Thứ Năm, 06/02/2014, 08:28 (GMT+7)
.

Giải pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo

 TS Nguyễn Tùng Lâm – Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: VA
TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh: VA

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, giáo dục Việt Nam đã bị bệnh thành tích chi phối quá lâu ở tất cả các ngành học, cấp học. Nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng, thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục bền vững và phổ quát...

TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay, giáo dục Việt Nam chỉ đo kết quả học tập của học sinh bằng kết quả phần trăm lên lớp, xếp loại học lực và hạnh kiểm, không có tổ chức kiểm định chất lượng để đánh giá một cách khách quan, khoa học về tất cả quá trình giáo dục trong mỗi nhà trường…

Như vậy đã từ lâu yếu tố quản lý, yếu tố đội ngũ nhà giáo trong mỗi nhà trường không được xem xét, đánh giá một cách khoa học, khách quan. Người dạy tốt chủ động sáng tạo cũng giống như người năng lực kém tinh thần trách nhiệm không cao.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, chưa có điều tra khoa học nào về tiêu chuẩn phát triển nghề nghiệp cho toàn thể đội ngũ nhà giáo ở tất cả các ngành học, cấp học. Tuy vậy, bằng thực tế quản lý của các trường học phổ thông có thể phân loại đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy ở các trường phổ thông thành 4 loại như sau:

Loại 1, những nhà giáo giỏi chuyên môn có năng lực sư phạm luôn chủ động sáng tạo, say mê yêu nghề, trong điều kiện nào họ đều là người đi đầu kiên trì đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy luôn lôi cuốn khích lệ học sinh. Họ luôn là những nhà giáo mẫu mực, thực hiện lời dạy chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Loại 2: Những nhà giáo có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không tự giác, không say mê với nghề như loại 1. Họ có thể làm tốt tùy hoàn cảnh không thường xuyên.

Loại 3 là những thầy cô giáo năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm còn có nhiều hạn chế nhưng về mặt ý thức họ là người nghiêm túc cố gắng làm hết sức mình nhưng kết quả giảng dạy, giáo dục đều không đạt đến điều mong muốn, không thể đáp ứng nổi yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để giáo dục” hiện nay.

Loại 4 là thầy cô giáo có hạn chế cả về năng lực lẫn phẩm chất hoặc có năng lực nhưng phẩm chất kém. Tham gia tạo ra những tiêu cực cho ngành nhiều hơn là đóng góp tích cực. Loại nhà giáo này tuy không nhiều trong mỗi nhà trường nhưng phải sớm được thanh lọc khỏi các nhà trường.

TS Tùng Lâm giải thích, nếu loại 1 và 2 chỉ chiếm số ít trong các nhà trường, loại 3 là loại chiếm số đông ở các nhà trường. Nên 4 loại nhà giáo trong các nhà trường hiện nay, để thấy ngành giáo dục đào tạo phải sớm có cơ chế chính sách khích lệ, quản lý thế nào để loại 2 nhanh chóng thành loại 1 và phải tổ chức đào tạo lại, trang bị lại kiến thức, phương pháp cho số đông nhà giáo ở loại 3. Chúng ta mới có thể thực hiện yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để” mới tạo chất lượng bền vững cho giáo dục Việt Nam.

Nêu giải pháp, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, bản thân mỗi nhà giáo, các bộ phận quản lý giáo dục phải coi công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung nguồn nhân lực để giải quyết căn bản, toàn diện, trong vòng 3 đến 5 năm tới cho 100% đội ngũ nhà giáo, nếu không làm nổi điều này coi như chưa thể có chất lượng giáo dục như mong muốn.

Để tránh tình trạng bồi dưỡng nhưng không có hiệu quả như lâu nay ngành Giáo dục đào tạo vẫn làm chỉ là bồi dưỡng nhận thức chứ không phải bồi dưỡng tay nghề, nghiệp vụ. Về lý luận chúng ta phải nhờ các chuyên gia, những người nghiên cứu sâu về các lĩnh vực nhưng về tay nghề thì chỉ có người có tay nghề giỏi mời làm mẫu, mới dẫn dắt những người khác cùng làm với mình.

Nói một cách khác bồi dưỡng tay nghề phải gắn với thực tiễn họ đang giảng dạy và phải tuyển chọn người dạy từ chính những người có tay nghề giỏi. Về quan niệm bồi dưỡng tay nghề cho giáo viên khác với bồi dưỡng nâng cao nhận thức; tức là sau khi được bồi dưỡng nâng cao nhận thức và được thực hành tay nghề, sau đó giáo viên phải tự nâng cao tay nghề bằng việc tự trải nghiệm một số thời gian nhất định trên lớp, khi nào giáo viên đủ tự tin, tự khẳng định mới mời người đến kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ Giáo viên đạt “trình độ thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy”.

