Giá sữa có kiểm soát được không?
Ngày 12-2, qua khảo sát tại một số đại lý, cửa hàng kinh doanh sữa trên địa bàn TP. Mỹ Tho thì được biết các hãng sữa đã gửi thông báo tăng giá thêm khoảng 7% cho các sản phẩm từ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2014. Chủ một cửa hàng kinh doanh sữa trên đường Nguyễn Trãi, TP. Mỹ Tho cho biết, các dòng sữa Similac, Pedia sure, Enfa... tăng quanh mức 5-7%, áp dụng cho tất cả các sản phẩm sữa, bao gồm cả sản phẩm sữa dành cho trẻ em lẫn người lớn, sữa chua...
Khách hàng chọn mua sữa tại Co.op Mart Mỹ Tho. |
Cụ thể giá một số loại sữa trên thị trường hiện nay như: Enfa Grow A+ số 3, loại hộp 900g có giá 458.000 đồng, thay vì mức giá trước đây là 420.000 đồng (tăng 9%). Sữa Enfa Mama A+, hộp 400g, tăng lên 235.000 đồng/hộp thay vì 200.000 đồng/hộp như trước đây (tăng 17%). Sữa Ensure Gold (loại hộp 900g) dành cho người lớn, trước đây có giá bán là 640.000 đồng/hộp, hiện giá là 660.000 đồng/hộp (tăng 3%).
Nhãn sữa Nestle tăng giá bán nhiều mặt hàng như: Sữa bột Lactogen Gold 3 loại hộp 900g dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, tăng từ 285.200 đồng lên 305.600 đồng (tăng 7,1%); Lactogen 1 loại hộp 400g, tăng từ 94.000 đồng lên 102.800 đồng (tăng 9,3%)... Như vậy, tính từ đầu năm 2014 đến nay, sữa đã tăng giá 2 lần liên tiếp. Trước đó vào ngày 1-1-2014 giá nhiều dòng sản phẩm sữa bột nhập khẩu của hãng Mead Johnson và Abbott đã tăng thêm 4-7%.
Theo các đại lý, cửa hàng kinh doanh sữa trên địa bàn TP. Mỹ Tho thì lý do tăng giá được các hãng sữa đưa ra là do giá nguyên liệu đầu vào tăng, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, nguyên liệu bột sữa thế giới tăng, chi phí tăng... Như vậy, nhiều thương hiệu sữa lớn đã đồng loạt tăng giá bán sản phẩm lần này là đã bất chấp “lệnh” bình ổn đã được Bộ Tài chính ban hành trước đó.
Cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa tại địa phương có biện pháp tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, giảm giá bán các sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi; đồng thời yêu cầu các đơn vị trên chủ trì, phối hợp với cơ quan thuế, hải quan và cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo quy định hiện hành đối với mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay việc quản lý giá sữa, đưa sữa vào danh sách mặt hàng bình ổn giá được quy định tại Thông tư 30 của Bộ Y tế, mà thông tư này thì chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Doanh nghiệp dễ dàng “lách” bằng cách kê khai giá cao ngay từ đầu và điều chỉnh giá bán, miễn là mức tăng mỗi lần thấp hơn quy định.
Chuyện minh bạch nguồn bột sữa cũng chưa ai quản lý, khi có đến 80% nguyên liệu nhập khẩu là sữa bột. Chưa kể Luật Giá hiện đang cho phép các doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15-20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp sữa vẫn thoải mái tăng giá vài lần trong năm, thậm chí 1 tháng tăng 2 lần mà vẫn không sai luật.
Một nghịch lý nữa là hiện Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp nhập khẩu sữa nguyên liệu và thành phẩm. Lẽ thông thường, trong môi trường cạnh tranh này, các hãng sữa phải hạ giá để thu hút người tiêu dùng, song ngược lại, giá sữa tại Việt Nam chỉ tăng chứ chưa khi nào giảm, dù đây là mặt hàng thuộc danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá. Điều này lại một lần nữa cho thấy, giá sữa đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý.
Trong khi đó, người tiêu dùng thì luôn ở thế bị động, bởi dù giá sữa có tăng đến đâu thì vẫn phải mua vì sữa được xem là một trong những thực phẩm thiết yếu cho sự phát triển của trẻ em. Như lời tâm sự của chị Thu Hương, một giáo viên đang nuôi con nhỏ ở phường 5 (TP. Mỹ Tho): “Con tôi là trẻ em còn nhỏ không thể không uống sữa được. Trong khi đó, giá sữa cứ tăng, dù có xót tiền nhưng xót con nhiều hơn nên không có cách nào khác là vẫn phải “nghiến răng” chạy theo giá sữa, để có sữa cho con dùng...”.
PHƯƠNG NGHI