Thứ Tư, 12/02/2014, 11:58 (GMT+7)
.

Đôi điều băn khoăn về phương án thi tốt nghiệp THPT sắp tới

Vừa qua, Bộ GD&ĐT dự kiến có một số thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới (trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới). Đại thể, sẽ có 20% học sinh lớp 12 được miễn thi tốt nghiệp THPT, căn cứ vào kết quả học tập, rèn luyện ở 3 năm học THPT; 80% học sinh lớp 12 còn lại sẽ phải dự thi tốt nghiệp. Về thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ chọn 1 trong 2 phương án sau:

Ảnh: Minh Châu
Ảnh minh họa. Ảnh: Minh Châu

Phương án 1:

Thí sinh thi 4 môn gồm:  

    + 2 môn thi bắt buộc: Toán và Ngữ văn;

    + 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.
 Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Dự kiến, bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm và đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Phương án 2:

Thí sinh thi 5 môn gồm:  

    + 3 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ;

    + 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử.

   + Với môn Ngoại ngữ: Thí sinh hệ GDTX và thí sinh hệ THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện học tập sẽ được tự chọn 1 môn thi thay thế trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử sao cho không trùng với 2 môn tự chọn nói trên. 

Nhìn 2 phương án trên, những người trực tiếp giảng dạy ở trường THPT không khỏi băn khoăn, thậm chí là lo lắng. Bởi từ trước tới nay, tư tưởng của phần lớn người dạy và người học trong xã hội ta là học để đi thi: “Thi gì học nấy”, “thi thế nào dạy thế ấy”... Tư tưởng thực dụng, nhất là trong chọn ngành nghề để học ăn khá sâu vào suy nghĩ của phụ huynh và học sinh.

Thực trạng những ngành Khoa học xã hội - nhân văn càng ngày càng ít thí sinh ghi danh dự thi là một thực tế không thể phủ nhận. Rồi những môn học không nằm trong khối thi đại học mà học sinh chọn, các em học cầm chừng, học đối phó cũng đã xảy ra.

Đa số giáo viên dạy những môn Công nghệ, Giáo dục công dân... đã lắc đầu ngao ngán khi học sinh lớp 12 chẳng quan tâm đến môn mình dạy, chỉ chú tâm vào những môn thi tốt nghiệp THPT hoặc thi đại học. Mỗi năm, sau mỗi kỳ thi, có biết bao bài văn “lạ”, bài thi môn Sử sai kiến thức cơ bản đến buồn cười, một phần cũng do lối “học lệch” này mà ra.

Sắp tới đây, nếu học sinh được chủ động chọn 2 môn nữa để thi tốt nghiệp THPT (ngoài 2 môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán) thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn các em sẽ tập trung vào những môn mà mình có thế mạnh, đã chọn để thi.

Ví dụ như em nào xác định mình thi đại học khối A thì sẽ chọn thêm 2 môn Vật lý và Hóa học. Các em chọn từ đầu năm học lớp 12 hoặc có thể từ đầu cấp trung học. Những môn học khác thì các em chỉ học cho có học. Tôi nghĩ rằng, sẽ ít có giáo viên hoặc cán bộ quản lý nào có đủ bản lĩnh để cấm học trò mình dự thi tốt nghiệp THPT bằng cách đánh giá “thẳng tay” những bài thi, bài kiểm tra ở các môn các em học đối phó khi các em không đạt yêu cầu.


Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết 29-NQ/TW) yêu cầu: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh” và “Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học” là tư tưởng chỉ đạo hết sức đúng đắn, nhưng ngành GD&ĐT đề xuất 2 phương án thi tốt nghiệp THPT như đã nêu thì cần phải suy nghĩ lại thật thận trọng.

Phải chăng chưa phải lúc chúng ta áp dụng các phương án này, đợi đến khi xã hội ta giúp cho người đi học có tư tưởng  “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình” thì lúc ấy hãy áp dụng, thậm chí cho bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

NGỌC KHUÊ

.
.
.