Cảnh giác với rượu trong những ngày Xuân
Hôn mê do ngộ độc rượu. |
Trong các dịp liên hoan, cưới hỏi, lễ, tết, các loại thực phẩm được tiêu thụ rất nhiều như: Rượu bia, bánh kẹo, các loại mứt, thịt gia súc, gia cầm; trong đó rượu là đồ uống không thể thiếu, nhưng ảnh hưởng đến sức khỏe nếu uống vô độ, lại có khả năng gây ngộ độc, rất nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
Uống rượu có một số lợi ích cho sức khỏe nếu dùng đúng cách và đúng liều, nhưng khi lạm dụng thì sẽ nguy hại cho sức khỏe.
Uống rượu vừa phải làm kích thích tiêu hóa, tăng lưu thông khí huyết (hoạt huyết), kích thích hệ thần kinh, nhất là thần kinh trung ương.
Uống rượu cung cấp năng lượng cho cơ thể, tuy nhiên năng lượng này chỉ tăng thân nhiệt (sinh nhiệt), chứ không dùng cho các hoạt động của các tế bào (không bổ dưỡng).
Rượu là chất được hấp thu rất nhanh, 90% qua màng ruột mà không cần tiêu hóa như các thức ăn khác nên tác dụng có ngay chỉ 10 phút sau khi uống và đạt đỉnh cao trong máu chỉ sau 40 - 60 phút. Do rượu được hấp thu qua màng ruột nên uống nhiều sẽ làm màng ruột bị hư, gây thoái hóa, dễ dẫn đến ung thư đường tiêu hóa. Phụ nữ có thai mà nghiện rượu thì con sinh ra sẽ bị chậm phát triển tâm thần, thường bị rối loạn tâm sinh lý, có những biến dạng nhất định ở cơ thể.
Điều đáng bàn nhất là, nước ta hiện có tới 70% rượu bán trên thị trường không qua kiểm duyệt. Có loại rượu không cần tốn công sức, trong đó gạo không cần nấu thành cơm, chỉ cần trộn với loại men không rõ nguồn gốc sẽ nấu ra rượu. “Công thức” này đang được ứng dụng ở nhiều điểm nấu rượu gạo, rượu nếp.
Các mẫu rượu này có độc tố cao gấp hàng chục lần mức cho phép. Chính các loại rượu không có nguồn gốc đang trôi nổi trên thị trường đã gây nên nhiều vụ ngộ độc rượu. Trong hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu ở Việt Nam, chỉ khoảng 10% cơ sở công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Các sản phẩm “ngoài luồng” thường có hàm lượng độc tố aldehyde, methanol... rất cao. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu liên quan đến các ca tử vong cho thấy, hàm lượng methanol vượt quá mức cho phép từ vài chục đến vài trăm lần.
Riêng vụ ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội khiến 6 người tử vong tại Quảng Ninh, hàm lượng methanol trong rượu đều chiếm thể tích từ 80% đến trên 98% (vượt 1.600 đến trên 1.900 lần giới hạn cho phép theo Tiêu chuẩn Việt Nam 7044: 2009). Đề phòng ngộ độc rượu, nên chọn loại rượu có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm và chỉ uống ít (khoảng 30ml).
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, trong khi uống rượu vẫn phải ăn cơm và thức ăn khác nhằm tránh tình trạng cảm lạnh do đói, rét. Quan niệm uống rượu cho ấm người chỉ đúng khi người uống một lượng rượu vừa đủ cho nhu cầu, đang ở nơi ấm, kín gió và mặc đủ ấm, vì thân nhiệt tăng do rượu nhanh nhưng rất chóng tàn. Do vậy, nếu không ăn uống đầy đủ, người uống rượu sẽ cạn năng lượng, bị đói rét, dễ bị cảm lạnh và nguy hiểm đến tính mạng.
Uống rượu là để vui vẻ, hưng phấn, kích thích tiêu hóa, kích thích máu huyết lưu thông trong các bữa tiệc, liên hoan, lễ, tết nếu như sử dụng với số lượng vừa phải và chất lượng rượu đảm bảo; ngược lại, những tác hại do rượu và nguy cơ bệnh tật sẽ là nỗi ám ảnh của người sử dụng nó.
Vì vậy, trong những ngày xuân, mọi người hãy quan tâm đến việc tiết chế trong uống rượu và lựa chọn rượu đảm bảo chất lượng để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng được một cái tết vui vẻ, tiết kiệm, khỏe mạnh và an lành.
BS CKII TRẦN THANH THẢO