Trường công chất lượng cao: Tại sao không?
Cần có một cách nhìn khách quan, công bằng hơn về ưu cũng như nhược điểm của mô hình này, từ đó mới đưa ra quan điểm có nên cho phép tồn tại mô hình này hay không.
Đa dạng sự lựa chọn cho những nhu cầu khác nhau
Trước hết, ưu điểm của trường công chất lượng cao (CLC) là tạo một môi trường giáo dục được đầu tư “ra tấm, ra món” với điều kiện học tập về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, giáo viên, chương trình... tối ưu nhất có thể. Qua đó, những gia đình có điều kiện kinh tế tốt có thêm sự lựa chọn bên cạnh trường tư, trường quốc tế và trường bán công.
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam |
Người Việt đang tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm để cho con em đi du học ở nước ngoài hay học tập tại các trường quốc tế với chất lượng vẫn chưa thực sự được kiểm soát, kiểm chứng.
Chưa kể, học sinh học trường quốc tế ra thường chỉ có năng lực ngoại ngữ là tốt nhất. Những kiến thức lịch sử, văn hóa dân tộc không được coi trọng trong chương trình học. Các em còn nắm vững lịch sử văn học châu Âu hơn cả lịch sử văn học Việt Nam, trong khi không biết Hai Bà Trưng là ai, sống ở thời nào. Tỷ lệ học sinh trường quốc tế đỗ đại học trong nước cũng rất thấp, hầu hết các em đều phải tiếp tục học ở nước ngoài.
Vì vậy, đã đến lúc ngành Giáo dục và Đào tạo cần xem xét đáp ứng nhu cầu được học trong môi trường giáo dục chất lượng cao với sự hỗ trợ nhất định từ Nhà nước (đó là khoản đầu tư ban đầu và mức lương chi trả hằng tháng cho giáo viên, hệ thống quản lý của nhà trường theo ngân sách Nhà nước). Đồng thời, thu hút được hàng tỷ USD vào những trường công (tạm gọi là đặc biệt) theo mô hình xã hội hóa này để chúng ta không bị chảy máu ngoại tệ, và số tiền này sẽ quay lại đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục trong nước, nâng cao đời sống, động lực làm việc... từ đó nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng công bằng trong giáo dục là tạo cơ hội công bằng trong tiếp cận giáo dục chứ không có nghĩa là cào bằng về chất lượng đào tạo.
Cơ hội công bằng trong tiếp cận giáo dục
Bên cạnh hệ thống trường công đã có, hằng năm Nhà nước vẫn đầu tư xây thêm các trường công để phục vụ cho nhu cầu học tập tăng cao dành cho đa số con em. Hà Nội chủ trương xây dựng trường công lập chất lượng cao nhưng vẫn cam kết bảo đảm có đủ chỗ học trong các trường công lập theo yêu cầu phổ cập giáo dục của từng cấp học, đồng thời vẫn bảo đảm miễn giảm học phí cho các đối tượng chính sách theo các quy định chung hiện hành.
Tuy nhiên, ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác, không hề có luật cấm người có điều kiện cho con học trường công và tự nguyện bỏ tiền túi ra chi trả đầu tư cho nhà trường để con họ được hưởng những điều kiện giáo dục tốt nhất.
Và chúng ta cũng không nên bắt những người có điều kiện, nhu cầu khác nhau cùng hưởng chung một môi trường giáo dục nếu họ không muốn. Bởi lẽ, một số phụ huynh có tiền nhưng vẫn thích cho con học trường công sẽ có nhiều cách để giành được sự ưu ái đặc biệt từ nhà trường, từ giáo viên dành cho con mình, chẳng hạn như xung phong đóng quỹ lớp cao, chăm sóc cô giáo chu đáo bằng quà cáp đắt tiền, tài trợ cho nhà trường trang thiết bị hoặc hỗ trợ kinh phí tổ chức các sự kiện.
Cách hình thành theo kiểu tự phát như vậy thực sự nguy hiểm vì chúng dựa trên cơ sở động lực là tiền bạc chứ không phải vì chất lượng giáo dục.
Chưa kể, để tạo thêm nguồn thu, các trường sẽ vẽ ra rất nhiều khoản đổ lên đầu phụ huynh dưới vỏ bọc “tự nguyện” như quỹ phụ huynh trường, tiền xây dựng... Quỹ lương của các trường công cũng eo hẹp nên trường và chính giáo viên sẽ tìm mọi cách lách luật để dạy thêm, học thêm. Những khoản đóng góp này không được sử dụng vào mục đích nâng cao chất lượng giáo dục mà sẽ chạy vào túi cá nhân. Cộng dồn lại, các khoản đóng góp của phụ huynh ngoài học phí không hề nhỏ mà tâm trạng của họ vô cùng bất mãn.
Hình ảnh thầy cô tìm mọi cách vẽ ra khoản thu để “moi” tiền từ túi phụ huynh đã làm cho học sinh có cách nhìn lệch lạc về nhân cách người thầy.
Khi bàn về cải cách giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều ý kiến đã cho rằng hiện tại ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục là rất cao (20%) và chúng ta không thể chi trả cao hơn mức này nữa. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cả nước chỉ có 17/63 tỉnh thành đáp ứng tiêu chí chi 28% ngân sách vào phục vụ cho giáo dục, còn lại mức chi của địa phương vẫn tập trung vào nhiều ngành khác.
Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Nhà nước chỉ làm những gì tư nhân không thể làm và không muốn làm: Đó là loại hình giáo dục đặc biệt (học sinh khuyết tật), giáo dục vùng sâu vùng xa, dành cho hộ nghèo, khó khăn…
Còn những mô hình giáo dục chất lượng cao có đầu tư lớn nên để cho xã hội làm. Và phần đầu tư ban đầu về trường sở, lương bổng được coi như sự hỗ trợ ban đầu để khuyến khích phát triển mô hình trường này. Đây có thể coi là mô hình hợp tác công-tư trong giáo dục, Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Số tiền nhân dân đóng thuế thì cả người giàu và người nghèo đều có quyền được hưởng. Không phải vì họ giàu mà họ không được hưởng sự đầu tư về giáo dục của Nhà nước.
Trong một xã hội hiện đại, mọi người đều được quyền thụ hưởng mọi dịch vụ xã hội theo điều kiện và nhu cầu của mình. Và trách nhiệm của Nhà nước là tạo môi trường, điều kiện để cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của nhiều đối tượng. Và trên nền tảng ấy, mỗi gia đình lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp nhất với khả năng, điều kiện kinh tế của mình.
(Theo chinhphu.vn)