cây sẽ suy kiệt dần và chết.

Vú sữa là cây có tán rộng nên việc trồng chuyên canh ở vùng đất mới gặp không ít khó khăn, nhất là ở những ruộng mới lên liếp đất trống nên cây rất dễ bị đổ ngã do gió giật.

Bệnh héo trái do thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả trồng vú sữa. Trong vụ thu hoạch vú sữa năm 2012 - 2013, đa số nông dân phản ánh vú sữa Lò Rèn bị héo và thối trái nhiều (khoảng 30%) làm giảm sản lượng và chất lượng trái.

Cây vú sữa có đặc điểm là chỉ cho trái 1 vụ/năm, không thể can thiệp để cây cho trái nghịch vụ như các loại cây khác nên thường vào vụ thu hoạch rộ dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu làm cho giá bán bị giảm thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người dân.

Điều này thể hiện rõ nhất trong vụ thu hoạch vú sữa năm 2012 - 2013, trước Tết Âm lịch là thời điểm đầu vụ nên giá bán khá cao (khoảng 20.000đồng/kg loại 1) nhưng đến thời điểm thu hoạch rộ nhất khoảng từ 10 - 15 tháng giêng (Âm lịch) trái vú sữa Lò Rèn lại rớt giá thê thảm (khoảng 3.000 - 4.000đồng/kg loại 1), chưa đủ chi phí thuê công hái trái nói chi đến vận chuyển đi bán.

Trái vú sữa lò rèn có chất lượng ngon, được nhiều người ưa thích, tuy nhiên lại có vỏ mỏng và chỉ được thu hoạch khi trái đã chín trên cây nên việc bảo quản và vận chuyển đi xa gặp không ít khó khăn. Nếu không có phương pháp bảo quản tốt thì không thể lưu trữ được lâu. Đây là điểm hạn chế của trái vú sữa Lò Rèn khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Đi tìm giải pháp

Để có thể duy trì và mở rộng diện tích; đồng thời giúp cho cây vú sữa Lò Rèn vượt qua những khó khăn nêu trên, thiết nghĩ cần có sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp nhằm tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân trong việc trồng và chăm sóc cây vú sữa. Đặc biệt là kỹ thuật phòng trừ bệnh hại, nhất là bệnh thối mục rễ và bệnh thối trái.

Tăng cường đầu tư giúp nông dân duy trì thương hiệu “Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim” và mở rộng diện tích trồng vú sữa an toàn theo GAP. Tăng cường đầu tư xúc tiến thương mại giúp mở rộng thị trường cho trái vú sữa Lò Rèn; đồng thời nghiên cứu nhập công nghệ bảo quản trái cây hiện đại để trái vú sữa Lò Rèn cũng như các loại trái cây khác có thể được bảo quản lâu hơn nhằm giữ vững chất lượng và nâng cao giá trị.

Đẩy mạnh nghiên cứu chế biến các loại trái cây để xuất khẩu, trong đó có trái vú sữa Lò Rèn thay vì phải xuất trái cây tươi với giá trị thấp như hiện nay.

KHÁNH GIANG

.
.
.