Thứ Sáu, 17/01/2014, 15:47 (GMT+7)
.

Tiền Giang với nghệ thuật sân khấu cải lương

Không có gì phải nghi ngờ khi nói rằng: “Tiền Giang là cái nôi nghệ thuật sân khấu cải lương”. Bởi một điều giản dị: Tiền Giang là địa phương đáp ứng được những yếu tố để ra đời một kịch chủng mới của dân tộc, có tên là “nghệ thuật sân khấu cải lương”.

Trước hết, Tiền Giang trong những thế kỷ trước là vùng đất hội tụ

Ngay từ cuối thế kỷ XVII, vùng Tiền Giang đã có Mỹ Tho Đại Phố, một chốn đô hội, sầm uất nổi tiếng ở Nam bộ, hình thành từ năm 1679; trong khi đó nhiều vùng đất ở châu thổ sông Cửu Long vẫn còn rất hoang vu, ngay cả Sài Gòn vẫn chưa hình thành đô thị một cách rõ nét. Một vùng đất như thế là điểm đến của giới Nho sĩ, các thương gia và các tầng lớp khác.

Phùng Há, Hoàng Giang, Văn Ngà, Việt Hùng trong vở cải lương Tô Ánh Nguyệt  của Soạn giả Trần Hữu Trang, năm 1958. (Ảnh tư liệu do Nguyễn Mạnh Thắng cung cấp)
Phùng Há, Hoàng Giang, Văn Ngà, Việt Hùng trong vở cải lương Tô Ánh Nguyệt của Soạn giả Trần Hữu Trang, năm 1958. (Ảnh tư liệu do Nguyễn Mạnh Thắng cung cấp)

Ngay từ giữa thế kỷ XVIII, Phạm Đăng Dinh (1717 - 1811) tự hiệu là Huyền Thông đạo nhân, là ông nội của Thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng, ông cố của Thái hậu Từ Dũ đã vào sinh sống tại Gò Công và đây trở thành quê ngoại của các vua triều Nguyễn.

Ở thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã rất coi trọng vùng Định Tường (nay là Tiền Giang), chúng cho xây dựng đường xe lửa sớm nhất Đông Dương, mở trường trung học thuộc hàng sớm của cả nước, trí thức của vùng đồng bằng quy tụ về đây, tạo cho vùng Tiền Giang có nền dân trí cao của châu thổ sông Cửu Long.

Đáng chú ý là, có một người về sau đã tạo một dòng họ nổi tiếng về âm nhạc là Nhạc sĩ Trần Quang Thọ, cố của Giáo sư - Tiến sĩ - Viện sĩ Trần Văn Khê, một nhạc công tài danh của triều đình Huế rời đất kinh kỳ để đi về phương Nam, cuối cùng dừng lại đất Tiền Giang làm thầy dạy đờn, chủ yếu là nhạc lễ được cải biên. Dòng họ ấy, như chúng ta biết, nổi tiếng cả Việt Nam. Một vấn đề quan trọng, chính cách dạy đờn được cải biên từ nhạc lễ ấy đã góp một yếu tố vào việc hình thành nhạc tài tử Nam bộ.

Nhiều trí thức từ những vùng khác nhau cũng đến đất này, trong đó có Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn An Ninh… để tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Năm 1927, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên xã Vĩnh Kim lập gánh Đồng Nữ Ban, do Trần Ngọc Diện làm chủ - một gánh cải lương toàn nữ duy nhất ở nước ta, để cổ vũ lòng yêu nước và gây quỹ cho các tổ chức cách mạng.

Nhà thơ Học Lạc cho rằng, Mỹ Tho chỉ có kém Sài Gòn:
“Trên Sài Gòn dưới Mỹ Tho
 Đâu đâu phong cảnh
                  cũng nhường cho…”.

Tại Mỹ Tho thì “Dắn dõi đua nhau tiếng hát hò”. Còn ở Gò Công, dòng họ Phạm Đăng - một dòng họ khoa cử và những văn nhân như nữ sĩ Manh Manh, Hồ Biểu Chánh… làm cho vùng Gò Công trở thành đất văn vật.

