Thứ Hai, 13/01/2014, 14:50 (GMT+7)
.

ĐBSCL cần tăng thu hút FDI cho xây dựng hạ tầng

Vùng ĐBSCL thời gian qua đã tranh thủ các nguồn lực, sáng tạo trong thu hút kêu gọi đầu tư với trên 800 dự án còn hiệu lực đến tháng 9-2013, tổng vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế ĐBSCL có sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Kinh tế vẫn phát triển chưa bền vững. Những “gam màu” sáng tối đan xen trong phát triển kinh tế là một trăn trở của ĐBSCL khi bước sang năm mới 2014.

Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Doanh nghiệp là nhà tư vấn cho chính quyền

Tỉnh Đồng Tháp từng được xem là nơi “khuất nẻo” của vùng ĐBSCL bởi vị trí địa lý bất lợi, giao thông khó khăn. Thế nhưng, bằng những nỗ lực không mệt mỏi, địa phương này đã dần cải thiện môi trường đầu tư, để đến năm 2012, vươn lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên cả nước.

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quan điểm “đồng hành cùng nhà đầu tư, xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh” được thực thi một cách thực chất đã mang lại hiệu quả.

“Giá trị cao nhất mà tỉnh nhận được ở các nhà đầu tư chính là tư duy phát triển kinh tế. Chúng tôi xem doanh nghiệp không phải là đối tượng chịu sự quản lý của chính quyền mà xem doanh nghiệp chính là nhà tư vấn cho chính quyền trong phát triển kinh tế”- ông Hoan nhấn mạnh.

Có thể nói, không chỉ ở Đồng Tháp mà ở khu vực ĐBSCL, nhờ thế mạnh lúa gạo, thủy sản cùng công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm phát triển nên xuất khẩu của ĐBSCL trong những năm qua cũng tăng tốc phát triển mạnh.

Năm 2013 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu vùng ĐBSCL đạt khoảng 11 tỷ USD. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (gồm 4 địa phương Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau) chiếm tỷ trọng 36,7%. Bên cạnh đó, ĐBSCL đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào ngành công nghiệp khí, điện như Trung tâm khí - điện - đạm Cà Mau, Trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Cần Thơ, Nhà máy điện Duyên Hải, Trà Vinh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú, Sóc Trăng…

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nhìn tổng thể, kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn phát triển chưa bền vững, yếu tố rủi ro còn cao, chưa tương xứng tiềm năng của vùng.

Theo đó, nông nghiệp có lợi thế lớn nhất nhưng chưa có quy hoạch sản xuất tập trung nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh như vùng lúa chất lượng cao, thủy sản, cây ăn trái; sản xuất, nuôi trồng còn mang tính tự phát, phân tán, nhỏ lẻ; chưa khai thác tốt tiềm năng và đạt hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực, kinh tế mũi nhọn của vùng, chưa tạo được nhiều thương hiệu mạnh; 80% doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tỷ trọng công nghiệp trong GDP của khu vực còn thấp. Thu hút đầu tư chưa nhiều, nhất là đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, cơ sở hạ tầng ĐBSCL đã được đầu tư đáng kể, nhưng vẫn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Cụ thể, công tác quy hoạch sử dụng đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái còn chậm hoặc đã có quy hoạch nhưng chất lượng chưa tốt; chưa khai thác tốt tiềm năng và đạt hiệu quả các mặt hàng nông sản chủ lực.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ nêu rõ: “Cần có chính sách với những doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực mới. Ưu đãi hiện nay về thuế, đất đai hoặc dễ dàng trong chỉ tiêu ô nhiễm môi trường là điều rất có hại. Bây giờ phải chuyển sang giai đoạn quan tâm chỉ số cạnh tranh để phát triển kinh tế. Tức là dựa vào đó để có chiến lược mới để thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm trong giai đoạn mới”.

Cần linh hoạt chính sách thu hút, tăng hiệu quả đầu tư

Để khắc phục nhanh những hạn chế và đưa công tác xúc tiến đầu tư sớm đi vào thực tiễn bằng những dự án cụ thể, hiệu quả, vấn đề đặt ra cho khu vực ĐBSCL hiện nay là cần khẩn trương rà soát quy hoạch, sớm triển khai những dự án đã kêu gọi và được cấp phép đầu tư để tăng tính hiệu quả, tạo bước đột phá.

Bên cạnh đó, việc vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách để kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong khu vực là đòi hỏi đặt ra cho ĐBSCL lúc này. Trong đó, đặc biệt là thu hút đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến, sản xuất nông sản nhằm tăng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu. Song song đó là tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại hội nghị kêu gọi xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL tổ chức mới đây tại Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh một lần nữa đã khẳng định ĐBSCL là vùng đất còn đầy tiềm năng trong phát triển kinh tế. Do vậy, vấn đề mà lãnh đạo Chính phủ quan tâm là các địa phương trong vùng cần chủ động rà soát quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất gắn với thị trường.

Phó Thủ tướng lưu ý: “Phải quy hoạch lại sản xuất, đây là điều rất quan trọng. Trên cơ sở đó lựa chọn những sản phẩm chủ lực để gắn với đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cơ sở về giao thông, thủy lợi, cảng biển, sân bay, tạo môi trường cho các nhà đầu tư. Chính phủ sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút vốn đầu tư trong ngoài nước để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Sẽ có những quy chế để tạo điều kiện liên kết vùng một cách mạnh mẽ”.

Vùng ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản, là một trong những trung tâm năng lượng của cả nước. Tuy nhiên, việc khu vực này có trở thành vùng phát triển năng động về kinh tế, các mặt văn hóa, xã hội để tiến kịp mặt bằng chung của cả nước hay không vẫn còn là những thách thức không chỉ trong năm mới 2014 mà còn của những năm tiếp theo.

Trong đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, huy động sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển là những đòi hỏi bức thiết mà các địa phương vùng ĐBSCL cần nhập cuộc quyết liệt và mạnh mẽ hơn.

(Theo vov.vn)

.
.
.