Cách bồi dưỡng tay nghề dứt điểm, cuốn chiếu ở mỗi trường học cần nhiều người hướng dẫn, đánh giá. Do đó quan điểm xây dựng một đội ngũ nhà giáo cốt cán cho công việc nâng cao tay nghề giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang thử nghiệm là một quan niệm hết sức hiện đại và thực tế, chắc chắn khác hẳn với cách bồi dưỡng đồng loạt theo kiểu chỉ “tung ra” còn không biết người học tiếp nhận được bao nhiêu, chuyển biến thế nào là cách làm tốn kém, không hiệu quả đã đến lúc phải chấm dứt hoàn toàn.

Cách bồi dưỡng đến đâu cấp chứng chỉ đến đó sẽ dần dần tuyển chọn được đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có nghiệp vụ, có tay nghề và làm việc chuyên nghiệp hơn. Giáo viên nào nhiều lần không lấy nổi chứng chỉ phải chuyển ngành.

Để đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện nay về tay nghề, nghiệp vụ sư phạm theo đúng yêu cầu đổi mới giáo dục không thể chỉ giao khoán cho các trường Sư phạm làm được mà phải để các Sở Giáo dục đào tạo các tỉnh, thành chủ động hoặc kết hợp với các trường sư phạm để giải quyết. Do đó chúng tôi đề cập phải khôi phục lại các trung tâm hoặc trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục cũ ở các tỉnh, thành.

Trung tâm hoặc trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục của các tỉnh, thành thuộc sự quản lý, điều hành của Ban Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành và thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ của ngành. Trung tâm bồi dưỡng tay nghề giáo viên các tỉnh, thành làm nhiệm vụ tuyển chọn, bồi dưỡng giáo viên giỏi nòng cốt và tổ chức hoạt động bồi dưỡng giáo viên cho các ngành học: mầm non, tiểu học, THCS, THPT, dạy nghề và giáo dục thường xuyên.

Việc bồi dưỡng tay nghề của giáo viên các ngành học mầm non, tiểu học, THCS từng quận, huyện là do các trung tâm bồi dưỡng giáo viên quận, huyện thuộc phòng giáo dục quận, huyện quản lý. Phòng giáo dục quận, huyện chỉ cử người chuyên trách theo dõi và chỉ đạo. Còn các trung tâm quận, huyện theo các ngành học: mầm non, tiểu học, THCS sẽ đặt tại 3 trường tiên tiến có cơ cở vật chất tốt, có các cán bộ quản lý giỏi và có đội ngũ giáo viên đủ mạnh (nhiều giáo viên cốt cán).

Bên cạnh đó, để phù hợp chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo có chất lượng từ ngay khi được đào tạo trong các trường sư phạm, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần chỉ đạo và tạo điều kiện cho các trường sư phạm làm sao có cơ chế hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, hiện nay nhiều trường sư phạm của nhiều tỉnh đã trở thành trường đa ngành và sư phạm chỉ là ngành phụ, phải chăng chỉ nên tập trung vào một số trường sư phạm đủ mạnh, không nhất thiết phải tỉnh nào cũng có đủ trường cao đẳng sư phạm.

Đặc biệt bố trí thời gian thực tập quá ít (3 tháng) phải để sinh viên sư phạm thực tập ở các trường phổ thông cả học kỳ, hay năm học và phải sử dụng ổn định những giáo viên giỏi phổ thông hướng dẫn chỉ đạo sinh viên chỉ được đưa về những trường có giáo viên có năng lực, trình độ tay nghề hướng dẫn để đảm bảo sinh viên ra trường phải có năng lực tay nghề vững vàng mới tạo ra chất lượng giáo dục bền vững hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện triệt để giáo dục phổ thông.

TS Nguyễn Tùng Lâm nêu ý kiến, chúng ta phải đặt chỉ tiêu ngay từ năm 2015 các trường sư phạm phải được đổi mới đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực giáo viên cho các nhà trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn ngay từ trường sư phạm, giáo viên không đạt chuẩn phải được đào tạo lại hoặc chuyển ngành.

Không để sinh viên yếu kém ra trường. Các trường phổ thông phải tiến hành ngay công tác bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp của nhà giáo ở các ngành học, cấp học thì việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI mới thành hiện thực, mới thật sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.