Loại ra khỏi bộ máy những công chức kém năng lực, thoái hóa, biến chất
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ con số 30% cán bộ, công chức (CB-CC) không hoàn thành nhiệm vụ.
Cách đây hơn 10 năm, có một cuộc khảo sát, điều tra của Vụ Công chức và Viên chức thuộc Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), kết quả: Trong bộ máy Nhà nước chỉ có 40% công chức (CC) đủ chuẩn, 40% còn thiếu một vài tiêu chuẩn, còn lại 20% thiếu chuẩn trầm trọng, không thể giao việc.
Chính vì vậy, Chính phủ nhiều lần chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ, cương quyết loại ra khỏi bộ máy Nhà nước những CC yếu năng lực, thoái hóa, biến chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho công dân và doanh nghiệp. Đích thân nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nhiều lần phát biểu kêu gọi cương quyết loại ra khỏi bộ máy Nhà nước những CC thoái hóa, biến chất, tham nhũng...
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh |
Rất dễ thấy, muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế phải phát huy, huy động tất cả nguồn lực đầu tư cho phát triển. Một nỗ lực không kém phần quan trọng có ý nghĩa quyết định là phải tháo gỡ các rào cản cản trở đối với sự phát triển. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi gia nhập WTO và sắp tới tham gia TPP. Một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển lâu nay là những bất cập trong bộ máy hành chính Nhà nước, mà “thủ phạm” trong bộ máy đó không ai khác là các CC kém năng lực, thoái hóa, biến chất, gây phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân, tham nhũng…
Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói, quyết định sự thành bại của cách mạng ngoài đường lối còn có khâu rất quyết định là cán bộ. Chính CC trong bộ máy hành chính xây dựng nên thể chế, thiết kế tổ chức bộ máy và vận hành bộ máy hành chính. “Sai một ly đi một dặm”, CB-CC dù một bộ phận nhỏ làm sai, ta thường ví là con sâu, sẽ đủ sức làm rầu nồi canh, thậm chí có thể làm hư cả nồi canh chung.
Chúng ta hy vọng, với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn dân và với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là một dịp thuận lợi để làm trong sạch đội ngũ CB-CC, loại ra khỏi bộ máy Nhà nước những CC kém năng lực, thoái hóa, biến chất. Tuy nhiên, nếu những ai tâm huyết, theo dõi thường xuyên tình hình thời sự về công tác tổ chức thì còn những điều không khỏi băn khoăn.
Thứ nhất, hô hào lâu nay đã quá nhiều mà tình hình thay đổi quá chậm, thậm chí có chiều hướng đáng lo ngại hơn. Hình như con bệnh tham nhũng đã quá lờn thuốc, có nguy cơ vi rút tham nhũng đã biến chủng mà chưa có thuốc đặc trị.
Thứ hai, phương thức đào tạo CC hiện nay chủ yếu theo chức nghiệp, nhằm vào việc tiêu chuẩn hóa chức danh CB-CC, chứ chưa chú trọng đầy đủ tới những kiến thức và kỹ năng để CC có đủ năng lực thực hiện tốt hơn công việc và nhiệm vụ được giao.
Thực trạng công tác đào tạo còn bất cập đang gây ra tình trạng hụt hẫng về năng lực thực thi công vụ thích ứng với yêu cầu phát triển của đất nước đối với một bộ phận CC; so với yêu cầu, nhiệm vụ nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của đất nước trong tương lai thì sự hẫng hụt này càng trở thành thách thức lớn đối với chính quyền các cấp. Nói cho dễ hiểu, ta chỉ chú ý việc đưa họ đủ tiêu chuẩn ngồi vào “ghế” mà chưa quan tâm đến chuyện họ “ngồi vào ghế rồi phải làm như thế nào”.
Thứ ba, quyết tâm, hô hào không chưa đủ. Lâu nay, chỗ yếu của chúng ta là chưa có kế hoạch tổng thể tổ chức thực hiện dài hơi, khoa học, căn cơ để đủ sức đẩy lùi, ngăn chặn, xóa bỏ các tệ tham nhũng, quan liêu, làm trong sạch bộ máy từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. Mặt khác, dù luật pháp hoàn chỉnh đến đâu đi chăng nữa, nhưng từng tổ chức trong hệ thống chính trị không nghiêm khắc xử lý những cá nhân vi phạm thì luật pháp không có tác dụng.
Nếu hỏi bất kỳ một người có trách nhiệm nào đó câu hỏi: Ở đơn vị đồng chí, để loại ra khỏi cơ quan những CC thoái hóa thì bắt đầu làm những việc gì, tiến hành ra sao, có hy vọng đạt kết quả không…? Chắc chắn chúng ta sẽ nhận được câu trả lời rất chung chung và nhận hàng loạt những kêu ca khó khăn như: Cơ chế, hoàn cảnh, biện pháp, bước đi, quyền hạn, trách nhiệm... được nêu ra.
Bất cập hiện nay là tuy có Luật CB-CC nhưng chưa đề cập đến hành vi công vụ sai phạm đến đâu thì buộc thôi việc. Điều này đã được nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu bức xúc trong diễn văn từ nhiệm trước Quốc hội khóa XI, phiên họp thứ 9”… công tác cán bộ nhiều khi vuột khỏi tầm tay”.
Quả thật là như vậy, cơ quan sử dụng CC hầu như không toàn quyền xử lý sai phạm CC, đặc biệt là khi xử lý hình thức buộc thôi việc… Điều này đưa đến kỷ cương trong nền hành chính không nghiêm, quá lỏng lẻo. Vì vậy, dù có quy chế hoặc luật về hoạt động công vụ nhưng không có phân cấp rành mạch quản lý CC, nhất là không giao toàn quyền cho cơ quan sử dụng CC thì khó đưa quy chế hoặc luật về hoạt động công vụ vào cuộc sống. Vì thế cần khẩn trương xây dựng luật hoặc quy chế cải cách hoạt động công vụ để điều chỉnh hành vi của CC, góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng.
Một nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả là nền hành chính trong đó mỗi CC biết mình phải làm gì, làm như thế nào, quyền hạn tới đâu, chịu sự kiểm tra, giám sát của ai, được hưởng quyền lợi gì và bị xử lý như thế nào nếu không hoàn thành công vụ…
Bên cạnh đó, cần bổ sung chế định sát hạch định kỳ CB-CC, làm cơ sở để đánh giá; đồng thời tăng cường thanh tra công vụ. Có sát hạch, thanh tra nghiêm túc mới có cơ sở để đánh giá, loại bỏ, đề bạt, bổ nhiệm. Cần bãi bỏ quy định biên chế suốt đời, thay vào đó là chế độ hợp đồng linh hoạt đối với CB-CC. Kinh nghiệm các nước và nước ta cho thấy, chế độ biên chế, tuyển dụng suốt đời tạo sự ỷ lại, sức ỳ, trì trệ đối với lực lượng lao động của các cơ quan công quyền.
Còn rất nhiều nguyên nhân, giải pháp nhưng chỉ xin đưa ra một số nguyên nhân và giải pháp, cũng chính là mong muốn từ Chính phủ, các cấp lãnh đạo, chính quyền và cả hệ thống chính trị trên cương vị của mình, trong tổ chức mình sớm đề ra giải pháp khắc phục căn bệnh xuê xoa, không nghiêm khắc, thiếu cương quyết. Có như vậy mới mong quyết tâm làm trong sạch tổ chức trở thành khả thi.
DIỆP VĂN SƠN