Thứ Sáu, 20/12/2013, 12:48 (GMT+7)
.

Tuyển sinh riêng không dễ

Phương thức thi 3 chung cho các kỳ tuyển sinh Cao đẳng, Đại học bên cạnh những ưu điểm cũng có nhiều bất cập. Để có thể tuyển sinh riêng, không phải trường nào cũng đủ kinh nghiệm và năng lực.

Việc công bố Dự thảo quy định về việc tự chủ tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) được lãnh đạo Bộ GD&ĐT xác định chọn là khâu đột phá nhằm tạo chuyển biến cơ bản cách học hiện nay.

Ảnh: Như Lam
Ảnh: Như Lam

Đây là bước đầu tiên hiện thực hóa Điều 34 của Luật Giaó dục đào tạo về trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ cũng như thực hiện lộ trình của Nghị quyết Trung ương 8 khóa 11 về Đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Cuộc cạnh tranh khắc nghiệt

Đánh giá về phương án tuyển sinh 2014, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng-Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GDĐT khu vực phía Nam, cho biết nhiều trường ĐH, đặc biệt là các trường tư thục phía Nam, đã rất háo hức với phương án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong số 17 đề án tuyển sinh riêng các trường đã trình Bộ GD&ĐT xem xét, vẫn chưa có phương án nào đáp ứng các tiêu chí mà bộ đề ra cũng như chưa được xã hội chấp nhận. 

“Tuyển sinh riêng không đơn giản, dễ dàng như nhiều người đang nghĩ”, ông Quốc Anh chia sẻ. “Nếu các cơ sở đào tạo không lựa chọn phương án thi cẩn thận, dù phương án đó được Bộ chấp nhận, nhưng nếu xã hội không chấp nhận thì nguy cơ mất thí sinh, mất nguồn tuyển cũng rất cao và thương hiệu của trường sẽ rớt mạnh”.

Theo phân tích của ông Quốc Anh, các trường ngoài công lập nghĩ rằng sẽ có thêm sinh viên với phương án tuyển sinh riêng nhưng nếu các trường nhóm trên cũng thi riêng, với phương án tốt hơn thì họ sẽ hút hết sinh viên tốt. Và tới năm 2015, khi Bộ GD&ĐT không tổ chức thi 3 chung nữa, lúc ấy các trường sẽ phải “tự thân vận động”. Và thực chất đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng giữa các trường ĐH, CĐ trong việc tổ chức thi cử, thu hút nguồn tuyển.

Nếu sử dụng chung đề với các trường nhóm trên thì các trường nhóm dưới sẽ đối mặt với rủi ro thiếu nguồn tuyển khi Bộ GD&ĐT yêu cầu chốt ngưỡng điểm sàn ngay từ đề án. Còn để tự xây dựng đề án tuyển sinh riêng thì các trường còn gặp khó nhiều hơn với các tiêu chí của Bộ GD&ĐT về nguồn lực thực hiện (cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực…); các yếu tố đảm bảo chất lượng và sự công bằng của phương án; lệ phí tuyển sinh; lộ trình thực hiện đề án...

Vấn đề mấu chốt nhất là xây dựng được đề thi vừa đánh giá hiệu quả, kết quả học tập, năng lực tư duy, kỹ năng vận dụng của thí sinh lại vừa đảm bảo chỉ có trong chương trình học, điều mà ngay cả các trường công lập lớn cũng rất “ngại”. Để ra 1 đề thi ĐH, CĐ, Bộ GĐĐT đã phải huy động những bộ não xuất sắc, tiêu biểu nhất của ngành giáo dục các cấp, nhưng vẫn vấp phải rất nhiều ý kiến chê bai từ nhiều phía.

Đặc biệt khi cách dạy và học thay đổi kéo theo các phương thức tuyển cũng rất phong phú như vấn đáp, trắc nghiệm hoặc xét tuyển thì việc xây dựng đề thi vẫn là một công việc hóc búa đối với tất cả các trường.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo Đại học Bùi Anh Tuấn nhận xét, trong quá trình chuyển giao quyền tự chủ, không phải trường nào cũng đủ kinh nghiệm, điều kiện và năng lực để tuyển sinh riêng.

Lộ trình tất yếu 

Mặc dù đề án phân tầng ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT vẫn đang trong quá trình thực hiện, song thực tế trong xã hội, nhà tuyển dụng, phụ huynh và các thí sinh đã tự phân các trường ĐH, CĐ thành 3 nhóm: Các trường công lập lâu đời; các trường công lập cùng một số ít các trường dân lập như Hồng Bàng, Duy Tân và Thăng Long… và nhóm dưới gồm đa số là các trường dân lập và phần nhiều các trường ĐH vùng.

Với sự phân tầng này các thí sinh sẽ chọn những trường vừa sức mình để thi và như thế những trường nhóm dưới khó có nhiều cơ hội để có nguồn tuyển chất lượng. Rõ ràng, điều này không hề có lợi cho việc xây dựng thương hiệu của các trường, về lâu dài còn đe dọa sự tồn tại của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, đây là lộ trình tất yếu để nâng chất lượng đào tạo ĐH, CĐ theo những mục tiêu đã được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo và Luật Giáo dục đại học. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, có những trường công lập rất mạnh nhưng vẫn lựa chọn kỳ thi 3 chung cho đến tận năm 2015 vì cảm thấy an toàn hơn, cũng như cần thêm thời gian để hoàn chỉnh phương án tuyển sinh riêng tốt nhất.

“Tuy nhiên, việc đổi mới thi cử cũng như trao quyền tự chủ cho các trường ĐH là một lộ trình tất yếu và bắt buộc. Bộ không thể tiếp tục làm thay, tham gia quá sâu vào công tác quản trị của các trường ĐH. Thay vào đó, Bộ chỉ có trách nhiệm xây dựng quy chế, chính sách, thực hiện thanh tra kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các trường”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.