Kè “MỀM”: Cơ hội cho tái tạo, phát triển rừng phòng hộ ven biển
Trong thời gian dài, rừng phòng hộ và đê biển bị xói lở nghiêm trọng nhưng không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Tại các cuộc hội thảo gần đây, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp kè “mềm” chống xói lở đê biển, phát triển rừng phòng hộ. Đây được cho là giải pháp vừa bền vững, vừa hiệu quả kinh tế. Từ đề xuất trên, tỉnh đã chủ trương ứng dụng giải pháp này để tái tạo, phát triển rừng phòng hộ, bảo vệ đoạn đê biển đang bị xâm thực nghiêm trọng ở huyện Gò Công Đông.
Rừng phòng hộ và đê biển Gò Công Đông bị xâm thực nghiêm trọng cần có giải pháp tái tạo, bảo vệ hữu hiệu. |
HIỆU QUẢ VÀ BỀN VỮNG
Tại hội thảo “Ứng dụng giải pháp kè “mềm” bảo vệ bờ biển dưới tác động của biến đổi khí hậu” mới đây, ông Simon Restall, chuyên gia vật liệu địa tổng hợp đến từ Úc, cho biết Úc cũng chịu ảnh hưởng xói lở bờ biển như Việt Nam.
Những năm đầu thập nên 1980, các kỹ sư Úc đã sử sụng biện pháp kè “cứng” để chắn sóng nhưng giải pháp đó đã không mang lại hiệu quả. Lúc đó, các chuyên gia đã nghiên cứu, làm các mô hình, đưa ra giải pháp đa dạng để chỉnh trị bờ biển.
Một giải pháp được xem rất hiệu quả và bền vững đã được đưa ra là sử dụng các loại túi bao chứa cát đủ kích cỡ, làm bãi đá ngầm để tiêu tán sóng trước khi vào bờ. Từ đó, giải pháp kè “mềm” đã được áp dụng ở Úc, New Zealand và một số nước trên thế giới. Sau hơn 20 năm, những nơi áp dụng giải pháp này vẫn phát huy hiệu quả rất tốt.
Cũng theo ông Simon Restall, qua tính toán, vật liệu bao chống được tia cực tím của mặt trời, kháng độ mài mòn của vật liệu nên rất bền, có thể tồn tại 35 năm. Theo ông, giải pháp này ngoài áp dụng để kè bờ biển còn có thể kè bờ sông; bờ kè chắn lở đất, bảo vệ cột nhà sàn trước tác động của sóng. Thuận lợi nữa là có thể tận dụng ngay vật liệu (cát) của bãi biển để lấp vào bao cát, kết hợp với công trình thoát nước và công trình khác nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển vật liệu. Ở Việt Nam, giải pháp này đã được áp dụng ở Hội An (Quảng Nam).
Theo các chuyên gia, giải pháp kè “mềm” là hệ thống bảo vệ bờ biển bằng sử dụng các túi cát vải địa kỹ thuật tiên tiến được thiết kế để lắp cát, được lắp đặt và sắp xếp để tạo nên kết cấu bền và kiên cố. Tính linh hoạt và độ bền của các túi này cho phép thi công xây dựng các kết cấu bờ biển đa dạng như đập đinh, tường biển, bãi đá ngầm và các ứng dụng khác cho các đường giao thông thủy miền duyên hải, giao thông thủy nội địa.
Giải pháp này thay thế cho các phương pháp bảo vệ bờ biển truyền thống như bê tông, đá hộc, thép hoặc cừ tràm. Hệ thống các túi vải địa kỹ thuật được lắp cát này hạn chế việc mất đi hoặc di chuyển của cát do tác động của sóng, các dòng thủy triều và hải lưu, làm giảm kích cỡ và năng lượng của sóng, làm tiêu sóng khỏi bờ biển, tạo ra kết cấu chắn gió hình thành nên vũng nước được che chắn, chống lại các áp lực gây ra xói lở bờ biển. Với tính linh hoạt và độ bền, đây được xem là giải pháp hoàn hảo cho việc xây dựng các công trình tường biển, tường chắn bảo vệ chống sạt lở.
Ưu điểm của phương pháp này so với kết cấu cứng là giảm sự nhiễm bẩn bãi biển vì không có đá thải ra; giảm vết tác động môi trường nhờ sử dụng các vật liệu tại chỗ và giảm nhu cầu nhập khẩu các vật liệu lấp vào túi vải; gia tăng tiện ích cộng đồng thông qua việc gia tăng đường vào bãi biển công cộng dễ dàng và giảm rủi ro về an toàn và sức khỏe (việc sử dụng các lớp vải địa kỹ thuật chống tác nhân hủy hoại môi trường trong các kết cấu ở đường vào bãi biển công cộng làm tăng thêm độ bền cho các cấu trúc túi này). Giải pháp đã được chứng minh độ bền qua rất nhiều năm trong môi trường biển lộ thiên và xâm thực.