Sự hội tụ nhân tài ấy đã tạo cho Tiền Giang có một văn mạch, khơi nguồn cho những hoạt động văn hóa, làm cho văn hóa của vùng này phát triển và có sự khác biệt, có thể kể đến: Người Tiền Giang đã tạo ra món mắm tôm chà, tạo ra tủ thờ Gò Công, tạo ra các điệu lý như: Lý con sáo, lý đương đệm, lý quy phụng, lý cái phảng, lý cổng chùa, lý dầu dừa, lý cây ổi… để có câu “nhất lý, nhị ngâm, tam nam, tứ oán”, tạo ra các điệu hò như:

Hò cấy Gò Công, hò Cai Lậy, hò bán vàm Mỹ Tho…; tạo ra món hủ tiếu Mỹ Tho và tạo ra cả một làng cầm ca Vĩnh Kim - quê hương của Giáo sư - Tiến sĩ - Viện sĩ Trần Văn Khê. Đó là sự hội tụ để phát triển, đặc biệt là về văn hóa.

Hai là, Tiền Giang cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là nơi giao thoa đậm nhất các nền văn hóa, các luồng văn học

Ở vào vị trí trung chuyển, Tiền Giang là nơi tiếp nhận một cách mạnh mẽ các nền văn hóa. Người Tiền Giang từ vùng Ngũ Quảng vào khẩn hoang, khi đi qua miền Trung dằng dặc, họ tiếp nhận và biến đổi cả nhạc Chăm, là nhạc của một dân tộc đang suy tàn. Tại Tiền Giang, họ lại tiếp nhận văn hóa Khmer, văn hóa Hoa.

Từ thế kỷ XVIII - XIX, văn hóa Hoa len lỏi vào mọi khía cạnh của đời sống do có những thế hệ người Tiền Giang mang 2 dòng máu Việt - Hoa. Vào cuối thế kỷ XIX, văn hóa phương Tây (Pháp) ào ạt đến vùng này. Tuyến xe lửa đầu tiên của Đông Dương, bến tàu Lục tỉnh, rồi Trường college de Mytho, những con kinh xáng, phim ảnh, kịch Tây, sách báo, súp, bánh mì, dăm bông, giày da, hủ tiếu, há cảo, hoành thánh…; mặc xườn xám của người Hoa, cà ry của Ấn Độ; rồi dòng tiểu thuyết lãng mạn giữa thời mất nước… Bởi vậy, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa diễn ra ở đây là “rất dữ dội”. 

Ở Gò Công, tỉnh trưởng Grimald cho biết:  “Một thành phố (nay là TX. Gò Công) của người bản xứ được xây cất hoàn toàn bằng gạch ngói. Có chợ rộng rãi, một chợ cá và một hồ chứa nước uống. Công sở xinh đẹp của thành phố và ngôi đình làng (đình Trung) nổi bật lên giữa một thành phố đông dân và thịnh vượng”. Các điền chủ, các quan lại kéo nhau về các đô thị, tạo cho Gò Công có “phố cổ Gò Công”…

Còn ở Mỹ Tho, Nhà thơ Học Lạc tả: “Phố cất vẽ vời xanh tợ lục/ Đò dong lên xuống trắng như cò”. Châu Văn Tú, chủ rạp cải lương Thầy Năm Tú, người sắm xe hơi đầu tiên của Việt Nam (năm 1907). Rất nhiều nhà có kiến trúc phương Tây mọc lên. Xuất hiện các hạng người với những lối sống rất khác nhau, quan niệm về nghệ thuật, đặc biệt là đờn ca, sân khấu cũng rất khác nhau.

Ba là, sự đòi hỏi phải có hình thức giải trí mới

Đến cuối thế kỷ XIX, sông Tiền rộng vẫn còn tạo sự cách trở lớn đối với cư dân Nam bộ: Ai làm lỡ chuyến đò ngang/ Cho đây với đó đôi đàng biệt ly, thì vùng Tiền Giang ở phía Bắc sông Tiền dễ dàng tiếp nhận văn hóa hơn. Đường bộ, đường xe lửa, đường sông đi Sài Gòn - một trung tâm kinh tế, văn hóa của phía Nam rất thuận tiện.

Nghề đờn ở vùng Vĩnh Kim từ Tiến sĩ Phan Hiển Đạo, Tôn Thọ Tường và  từ Trần Quang Thọ - nhạc công nổi tiếng của triều đình Huế (ông cố của Giáo sư Trần Văn Khê)

truyền dạy nhạc lễ được cải biên, đã làm cho vùng Vĩnh Kim trở nên nổi tiếng (Khúc đờn lưu thủy trôi dòng bích/ Mà giọng kìm tranh điệu Huế còn - Nguyễn Liên Phong, Điếu cổ Hạ kim thi tập) manh nha cho sự hình thành đờn ca tài tử, tách dần ra khỏi nhạc lễ đang thịnh hành.

