Thứ Ba, 11/02/2014, 08:48 (GMT+7)
.

Đờn ca tài tử với người dân Nam Bộ

 GS.TS Trần Văn Khê. Ảnh: VGP
GS.TS Trần Văn Khê. Ảnh: VGP

Đờn ca tài tử là một sinh hoạt văn nghệ do một nhóm nhỏ nghệ sĩ biểu diễn cho một nhóm nhỏ thính giả, không gian ấm cúng của một căn phòng trong tư gia, chớ không phải trong một hội trường lớn, hay trên một sân khấu hoành tráng cho đông đảo thính giả.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì Đờn ca tài tử bắt nguồn từ Ca Huế. Nghệ sĩ đờn ca Huế trong phong trào Cần Vương đã rời miền Trung vào Nam. 

Đôi nét ngọn nguồn

Trên đường đi họ dừng chân ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam. Từ đó tiếng đờn, giọng ca xứ Huế mang thêm chút hương vị xứ Quảng như điệu “Lưu thuỷ thục giang” qua giai đoạn “Lưu thuỷ Quảng” mới trở thành “Lưu thuỷ đoản” miền Nam; “Phú lục Huế” chuyển hơi thành “Phú lục Quảng”, rồi khi vào Nam bài “Phú lục chấn” chỉ còn đôi chút của “Phú lục Huế”.

Tiếng đờn miền Trung khi vào miền Nam không còn giữ nguyên chất mà đã thay đổi rất nhiều, có bài bản còn trùng tên, nhưng giai điệu đã khác xa, điển hình như 2 bài “Nam ai Huế” và “Nam ai miền Nam”.

Quan sát môi trường, con người và nếp sống miền Nam, chúng ta sẽ rõ tại sao bài bản không còn giữ được chuẩn, đó là do người đờn, người ca không muốn giữ nguyên si bài bản như thầy đã dạy mà luôn có đôi nét thêm thắt thay đổi, tô điểm, đưa một chút “ta” vào trong “chúng ta”.

Nam Bộ là một vùng đất đỏ nặng trĩu phù sa, một vùng chằng chịt kinh rạch, sông ngòi, vùng mà trước kia hoang dại “ma thiêng nước độc”, một “nơi nhiều sông rạch bùn lầy, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lầy như bánh canh”.

Những người Việt từ miền Bắc xa xôi, miền Trung kinh kỳ, đến đây lập nghiệp, một vùng đất mới, đồng ruộng phì nhiêu, một vựa lúa, một vườn trái cây, có nhiều sản vật phong phú, đa dạng, nên: “Đến đây thì ở lại đây, trăm năm bám rễ, xanh cây không về”.

Họ là những người năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng tiếp nhập với dân bản xứ, giản dị, cởi mở, hào hiệp, hiếu khách, có một nền dân ca dồi dào, với nhiều câu ca dao trữ tình, câu hò điệu lý duyên dáng, bài vè dí dỏm, một nền nhạc lễ bắt nguồn từ nhạc cung đình miền Trung, giản dị hoá, dân gian hoá, rất độc đáo với “phe Văn, phe Võ”, với tiếng trống “đánh sáng, đánh tối”, “tiếng âm, tiếng dương”, tiếng “bồng” sôi động, bồng hai, bồng ba, bồng thét, “tiền bần hậu phú”, đã tạo nên một không gian văn hoá Nam Bộ đặc thù, phát triển không ngừng đến ngày nay.

Do lòng luôn luôn thương nhớ cội nguồn, nên mặc dầu trong đờn ca tài tử có rất nhiều điệu, nhiều giọng, nhiều hơi, nhưng các các điệu, các hơi diễn tả nỗi u buồn, được người ca và người nghe thích thú, say mê trong diễn tấu, miệt mài trong thưởng thức.

Trong những người theo phong trào Cần Vương vào Nam truyền bá nhạc Huế cho người học nhạc miền Nam, các nghệ nhân còn nhắc lại tên ông Nguyễn Tòng Bá chuyên dạy đờn nguyệt (kìm) và đờn tranh; ông Nguyễn Liên Phong dạy đờn độc huyền (bầu); ông Trần Quang Thọ dạy đờn tỳ bà.

