Những lợi ích khi tham gia mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát vừa ký ban hành Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML).
Theo đó, để áp dụng rộng rãi mô hình CĐML trong sản xuất, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình CĐML.
Thật ra, bản chất của CĐML đã có từ lâu. Đó là mô hình sản xuất lớn mang tính tập thể theo quy hoạch và kế hoạch, là bài học “vỡ lòng” cho việc quản lý sản xuất nông nghiệp có từ thời bao cấp. Nay được tổ chức, quản lý thực hiện theo cung cách làm ăn mới nhằm hướng đến sản xuất hàng hóa chất lượng cao, sản lượng lớn, ổn định để nắm thế chủ động khi tham gia thị trường.
Cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan Cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tân Phước. Ảnh: T.Tấn |
Những hộ nông dân với mảnh đất của mình tham gia CĐML được tổ chức liên kết lại trong mối quan hệ “4 nhà” được gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn để sản xuất theo hướng nâng cao giá trị hạt lúa, bằng cách sử dụng 1 giống hoặc 1 nhóm giống lúa có chất lượng cao để hình thành vùng nguyên liệu lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất và làm giảm thất thoát sau thu hoạch.
Tham gia CĐML, bà con nông dân sẽ được hướng dẫn quy trình trồng lúa tiên tiến, sử dụng giống lúa đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận để gieo sạ với mật độ thưa vừa phải hoặc sạ hàng, bón phân cân đối và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.
Ngoài ra, bà con còn được tập huấn theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, trang bị kỹ thuật canh tác theo chương trình “1 phải - 5 giảm”, “3 giảm - 3 tăng”… giúp cho việc chăm sóc cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, hạn chế các loại dịch hại và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
CĐML còn mang ý nghĩa tập hợp những nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ vào trong một cánh đồng lớn để thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong canh tác lúa, mang lại hiệu quả cao… Đây là cơ sở để đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap, tiến đến xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, CĐML còn hướng đến xây dựng một vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung, có chất lượng tốt và thông qua liên kết để chủ động trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Chỉ có liên kết sản xuất mới mở ra cơ hội cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đủ mạnh để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới.
Khi đã hình thành được CĐML lớn thông qua các mối liên kết bền vững thật sự và ổn định sản xuất với mô hình này, nông dân được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm; nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật sẽ hướng dẫn từ khâu chọn giống đồng nhất, làm đất, xử lý giống, gieo cấy... đến thu hoạch, phơi phóng và các kỹ thuật canh tác lúa theo các quy trình canh tác lúa tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng” hay quy trình “1 phải, 5 giảm” hoặc tiêu chuẩn VietGap, Global Gap...
Ngoài ra, còn có thể chọn các thành tựu, tiến bộ kỹ thuật khác để ứng dụng vào quá trình sản xuất của địa phương nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Trong quá trình xây dựng và thực hiện sản xuất theo CĐML, nông dân cũng tự nâng cao được trình độ về nhiều mặt, biết chủ động áp dụng cơ giới hóa, biết cách tính toán để giảm giá thành, giảm các chi phí trung gian và được bao tiêu sản phẩm (hoặc gửi lưu kho chờ giá) sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất sẽ ngày càng được nâng cao và đời sống vật chất, tinh thần chắc chắn sẽ sớm có thay đổi tích cực.
Các hoạt động dịch vụ kỹ thuật đi vào bài bản, được kiểm soát tốt và hỗ trợ kịp thời cho nông dân yên tâm sản xuất. Mặt khác, doanh nghiệp sẽ nắm được sản lượng lúa hàng hóa lớn, chất lượng cao, đồng đều, thuận lợi trong việc chủ động nguồn hàng xuất khẩu để xây dựng thương hiệu uy tín, tạo sức cạnh tranh và bán được giá cao.
Cái khó hiện nay là khá nhiều hộ dân đang sản xuất theo mô hình đa canh, đa cây - con, nhưng lại nhỏ lẻ, manh mún, phân tán với tôm - lúa - cá - cua đan xen, gồm nhiều chủng loại giống cây, con khác nhau, mùa vụ khó tập trung, khó tạo thành khối lượng hàng hóa lớn với chất lượng đồng đều, ổn định nên không ai đặt hàng và tự sản tự tiêu là chính, vì thế cảnh trúng mùa, rớt giá thường xuyên diễn ra.
Ðối với cây lúa, nếu thực hiện được mô hình CĐML trên cơ sở xây dựng sự liên kết, hợp tác giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp, nhà khoa học để tuy là “hộ dù nhỏ nhưng nhờ cùng liên kết để có cả cánh đồng lúa lớn” cùng canh tác một loại giống hoặc một nhóm giống có chung đặc tính, đồng nhất về mặt chất lượng gạo để có sản phẩm cạnh tranh, sẽ là hướng đi đúng, có ý nghĩa đối với nông dân khi hội nhập sâu hơn.
Về lâu dài, CĐML không chỉ áp dụng cho riêng cây lúa, mà cần suy nghĩ vận dụng thêm cho nhiều cây, con khác trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân có tích lũy, xây dựng thành công nông thôn mới. Cụ thể từ mô hình CĐML trên lúa làm cơ sở bổ sung, hoàn thiện các mô hình đang triển khai; xây dựng đề án cho năm 2013 và các năm tiếp theo nhằm mở rộng liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng theo mô hình CĐML, ưu tiên đối với cây trồng sản xuất hàng hóa tập trung như mía đường, cà phê, điều, trà, rau quả an toàn.
Tổ chức sản xuất theo mô hình CĐML cho cây lúa hay những cây, con khác sẽ giúp những nông hộ nhỏ lẻ nhận thức được sức mạnh tập thể, ý thức được trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm chung của cộng đồng để giữ gìn uy tín thương hiệu và không ngừng cải tiến giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất để vươn ra thị trường thế giới.
DIỆP VĂN SƠN