Thứ Bảy, 19/10/2013, 08:03 (GMT+7)
.

Vì sao nhà mạng tăng cước 3G?

Việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G gây nhiều băn khoăn cho người sử dụng. Ngày 17-10, Báo Điện tử Infonet đã tổ chức giao lưu trực tuyến cùng lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)); Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) và đại diện lãnh đạo 3 doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần lớn là Viettel, Vinaphone và Mobifone.

 Giao lưu trực tuyến
Giao lưu trực tuyến "Vì sao tăng giá cước 3G". Ảnh:ĐT

Có dấu hiệu các nhà mạng bắt tay nhau không khi tăng cước 3G cùng một ngày?

Trước câu hỏi của khách hàng về việc dựa vào căn cứ nào để Bộ TT&TT đồng ý cho nhà mạng tăng giá cước 3G, ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: Dịch vụ 3G được chính thức cung cấp tại Việt Nam vào tháng 12-2009, gồm 3 doanh nghiệp và 1 liên doanh.

Về cơ sở để Bộ TT&TT phê duyệt giá cước 3G của nhà mạng căn cứ vào nhiều văn bản quy định như: Luật Viễn thông, Luật Giá, Luật Cạnh tranh. Cụ thể, Luật Viễn thông quy định tại Điều 55, Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông có quy định tại Điều 38, Luật Giá quy định tại Điều 5, Luật Cạnh tranh quy định tại Điều 13,... quy định giá cước viễn thông phụ thuộc vào một số yếu tố như sau: Giá thành, cung - cầu trên thị trường và giá cước khu vực và quốc tế.

Đối với doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế thì không được phép cung cấp dịch vụ dưới giá thành, nhưng hiện nay, các doanh nghiệp đang bán dưới giá thành. Thực tế, giá cước data của các nước trong khu vực và quốc tế hiện nay đều cao hơn Việt Nam. Do đó, tại thời điểm này, doanh nghiệp yêu cầu tăng giá theo giá thành.

Nhiều độc giả đã đặt câu hỏi: Tại sao 3 mạng lại tăng cước 3G cùng 1 ngày (16-10)? Có dấu hiệu các nhà mạng bắt tay nhau không?

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty Mobifone cho biết: Nhà mạng này đã đăng ký tăng cước 3G bằng văn bản vào ngày 9-8-2013, trong đó đề xuất tăng cước từ ngày 1-9-2013. Tuy nhiên, sau khi có thẩm định, trao đổi và giải trình với Cục Viễn thông, ngày 4-10 mới nhận được văn bản chấp thuận. Để chuẩn bị cho việc tăng cước, Mobifone phải chuẩn bị hệ thống, chuẩn bị về truyền thông, thông báo cho khách hàng, cập nhật trên web…

Cũng như các mạng khác, Mobifone có 2 chu kỳ tính cước là ngày mùng 1 và 16 hàng tháng, như vậy, tương ứng có 2 lựa chọn điều chỉnh cước là ngày 1 và 16-10. Tính từ ngày nhận văn bản chấp thuận của Cục Viễn thông đã qua ngày 1-10, nên nhà mạng này quyết định chọn ngày 16-10 để tăng cước, khi ấy đã đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị về kỹ thuật, cũng như truyền thông.

Đại diện lãnh đạo Vinaphone và Viettel cũng đưa ra lý do tương tự như Mobifone.

Về cơ sở để quản lý giá thành dịch vụ, ông Nguyễn Đức Trung - Phó cục trưởng Cục Viễn thông  cho biết: Từ đầu năm, doanh nghiệp phải báo cáo giá thành. Năm 2012, Bộ đã ban hành thông tư về giá thành rất rõ, quy định cụ thể cách tính. Trong quá trình xây dựng thông tư về giá thành được thực hiện đúng quy trình, xin ý kiến rộng rãi của nhân dân và các cơ quan chức năng trước khi ban hành. Doanh nghiệp tính giá dựa trên quy định tại Thông tư 16/2012/TT-BTTTT. Doanh nghiệp phải đăng ký giá thành theo quy định tại Thông tư 18/2012/TT-BTTTT …

Ông Nguyễn Đức Trung cũng giải thích thêm về việc 3 doanh nghiệp tăng giá cước cùng một ngày là  do 3 doanh nghiệp đã có văn bản đăng ký từ tháng 8, tháng 9. Trong quá trình thẩm định, doanh nghiệp cần phải bổ sung, giải trình phương án chậm nhất là ngày 13-9-2013. Trên cơ sở giải trình của doanh nghiệp và dựa trên bức tranh chung của thị trường, Bộ TT&TT có văn bản chấp thuận cho các doanh nghiệp điều chỉnh giá cước. Văn bản chấp thuận được ký cùng ngày 4-10 nên có thể trùng thời điểm tăng giá của các doanh nghiệp. Bộ không ấn định thời điểm tăng giá thành.

Vì sao mức giá cước 3G của 3 nhà mạng đều là 70 nghìn đồng?

Trả lời câu hỏi trên, bà Nguyễn Phương Hiền - Trưởng phòng Giá cước Khuyến mại - Cục Viễn thông cho biết: Đối với tất cả doanh nghiệp, bao giờ cũng có khách hàng tiềm năng, khách hàng chuyên biệt và khách hàng chung. Gói 70 nghìn là gói cơ bản của mức sử dụng chung trên thị trường tại thời điểm này. Mức giá này cũng không khác gì gói cước trả sau như dịch vụ di động. Tại sao các nhà mạng lại có gói cước thuê bao đồng loạt 50 nghìn, điều này cũng tương tự như gói cước 3G 70 nghìn.

Giải thích thêm cho câu hỏi trên, đại diện MobiFone cho rằng, nếu tăng bằng giá thành và không theo lộ trình thì chắc chắn giá gói MIU sẽ cao hơn mức 70.000 đồng. Việc quyết định giá cước 70.000 đồng căn cứ vào lộ trình tăng cước, căn cứ vào thống kê, nghiên cứu thị trường về khả năng chi trả của khách hàng, để đảm bảo ở mức hài hòa nhất.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.