Giữa lúc văn hóa Pháp đang ở thế thượng phong, kịch Pháp, văn học Pháp rất hiện đại tràn vào khiến hát bội bắt đầu bị nhàm. Vương Hồng Sển la lên: “Hát bội hoài, hát bội mãi, cũng chán tai thét hóa nhàm”. Nhu cầu thay đổi hình thức giải trí, trước hết về âm nhạc đã xuất hiện. Không thể muốn giãi bày tâm sự mà cứ đem nhạc lễ ra xài. Không thể muốn nói chuyện hiện tại của người dân mà đem hát bội toàn chuyện vua, quan Trung Hoa ra diễn.

Người Nam bộ phải tính đến sự cách tân. Nhạc tài tử là một hướng đi đúng đắn, bởi nó kế thừa nhạc lễ, cải biên từ nhạc lễ để hợp với tính cách và tình cảm của đại đa số quần chúng đang trong tình trạng bị mất nước và xa triều đình. Những thầy đờn (nhạc sư) vùng Vĩnh Kim, đặc biệt là Trần Quang Thọ là những người có công đầu.

Bởi lẽ, một số nhạc sư triều đình Huế đi vào Nam theo phong trào Cần Vương thì phải từ năm 1885, sau hàng thập kỷ những nhạc sư vùng Vĩnh Kim. Tuy nhiên, để có nhạc tài tử, nhiều nhạc sư thi nhau tìm tòi, cải biên, sáng tạo để cho ra đời những bài bản. Sự hình thành nhạc tài tử Nam bộ có công lớn của nhóm miền Đông do Ba Đợi làm nhạc trưởng và nhóm miền Tây do Trần Quang Quờn làm nhạc trưởng. Phải đến đầu thế kỷ XX nhạc tài tử mới định hình về bài bản cùng hệ thống nhạc lý.

Bốn là, một kịch chủng mới ra đời

Đờn ca tài tử có tính bác học ở sự khuôn thước ở các bài bản lớn và tính dân gian ở sự sáng tạo không ngừng của nhân dân. Những năm cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, các ban nhạc tài tử ra đời. Đáng lưu ý nhất là Ban nhạc tài tử của Nguyễn Tống Triều. Năm 1906, ban nhạc này được chọn đi trình diễn tại Hội chợ thuộc địa Maseille (Pháp), trong ban có cô Ba Đắc, một giọng ca đặc biệt, cuốn hút người nghe. Khi về nước, tại Minh Tân khách sạn, cô ca kiểu “đối thoại”.

Ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long, khi xem nảy ra ý ca có ra bộ cho hấp dẫn hơn. Năm 1917, thầy Thận (Andre Thận) quyết định dẹp gánh xiếc để lập gánh hát và mời Trương Duy Toản dựng vở. Tuy nhiên gánh thầy Thận bị rã do thiếu kinh phí. Thầy Năm Tú mua lại gánh này, phá bỏ rạp chiếu bóng, xây dựng rạp hát hiện đại (nay là rạp Tiền Giang) theo kiểu nhà hát của Tây.

Ngày 15-3-1918, ông cho khai trương rạp và công diễn vở “Kim Vân Kiều”, vở cải lương đầu tiên tại rạp cải lương đầu tiên của Việt Nam. Thế là, nghệ thuật sân khấu cải lương được chào đời ngày 15-3-1918 tại Tiền Giang.

Sự ra đời sân khấu cải lương - một kịch chủng mới, là cột mốc lớn trong quá trình phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Suy cho cùng, Tiền Giang - một vị trí trung chuyển của châu thổ sông Cửu Long, vùng đất hội tụ nhân tài của nhiều thế kỷ, nơi có sự giao thoa đậm nhất các nền văn hóa, nơi có tầng lớp trí thức đông đảo ở thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, nơi xuất hiện nhiều nghệ sĩ tài danh, nơi có nhu cầu lớn về thay đổi hình thức giải trí âm nhạc và sân khấu, một vùng nông sản dồi dào của châu thổ, có người hằng tâm hằng sản để tạo sân khấu hiện đại vào đầu thế kỷ XX nhằm phục vụ công chúng. Một vùng đất như thế trở thành cái nôi của cải lương cũng là một sự đương nhiên.

Ths. LÊ ÁI SIÊM

.
.
.