Dân vận chính quyền và sự bất cập của cơ chế, chính sách
Trong công tác dân vận, người ta bắt đầu quay trở lại vai trò, trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan công quyền, đặc biệt là thái độ của công chức. Xin được góp phần làm rõ hơn vấn đề này.
Dân vận là làm cho dân đồng tình, nhằm huy động sức dân để chăm lo cho dân. Đó là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong bài viết về công tác dân vận của Bác Hồ, đăng trên Báo Sự Thật ngày 15-10-1949 có đoạn: “...Cán bộ chính quyền và cán bộ đoàn thể địa phương phải cùng nhau bàn tính kỹ càng, cùng nhau chia công rõ rệt, rồi cùng nhau đi giải thích cho dân hiểu, cổ động dân, giúp dân đặt kế hoạch, tổ chức nhân công, sắp xếp việc làm, khuyến khích, đôn đốc, theo dõi, giúp đỡ dân giải quyết những điều khó khăn....”. Công tác dân vận phải “...thật thà nhúng tay vào việc”, “phải xung phong thi đua làm, để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”.
Bộ phận tiếp nhận và hoàn trả kết quả phường 4, TP. Mỹ Tho. Ảnh: S.A.M |
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, chính quyền có phân cấp, phân ngành khá hoàn chỉnh thì công tác dân vận chính quyền (DVCQ) không yêu cầu cán bộ chính quyền làm chức năng tuyên truyền vận động nhân dân thay cho đoàn thể, mà DVCQ là cơ quan Nhà nước, công chức Nhà nước quan tâm đến sự hài lòng của nhân dân trong quá trình thực hiện các dịch vụ công và thực hiện các quan hệ hành chính với dân một cách đúng đắn với ý thức phục vụ dân. Điều đó sẽ làm cho người dân cảm nhận chính quyền là của nhân dân.
Ngoài việc quản lý, điều hành tốt theo pháp luật để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, chính quyền còn phải lấy mức độ hài lòng của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu của mình. Sự hài lòng của nhân dân thể hiện ở chỗ: Mọi hành xử họ đều dựa vào luật pháp, dựa vào chính quyền. Chính quyền muốn dân tin thì trước hết cán bộ chính quyền phải làm việc công tâm, minh bạch, nghiêm túc, tuân thủ pháp luật với tinh thần và thái độ phục vụ nhiệt tình, tận tâm, chớ không phải đơn thuần là gia ân, là ban bố cho dân.
Thông thường, chúng ta nghĩ rằng, sự phàn nàn của người dân là do thái độ của cán bộ, công chức Nhà nước trong lúc thừa hành nhiệm vụ, tiếp xúc với nhân dân đã không đủ mềm mỏng, khéo léo, không vui vẻ với dân, thậm chí còn vòi vĩnh, hoạnh họe dân.
Trong bài viết này, tôi xin đề cập và chỉ đi sâu vào một nguyên nhân khác khá phổ biến nhưng chưa được nhận diện rõ, đó là sự bất cập của cơ chế, chính sách.
Như chúng ta biết, điều quan trọng nhất và chung nhất có lẽ là vẫn còn những yêu cầu chính đáng của người dân chưa được chính quyền giải quyết một cách rốt ráo theo yêu cầu của Hiến pháp và quy định của pháp luật vì hai lý do:
Một là, do trình độ nghiệp vụ của một số cán bộ thừa hành còn non yếu, không nắm vững những quy định của Nhà nước, lại sợ trách nhiệm nên không dám giải quyết những yêu cầu đáng lẽ được giải quyết hoặc do không nắm vững nên giải quyết sai quy định; chưa nói đến những trường hợp cố ý làm sai để hưởng lợi (những sai sót này thường dẫn đến việc khiếu nại hành vi hành chính).
Hai là, do những quy định hướng dẫn thi hành pháp luật của cấp trên còn nhiều chỗ chưa phù hợp, chưa hợp tình hợp lý (thậm chí còn có những quy định trái luật, kiểu như muốn quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ thì phải xin phép). Đó là chưa nói đến các văn bản pháp luật cũng còn nhiều điều chưa thực tế, chưa phù hợp.
Để khắc phục tình hình này, thiết nghĩ, song song với khắc phục những sai sót của cán bộ thừa hành và khuyến khích nụ cười của họ khi tiếp xúc với dân, nhiệm vụ DVCQ còn phải quan tâm đến việc làm sáng tỏ cơ chế, chính sách, pháp luật sao cho hợp lòng dân. Đây là công việc thường xuyên của cải cách hành chính và cải cách tư pháp.
Ví dụ như: Trong lĩnh vực đất đai trước đây, một thời gian dài Nhà nước quy định mỗi lần sang nhượng đất đều phải đo đạc lại, mặc dù người dân không yêu cầu, kể cả trường hợp đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ và chuyển nhượng nguyên thửa không có chia tách mà cũng phải đo lại. Vì vậy người dân chẳng những phải chờ đợi, mà còn tốn một khoản chi phí không nhỏ cho việc đo đạc này.
