Vai trò của gia đình trong việc giáo dục học sinh về ATGT
Học sinh vi phạm ATGT tại ngã tư Lý Thường Kiệt. Ảnh: Như Lam |
An toàn giao thông (ATGT) cho học sinh là một trong những mối quan tâm của nhà trường, gia đình, cũng như toàn xã hội. Để bảo đảm ATGT cho con em mình, gia đình đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục các em.
Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, nhiều bậc phụ huynh chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục cho con em về ATGT; có chăng, chỉ dừng lại ở những lời nhắc nhở mà chưa có động thái nào hướng dẫn cho con em về pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn.
Cá biệt, có một số phụ huynh vì chiều con, đã dễ dãi trong việc cho con sử dụng xe máy khi tham gia giao thông, dù biết con mình chưa đủ tuổi và pháp luật không cho phép. Họ không ý thức được hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với con em mình từ sự nuông chiều này.
Hiện nay, với tình hình kinh tế gia đình được cải thiện, nên ngoài việc dùng xe đạp để đến trường, một số phụ huynh còn mua sắm cho các em xe máy điện, mô tô 50cc, thậm chí còn có cả mô tô 100cc trở lên…, nhưng gia đình không hề có biện pháp quản lý và trang bị những kiến thức cơ bản về ATGT cho con em.
Một số em chở 3, lạng lách, đùa giỡn trên đường phố… nên hình ảnh không mấy đẹp mắt về học sinh vẫn còn nhan nhản, tuy các trường học đã có không ít biện pháp để phòng ngừa và giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho các em.
Một bộ phận cha mẹ học sinh viện quy định có tính pháp lý của Luật Giao thông đường bộ cho phép công dân đủ 16 tuổi được đi xe máy dưới 50 phân khối và đủ 18 tuổi được điều khiển xe trên 50 phân khối, nên vẫn cho phép con em mình đi xe máy và gửi xe bên ngoài cổng trường trước khi vào lớp.
Việc giáo dục ATGT cho học sinh để các em nhận thức, hiểu và có hành động đúng khi tham gia giao thông, ngoài vai trò của nhà trường và xã hội thì trách nhiệm của gia đình cũng rất quan trọng. Có nhiều ý kiến cho rằng, việc học sinh vi phạm ATGT có phần trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục và định hướng cho con cái.
Gia đình là nơi trực tiếp giám sát, quản lý con em và cùng với nhà trường thực hiện các nội dung giáo dục giúp cho trẻ có những định hướng giá trị đúng trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, không có cơ quan, tổ chức, nhà trường nào thực hiện giám sát và quản lý trẻ tốt hơn bằng chính gia đình của các em.
Gia đình như là trường học đầu tiên và cực kỳ quan trọng cho trẻ về việc tham gia giao thông, những kiến thức bé học được từ bố mẹ trong những năm đầu đời sẽ hằn sâu và theo suốt cuộc đời. Việc giáo dục con cái khi tham gia giao thông phải cẩn thận, không chỉ liên quan đến tính mạng và tài sản của bản thân mình, mà còn liên quan đến nhiều người khác. Cho dù sau này các em có học luật giao thông thì những kiến thức giao thông đã “ăn vào máu” từ gia đình truyền đạt trong suốt những năm đầu đời là vô cùng cần thiết.
Khi con ở tuổi trưởng thành, mỗi thành viên trong gia đình cần thường xuyên nhắc nhở con em mình chấp hành nghiêm chỉnh quy định về ATGT. Phải đội nón bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; không chạy xe lạng lách, đánh võng trên đường, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đúng chỗ quy định, khi rẽ hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu cho người ở phía sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã ba, ngã tư.
Cơ quan, đơn vị công tác cũng cần có hình thức xử lý thỏa đáng đối với các bậc cha mẹ là đảng viên, cán bộ, công chức dung túng hoặc tiếp tay cho con cái vi phạm giao thông.
ATGT là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Để kiềm chế, giảm thiểu TNGT hiệu quả, cần làm chuyển biến nhận thức của mỗi người trong việc chấp hành nghiêm luật lệ ATGT. Gia đình cần dành nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc, quản lý con cái; hỗ trợ cùng nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh đảm bảo trật tự ATGT.
LÊ QUANG HUY