Thứ Sáu, 04/10/2013, 10:05 (GMT+7)
.

Thực trạng sắc thần và giải pháp bảo tồn

Theo khảo sát mới đây, huyện Châu Thành có 23 xã, thị trấn và có tổng cộng 31 ngôi đình.

Các xã có 1 đình là: Bình Trưng, Dưỡng Điềm, Hữu Đạo, Kim Sơn, Long An, Long Hưng, Nhị Bình, Phú Phong, Tân Hội Đông, Tân Lý Đông, Tân Lý Tây, Vĩnh Kim và thị trấn Tân Hiệp.

Các xã có 2 đình là: Bình Đức, Đông Hòa, Long Định, Song Thuận, Tam Hiệp, Tân Hương và Thạnh Phú.

Xã có 4 đình là: Thân Cửu Nghĩa.

Các xã không có đình là: Bàn Long và Điềm Hy.

Qua thực tế khảo sát các khán sắc thần đình mới đây, đa số các bậc cao niên trong Ban khánh tiết đều khẳng định đình của làng mình có sắc phong, nhưng hiện chỉ có 20 đình còn giữ được 54 khán sắc thần đình.

Trong đó, các đình còn giữ 1 sắc là: Đình Tân Thuận (xã Bình Đức), Bình Hòa (xã Đông Hòa) và đình Cửu Viễn (xã Thân Cửu Nghĩa); đình còn giữ 2 sắc là: Đình An Đức (xã Bình Đức), Hữu Đạo, Mỹ Thuận Đông (xã Song Thuận), Tân Hiệp (thị trấn Tân Hiệp), Tân Hội Đông, Thạnh Phú, Ngãi Hữu và đình Thân Nhơn (xã Thân Cửu Nghĩa); đình còn giữ 4 sắc là: Đình Dưỡng Điềm, Mỹ Thuận Tây (xã Song Thuận) và đình Tân Lý Tây; đình còn giữ 6 sắc là đình Kim Sơn; đình còn giữ 8 sắc là: Đình Nhơn Hội (xã Tam Hiệp) và đình Tân Hương. Các đình có sắc phục chế là: Đình Tân Lý Đông và đình Tân Hương Tây (xã Tân Hương).

Sắc phong cho thôn Tân Hương - Thiệu Trị ngũ niên ngày 27-11.
Sắc phong cho thôn Tân Hương - Thiệu Trị ngũ niên ngày 27-11.

Đa số các đình đều giữ đúng sắc phong của địa phương mình theo tên thôn ngày xưa. Chỉ có 2 đình thờ sai sắc phong là: Đình Bình Hòa thờ sắc Hội đồng Miếu tỉnh Định Tường và đình Dưỡng Điềm thờ sắc phong của thôn Điềm Hy.

Về thời gian sắc được phong vào các niên hiệu:

1. Thiệu Trị:

     Thiệu Trị ngũ niên: Ngày 27-11 và 26-12.

2. Tự Đức:

    Tự Đức tam niên: Ngày 8-11.

     Tự Đức ngũ niên: Ngày 29-11.

Đa số đạo sắc phong cho: Bổn cảnh Thành hoàng, Đại càn Quốc gia Nam hải, Đông nam sát hải nhị đại tướng quân, Đô tướng Dương võ, Bảo an thành hoàng, Bảo an chính trực…

Hầu hết sắc thần có kích thước 120 x 50cm, được làm bằng giấy dó mịn màu vàng đậm, viền trang trí văn triện. Mặt sắc phong vẽ hình rồng ẩn trong mây, kết hợp hoa văn sóng nước. Thân rồng uốn lượn, đầu ngẩng chầu về chữ Thọ ở giữa sắc phong, đuôi cuộn trong hướng lên trên.

Bốn góc sắc phong là 4 ô hình học, mỗi ô vẽ 5 chữ Thọ (kiểu chữ Triện). Sắc  phong thường từ 5 - 8 dòng chữ Hán từ phải viết qua trái, cuối dòng là lạc khoản: Niên hiệu vua và ngày tháng năm, rồi đóng dấu triện “Sắc mệnh chi bảo” màu đỏ đè lên thời gian của niên hiệu. Tự Đức ngũ niên dấu triện đóng từ chữ ngũ trở xuống. Riêng các sắc phục chế, dấu triện “Sắc mệnh chi bảo” màu đỏ đóng từ chữ niên trở xuống.

Về phương tiện bảo quản: Các sắc phong thường được bảo quản bằng cách cuộn tròn, quấn thêm giấy hồng đơn, vải, mũ hoặc bọc bằng nhựa và cho vào trong ống gỗ, ống nhựa rồi bỏ vào hộp thiếc, hộp gỗ sơn son. Do không chăm sóc, phơi thoáng thường xuyên nên sắc bị ẩm mục. Hoặc do quá tin vào sự linh thiêng của thần nên Ban khánh tiết từ lâu không khai sắc.

Ngoài ra, có một số ngôi đình đã bị mất sắc do nhiều nguyên nhân như: Chiến tranh, kẻ trộm đánh cắp, khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều làm cho sắc phong bị ẩm mục… Các đình bị mất sắc là: Đình Bình Trưng, Nhị Bình, Tân Lý Đông, Vĩnh Kim, An Vĩnh (xã Long An), Long Định, Định Hòa (xã Long Định), Phú Phong, An Thạnh (xã Thạnh Phú), Long Hưng và đình Tân Lập (xã Thân Cửu Nghĩa).

Từ trước đến nay, khi sắc bị mất, người giữ không bị xử lý kỷ luật, có chăng là sự quở trách của nhân dân về sự thiếu thận trọng mà thôi. Vì thế, phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền, công an cơ sở với Ban khánh tiết các đình trong việc đảm bảo an ninh trật tự nhằm hạn chế sự mất cắp sắc thần và Nhà nước phải có chế tài trong việc bảo tồn sắc thần, khen thưởng và có chế độ đãi ngộ cho những người bảo quản, gìn giữ sắc nhằm khích lệ người dân trong việc bảo vệ và gìn giữ tài sản vô cùng quý báu này.

Sắc phong thuộc sở hữu riêng của mỗi đình, của người dân ở thôn, làng đó. Do đó, người dân tự bảo quản theo thông lệ của thôn, làng đó là chính. Các cơ quan quản lý văn hóa chỉ giúp người dân phương pháp bảo quản, phiên âm, dịch nghĩa nội dung mà sắc phong hàm chứa chứ không thể giúp người dân bảo quản.

Hiện nay, một số đình bị mất sắc phong có nhu cầu phục chế và một số đình sắc phong bị mục nát cũng có nhu cầu bồi, phục chế lại. Các cơ quan quản lý văn hóa nên hướng dẫn cho nhân dân cách thức và phương pháp phục chế. Nếu để Ban khánh tiết đình tự đi làm mới sắc phong thì khó đảm bảo nội dung lịch sử của khán sắc thần. Chỉ những người biết chữ Hán, những nhà chuyên môn mới biết sự đúng - sai của sắc phong đó.

Mặt khác, Nhà nước cần có những quy định cụ thể trong việc làm giấy sắc để đảm bảo chất lượng lâu dài, đặc biệt là hoa văn họa tiết trang trí trên giấy, bởi vì sắc phong mỗi triều vua mỗi khác.

PHẠM THỊ HƯƠNG

.
.
.