Trong lĩnh vực tổ chức, ngành Nội vụ quy định các cấp hội quần chúng trước khi tổ chức đại hội đều phải xây dựng điều lệ hội riêng của cấp mình trong khi luật pháp vẫn yêu cầu điều lệ của Trung ương Hội phải được thực hiện thống nhất cho tất cả các cấp hội trong cả nước. Như vậy, việc quy định mỗi cấp hội xây dựng điều lệ riêng là sai pháp luật, nhưng cho đến nay, qua nhiều phản ảnh vẫn chưa được sửa đổi…
Cách đây 5 năm, TS Nguyễn Ngọc Điện, Trưởng khoa Luật của Trường Đại học Cần Thơ đã viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn: “Các nghị định, thông tư, công văn hướng dẫn không phải là luật, nó thể hiện ý chí của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, có thể bao hàm những điều chưa phù hợp.
Theo quy định của pháp luật, người dân không có quyền khiếu nại đối với thông tư, nghị định”. Thế nhưng, nếu chúng ta cứ “nhắm mắt” thực hiện theo các nghị định, thông tư, thậm chí là các loại công văn hướng dẫn kiểu như trên thì không tránh khỏi gây ra nhiều điều bức xúc cho nhân dân”. Lỗi đó là của lãnh đạo cấp trên chứ không phải lỗi của cá nhân công chức.
Những gì chưa hợp lý cần phải được phản ảnh kịp thời để cấp trên sửa chữa cho phù hợp cho dù phải tốn nhiều công sức. Người dân không đòi hỏi mọi nguyện vọng của họ phải được đáp ứng, nhưng mọi thắc mắc của họ cần phải được giải thích thỏa đáng là điều cần thiết. Nhiệm vụ DVCQ không cho phép công chức trả lời đơn giản là “do quy định của cấp trên” mà phải giải thích cho dân hiểu hoặc yên tâm chờ đợi sự sửa đổi. Tôi cho rằng, khi công chức chưa kiến nghị lên cấp trên thì không được đổ lỗi cho cấp trên.
Trong một lần thảo luận việc thực hiện Nghị quyết 32 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm xe thô sơ, một vị đại diện ngành GTVT nói với chúng tôi rằng: “Các anh làm công tác Mặt trận và đoàn thể thì các anh có quyền kiến nghị, còn chúng tôi là cơ quan cấp dưới thì chỉ biết tuân thủ, không thể kiến nghị”. Tôi cho rằng, hơn ai hết, chính cơ quan tham mưu, thừa hành mới biết rõ mọi việc nên giải quyết như thế nào và điều gì là cần thiết nhất cần phải kiến nghị.
Một trong những thực tế buồn hiện nay là cán bộ, công chức hoặc không nắm vững chủ trương hoặc có nắm nhưng chưa thông nên không thể giải thích vì sao phải như vậy, mà chỉ biết nói rằng “do cấp trên quy định như vậy”, đó là cách trả lời đơn giản nhất nhưng cũng là cách trả lời chưa tròn trách nhiệm. Vì cái mà người dân muốn biết là tại sao phải như vậy.
Công chức thừa hành là người thay mặt Nhà nước tiếp cận với dân và người dân hiểu Nhà nước phần lớn qua công chức. Công chức luôn biết người dân thắc mắc gì, nhưng bản thân họ vì nhiều lý do không dám nêu thắc mắc với cấp trên, không dám yêu cầu cấp trên giải đáp một cách thỏa đáng những điều mà người dân thắc mắc.
Còn cấp lãnh đạo hoặc cấp trên thì cũng có một số người thích nghe những gì thuận lợi, thích nghe thành tích chứ không muốn nghe những khó khăn, những ý kiến phản đối hoặc đơn thuần chỉ là những thắc mắc. Nắm bắt được tâm lý này nên cấp dưới mặc dù nắm rất rõ, cũng không thích kiến nghị, cuối cùng thì trái bóng này được đẩy sang cho báo chí.
Theo tôi, DVCQ phải gắn liền với việc xây dựng một nền hành chính lành mạnh. Đó là một nền hành chính chặt chẽ, nghiêm túc, nhất quán trong cả nước và cũng kịp thời sửa lỗi.
Cải cách hành chính trong thời gian qua đã có được một số tiến bộ quan trọng về thủ tục để giảm bớt sự đi lại, chờ đợi phiền hà cho nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn những quy định, những “cấm đoán”, xử phạt không hợp lý hoặc không rõ mục đích mà người dân kiến nghị vẫn chưa được xem xét sửa đổi.
Chính những quy định không rõ ràng, phi thực tế cũng gây không ít khó khăn cho công chức trong thừa hành nhiệm vụ. Việc không giải thích được với dân một cách cặn kẽ đã làm ảnh hưởng phần nào hình ảnh của công chức và cơ quan công quyền trong mắt người dân.
Vì vậy, để làm tốt công tác DVCQ, công chức vừa phải tuân thủ những quy định của cấp trên và kiến nghị sửa đổi những thủ tục hành chính và chính sách, pháp luật cho phù hợp với lòng dân, phù hợp với lợi ích chính đáng của nhân dân thì mới có thể gọi là làm tròn trách nhiệm. Mặt trận và các đoàn thể cũng cần tăng cường các hoạt động giám sát và góp ý kiến với chính quyền để kịp thời sửa đổi những gì chưa phù hợp.
NGÔ DUY THƯỢNG
(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh)