Đôi điều về văn hóa ứng xử trong gia đình
Trong tất cả những khúc mắc của gia đình, mâu thuẫn già - trẻ được xem là khó tìm tiếng nói chung nhất. Nhà anh Tuấn (ở huyện Cái Bè) chỉ có 1 cái tivi. Tối cuối tuần, ông bà thích xem cải lương, còn cháu lại mê bóng đá. Ông bà đã già, thần kinh không còn tốt, nên cứ vừa xem vừa ngủ gật. Thằng Tý - con anh Tuấn, thấy vậy sốt ruột kêu lên: “Ông bà ngủ gục có xem được gì. Nhường cho Tý xem bóng đá nha!”.
Vừa nói, thằng Tý vừa lấy cái điều khiển từ xa bật qua xem bóng đá. Thằng cháu mải mê xem, chẳng hề để ý đến ông bà đang ngồi nhìn nhau, ái ngại và pha lẫn bực dọc. Ông bảo bà, giọng hơi lẫy: “Thôi đi ngủ, bà!”. Thằng cháu vẫn vô tư ngồi xem ti vi, không hề biết rằng đã làm ông bà buồn. Hôm sau, ông kể lại câu chuyện ấy với bạn bè thì mới hay: Ông chẳng phải là trường hợp ngoại lệ.
Mâu thuẫn thường xảy ra nhất, đó là những phát sinh “ngoài ý muốn” trong cách cư xử với cách sống so đo, tính toán thiệt hơn sẽ dẫn đến nhiều bất hòa. Thúy về làm dâu gia đình ông Minh, ban đầu cảm thấy rất vui vì gia đình có tới 4 thế hệ, nhưng càng về sau Thúy cảm thấy khó khăn, căng thẳng. Nhà ông bà Minh chật chội, kinh tế lại khó khăn, không có điều kiện cho con cái ra riêng. Ông bà nội chồng năm nay đã gần chín mươi tuổi, cách sinh hoạt và ăn uống của ông bà cũng khác.
Cha mẹ chồng đến tuổi nghỉ hưu. Anh lớn của chồng có con nhỏ. Sau chồng Thúy, còn 2 cô em gái đang đi học. Cảnh sống chen chúc, chật chội khó tránh khỏi nảy sinh lời qua tiếng lại, nhất là Thúy luôn bị các cô em chồng soi mói. Thúy đòi ra riêng, nhưng chồng không đồng ý. Ông bà Minh khuyên giải, Thúy bỏ ngoài tai. Sau lần cãi nhau dữ dội với chồng, Thúy đã nặng lời xúc phạm gia đình bên chồng và đòi ly hôn. Thế là cuộc hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ đứng trước nguy cơ tan vỡ.
Ảnh minh họa. Lê Duy |
Thực ra, mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình đa thế hệ thường do những lý do rất vặt vãnh. Do đó trong ứng xử giao tiếp, sinh hoạt cá nhân hàng ngày đều phải hết sức lưu ý. Mỗi thành viên trong gia đình biết quan tâm, tôn trọng lẫn nhau để giữ không khí hòa thuận. Khi xảy ra bất đồng, cần có sự trao đổi với đại gia đình để có sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau.
Nếu anh Tuấn biết giáo dục con, giải thích cặn kẽ tâm lý của người già cho con hiểu thì ông bà đâu phải hờn dỗi. Còn Thúy, giá như có sự chuẩn bị tâm lý này từ sớm, hẳn mối quan hệ giữa cô và nhà chồng không bị sứt mẻ và hạnh phúc của vợ chồng cô diễn ra êm thắm, tốt đẹp.
Không thể phủ nhận những giá trị tinh thần vô cùng to lớn và quý báu mà một gia đình nhiều thế hệ chung sống mang lại cho mỗi thành viên. Những gia đình nhiều thế hệ bao giờ cũng đông anh em, đông con cháu nên không khí ấm cúng luôn tràn ngập. Trong gia đình nhiều thế hệ ấy, những người lớn tuổi: Ông bà, cha mẹ bao giờ cũng như những cuốn từ điển sống với những vốn sống, kinh nghiệm để giáo dục, dạy dỗ con cháu.
* Nhà tôi cạnh nhà ông Chiến, ngoài 60 tuổi, đã ly dị vợ, sống một mình. Trước đây ông nuôi vịt chạy đồng, nhưng sau đó xuất hiện dịch cúm gia cầm nên chuyển sang nuôi cá giống. Gần đây, giá cá giống giảm tệ hại, ông rủ bạn bè, hàng xóm đến nhậu.
Mỗi lần say rượu, ông kiếm chuyện với vợ chồng con trai lớn nhà bên cạnh, xoay quanh chuyện tiền nong, ruộng đất. Con dâu ông cả ngày bán vé số mệt mỏi, chiều về bị cha chồng kiếm chuyện, chị cãi tay đôi với những ngôn từ mà ai đã từng nghe cũng không dám nhắc lại. Ban đầu, hàng xóm còn khuyên giải, nhưng riết rồi xem như đó là “chuyện thường ngay” nên chẳng ai muốn can dự làm gì. Sáng hôm sau mọi người vẫn tỉnh bơ, việc ai nấy làm. Nghĩ cũng lạ!
Ở đây, ngoài yếu tố do trình độ học vấn thấp, thì chuyện thiếu tế nhị, quyết “ăn thua với nhau” đã gây mất đoàn kết trong gia đình.
* Những xung đột phát sinh từ những dẫn chứng nêu trên cho thấy văn hóa ứng xử trong gia đình hiện nay bị chi phối bởi tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường. Vấn đề đặt ra cho mỗi gia đình là làm thế nào để hài hòa mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Ở đây, ông bà, cha mẹ, anh chị có một vị trí rất lớn, họ phải là những tấm gương, tạo ra một môi trường sống đẹp cho con em mình.
Mặt khác, phải làm sao để mỗi thành viên lắng nghe ý kiến đóng góp, để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, tạo sự đồng cảm và niềm tin ở mọi người; sau đó tìm điểm chung để duy trì và phát triển mối quan hệ theo chiều hướng tốt đẹp, từ đó sẽ tránh đi mối bất hòa hay tẻ nhạt trong gia đình.
LÊ QUANG HUY