Ông Nguyễn Quang Đại, người tỉnh Quảng Nam (con thứ ba trong gia đình nên người dân Nam bộ thường gọi là ông Ba Đại hoặc Ba Đợi), đến vùng Chợ Đào tỉnh Long An mở lớp dạy đờn ca. Từ đó, lối đờn ca nghiêm trang của nhạc thính phòng và cung đình Huế đã được nhiều người trong Nam học hỏi và đã trở nên gần gũi với dân chúng hơn.

Ảnh: Như Lam
Ảnh: Như Lam

Cùng một lúc với nền ca nhạc từ Huế đi vào người nhạc sĩ miền Nam còn tiếp cận với nhạc lễ theo phe Văn (gồm 4 cây đờn cò lên dây khác nhau) hình thành nên bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ngày nay.

Phần đông khi nhắc đến Đờn tài tử thì cho rằng lối nhạc đó không sâu sắc chuyên nghiệp mà mang tính cách giản dị của dân gian hay “a ma tơ” (theo chữ Pháp “amateur”) của những người nghiệp dư. Thực ra “tài tử” có nghĩa là người có tài (dập dìu tài tử giai nhân - Truyện Kiều).

Người đàn tài tử không dùng tài nghệ của mình làm kế sinh nhai. Khi nào thích đàn thì họp nhau tại nhà một người trong làng rồi cùng nhau đàn chơi, ai biết đàn ca cũng có thể tham gia được, có thể đờn ca suốt đêm không chán.

Nhưng khi không thích đờn thì dầu cho có ai đem tiền muôn bạc vạn đến bảo đờn rồi thưởng thì các nghệ nhân tài tử cùng nhứt định không đờn. Tuy không phải nhà nghề nhưng trình độ nghệ thuật của nghệ nhân tài tử không thấp. Họ thường tập luyện rất công phu, phải theo thầy học từ chữ nhấn, chữ chuyền, rao sao cho mùi, sắp chữ sao cho đẹp và tạo cho mình một phong cách riêng. Muốn trở thành người đàn tài tử đúng nghĩa phải trải qua thời gian tập luyện khá công phu...

Nghệ thuật đặc sắc

Theo quy luật, trong nghệ thuật Đờn ca tài tử không viết thành văn bản nhưng những người điệu nghệ đều biết rõ và tuân thủ rất nghiêm túc.

Trong Đờn ca tài tử, tiếng đờn quan trọng hơn cả tiếng ca, khác với trong nghệ thuật ca trù, ca Huế thì người ca nương là chánh, tiếng đờn là phụ.

Dàn đờn gồm có đờn kìm (nguyệt) giữ tiếng đờn chân phương và cho nghe âm thanh trầm ấm trong nhà nghề gọi là tiếng “Thổ”; đờn tranh nhờ dây sắt có tiếng đàn lánh lót nên phát thành tiếng “Kim”; đờn cò có cung kéo vuốt ve thành tiếng dịu ngọt; đờn độc huyền (bầu) nỉ non như xoáy vào tim; sau năm 1930 có thêm guitar phím lõm, tuy là một nhạc khí gốc từ Tây Ban Nha nhưng nhờ người Việt khoét cần giữa 2 phím để người đờn có thể nhấn - rung thể hiện được tất cả cách tô điểm nhạc truyền thống Việt Nam.

Có thể đờn 1 cây gọi là độc tấu, thường thì song tấu đờn kìm và đờn tranh và thêm cây đờn cò gọi là tam tấu. Nếu dàn nhạc có 4-5 cây thường gọi là tứ tuyệt, ngũ tuyệt.

Ngôn ngữ âm nhạc của Đờn ca tài tử rất tinh vi, mỗi chữ nhạc không có độ cao tuyệt đối hay độ cao tương đối cố định nhưng tuỳ theo điệu thức hoặc kỹ thuật đờn mà có một cao độ khác nhau: tiếng đờn non là cao độ thấp một chút, tiếng đờn già là cao độ cao một chút, không cố định là một quãng tám hay quãng tư, độ cao thấp do thầy dạy và học trò làm theo. Nếu nhấn quá cao hay quá thấp thì bị lạc hơi.