TS. Phạm Văn Long, khẳng định giải pháp “mềm” tiết kiệm chi phí, nâng cấp các tuyến đê biển hữu hiệu, nhất là trong trường hợp có nước biển dâng do biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Giải pháp “mềm” chịu được độ biến dạng lớn, chịu được tải trọng động lớn hơn nhiều so với kết cấu cứng, đặc biệt trên nền đất yếu, nền đất xốp dễ bị hóa lỏng; hiệu quả phá sóng cao hơn vật liệu cứng nhưng xói cục bộ tại chân kè nhỏ.
Từ đó, ông Long cho rằng giải pháp kè “mềm” thỏa mãn các yêu cầu trước mắt và lâu dài về khôi phục, tái tạo rừng, bảo vệ an toàn đê biển và duy trì hệ sinh thái ven biển nhưng giá thành xây dựng thấp, thời gian thi công nhanh. Đây là xu thế ngày càng phổ biến trên thế giới.
Tuy nhiên cũng theo ông Long, để đảm bảo độ bền lâu dài cho các túi cát này thì cao trình đê không cao hơn mực nước đỉnh triều bình quân để đảm bảo cát thường xuyên ẩm ướt; vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ, tránh những tác động gây hư hỏng vải; thường xuyên theo dõi, duy tu, bảo dưỡng; khâu vá các lổ thủng ngay khi phát hiện.
XÚC TIẾN TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM KẾT CẤU “MỀM”
Theo Sở NN&PTNT, những năm qua, rừng phòng hộ của huyện Gò Công Đông hàng năm bị xói lở bình quân từ 8-10 m, có đoạn xói lở 20 m làm diện tích rừng bị xói lở bình quân từ 5- 7 ha. Các giải pháp “cứng” như kè mái đê phía biển đã được áp dụng tại đoạn đê xung yếu không có rừng phòng hộ. Nhưng theo thời gian, dưới tác động của sóng biển, chân đê vẫn bị xói lở. Rừng phòng hộ tiếp tục bị mất dần qua từng năm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê biển.
Trước thực trạng này, ngày 28-2-2013, UBND tỉnh tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững rừng phòng hộ ven biển Tiền Giang” với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các viện, trường. Với ưu điểm vượt trội tính năng, hiệu quả kinh tế và khả năng áp dụng, các chuyên gia đề xuất tỉnh cho triển khai xây dựng ngay hệ thống kết cấu “mềm”để chống xói lở đê biển. Tại hội thảo, UBND tỉnh ghi nhận và chỉ đạo xúc tiến triển khai thí điểm giải pháp này.
Vừa qua, Sở NN&PTNT đã có tờ trình và được UBND tỉnh chấp thuận về mặt chủ trương cho lập dự án công trình giảm sóng, chống xói lở, gây bồi, bảo vệ đai rừng phòng hộ ven biển thuộc huyện Gò Công Đông. Theo đó, dự án thực hiện 4 đoạn bị xâm thực nghiêm trọng từ xã Tân Điền đến xã Tân Thành với tổng chiều dài 3.800 m, nguồn kinh phí dự kiến lấy từ dự án củng cố, nâng cấp đê biển Gò Công theo Quyết định 667/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang được phân bổ hàng năm cho tỉnh.
Sở NN&PTNT cũng đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận cho lập dự án công trình giảm sóng, chống xói lở, gây bồi bảo vệ đai rừng phòng hộ ven biển thuộc huyện Gò Công Đông với chiều dài 20 km, đoạn từ khu neo đậu tránh trú bão Cần Lộc (thị trấn Vàm Láng) đến cống Rạch Gốc (xã Tân Thành) gồm công trình giảm sóng gây bồi (xây dựng phía ngoài cách đê biển từ 150-200 m) và trồng rừng với tổng kinh phí 328 tỷ đồng.
Trong chuyến thăm và làm việc với Tiền Giang vừa qua của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ đầu tư mô hình hệ thống “đê mềm” với tổng chiều dài khoảng 20 km trên.
Nói thêm về các dự án này, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, do 4 đoạn đê và rừng từ xã Tân Điền đến xã Tân Thành bị xâm thực nghiêm trọng, trước mắt Sở NN&PTNT xúc tiến lập dự án giảm sóng, chống xói lở, gây bồi ở những nơi này, sau đó xin Trung ương cho sử dụng vốn từ Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang phân bổ hàng năm cho tỉnh.
Còn đối với công trình giảm sóng, chống xói lở, gây bồi 20 km từ xã Vàm Láng đến xã Tân Thành, Sở NN&PTNT sẽ tiến hành lập dự án để tranh thủ các nguồn vốn Trung ương như vốn ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện.
Với những chủ trương, động thái trên, giải pháp kè “mềm” đang mở ra cơ hội tái tạo, trồng mới, phát triển bền vững rừng phòng hộ, bảo vệ an toàn đê biển; đồng thời tạo cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai nhân rộng mô hình cho Đồng bằng sông Cửu Long.
N.VĂN