Muốn diễn tả tình cảm, Đờn ca tài tử có nhiều điệu thức khác nhau, trong giới nhà nghề thường gọi là “Hơi”: Hơi Bắc vui tươi khi đờn phải mổ các chữ hò xang xê liu và rung hai chữ xự cống ; hơi Quảng nhộn nhịp như hơi nhạc Quảng Đông thì đờn hò xang xê liu phải rung và xự cống phải mổ; hơi “Xuân” thanh thản thì phải nhấn đặc biệt chữ xang, vuốt lên xê rồi trở lại xang; hơi “Ai” buồn nên rung chữ xang trước rồi nhấn nhẹ lên xê mà không trở lại xang.

Chỉ nói sơ qua như thế các bạn đã thấy rằng muốn đờn tài tử cho đúng điệu phải biết nhấn chữ xang theo 4 cách khác nhau đó.

Cách đờn của Đờn ca tài tử cũng rất đặc sắc. Trước khi vào bản thuộc hơi nào, nhạc công Đờn ca tài tử luôn có câu “rao” theo hơi đó. Câu “rao” theo truyền thống miền Nam khác hẳn với những bài “dạo” của miền Trung, những bài “Dạo khách, Dạo nam” có một nét nhạc cố định, học trò học rồi mỗi lần trước khi vào bài thì đờn những câu dạo theo thầy dạy mà không thay đổi.

Câu “rao” miền Nam phóng túng hơn nhiều. Mỗi người thầy có một cách rao, lúc đầu dạy học trò, thì học trò đờn theo thầy, nhưng khi học trò đến một mức nghệ thuật tương đối khá cao, thầy cho phép học trò tạo những câu rao đặc biệt cho mình.

Người đờn khi bắt đầu rao, một mặt dẫn người thính giả đi lần vào điệu, vào hơi để nghe bản đờn. Đồng thời khi rao cũng là lúc thử cây đàn có phím nào chênh lệch hay không, dây đàn cứng quá hay mềm quá không, để lúc biểu diễn nhờ chữ nhấn mà làm cho tiếng nhạc hoàn chỉnh hơn. Giống như người kỵ mã trước khi cỡi ngựa biểu diễn cần phải biết chứng con ngựa mình đang cỡi.

Câu rao thể hiện được bản chất của người đờn. Khi hòa đờn chung không bao giờ đờn cùng một bản, mỗi nhạc khí có một cách sắp chữ riêng, trong khi biểu diễn tất cả nhạc công đều biết cách phối khí tập thể tại chỗ, lại có những đoạn ngẫu hứng, sáng tạo trong lúc biểu diễn. Nhờ vậy, một bản đờn không bao giờ làm nhàm chán người nghe vì được biến hoá thiên hình vạn trạng. Trong Đờn tài tử có một nguyên tắc thẩm mỹ “học chân phương - đờn hoa lá”.

Đối với người dân Nam Bộ, Đờn tài tử là một thú tiêu khiển, đem cái vui cho mình và cho người chung quanh, có thể đờn chơi một mình và chừng đó tiếng đờn như một người bạn chí thân, lúc buồn cũng có thể trút vào tiếng đờn để nỗi buồn vơi đi, khi vui thì tìm bạn hoà đờn, chơi vài bản, trong lúc đờn cũng có cách phá với nhau cho vui để xem người bạn mình có chắc nhịp hay không.

Đờn ca tài tử thường được dùng trong các lễ hội hoặc tiệc cưới, ngày nay trong những đám tang thường có những dàn nhạc Đờn ca tài tử phụ lực với phe Văn của dàn nhạc lễ để làm nhẹ bớt không khí buồn thảm của tang gia.

Ở miền Nam, từ công chức đến những người lao động, thợ hớt tóc, anh chèo đò… đều có thể trở thành những người sành điệu Đờn ca tài tử và khi vào chung một dàn nhạc thì người nào đờn hay được tôn trọng nhứt, cách xử sự giữa những người cùng đàn rất dân chủ.

Trong các bộ môn âm nhạc truyền thống, Đờn ca tài tử được nhiều người ưa thích và tham gia nhứt.

(Theo vov.vn)

.
.
.