Thứ Năm, 20/02/2014, 09:02 (GMT+7)
.

GS Văn Như Cương nói về đổi mới kỳ thi tốt nghiệp

Giáo sư  Văn Như Cương.
Giáo sư Văn Như Cương.

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng những đổi mới trong phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của Bộ GDĐT có thể áp dụng ngay, nhưng về lâu dài cần hướng đến phương án "Một kỳ thi, một bài thi".

Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về những đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của Bộ GDĐT?

GS Văn Như Cương: Việc Bộ giảm số môn thi từ 6 môn xuống còn 4 môn sẽ bớt áp lực cho học sinh, gọn nhẹ cho công việc tổ chức, đồng thời phát huy được tính tự chọn có định hướng rõ ràng của các em học sinh hơn, và như thế tôi cho là ổn.

Tôi thích phương án thi 2 môn bắt buộc (toán, văn) và cho học sinh tự chọn 2 môn trong nhóm các môn sử, địa, lý, hóa, sinh, ngoại ngữ. 

Mặc dù có  một vài vấn đề lo ngại về học lệch nhưng cá nhân tôi thấy rằng trong năm nay, có thể áp dụng được ngay trong kỳ thi tốt nghiệp theo phương án mới mà Bộ  đưa ra (với điều kiện đưa ngoại ngữ vào các môn tự chọn).

Chỉ có điều tôi băn khoăn chuyện tổ chức thi sẽ như thế nào để tránh chồng chéo giữa các môn thi.  

Vậy theo Giáo sư, phương án này có thể áp dụng được về lâu dài hay không?

GS Văn Như Cương: Về lâu dài, theo tôi nên áp dụng phương án thi tốt nghiệp THPT của Mỹ (SAT1). Đó là một bài thi tổng hợp bao gồm tất cả các môn học trong chương trình. Trong đó, từng môn toán, văn, mỹ thuật, lịch sử sẽ có số lượng câu cụ thể. Và họ quy định đạt bao nhiêu điểm thì đỗ tốt nghiệp. Nếu làm như vậy, việc thi tốt nghiệp sẽ không còn quá nặng nề và khó khăn.

Còn các trường ĐH thì có thể tuyển sinh dựa trên kết quả của bài thi tốt nghiệp đó, ví dụ trường nào nặng về toán thì yêu cầu thí sinh phải có số điểm toán ở  mức nào, nặng về văn thì yêu cầu mức điểm văn là bao nhiêu. Những trường có những môn năng khiếu như các trường nghệ thuật hoặc thể thao thì có thể lấy một kết quả trung bình và yêu cầu thi riêng thêm các môn năng khiếu.  

Xin hỏi Giáo sư một vấn đề khác. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cho phép học sinh chọn môn thi, các em sẽ chỉ học và thi những môn để vào đại học và như vậy sẽ  gây ra tình trạng học lệch. Điều này đang đi ngược lại với chủ trương đào tạo con người toàn diện của chúng ta, Giáo sư nghĩ sao?

GS Văn Như Cương: Chúng ta luôn phấn đấu đào tạo con người phát triển toàn diện về văn, trí, đức, thể, mỹ. Tuy nhiên, theo tôi, toàn diện cũng có bất cập, đó là cái gì cũng học đồng đều, cái gì cũng biết nhưng cái gì cũng chỉ... nắm lơ mơ. Kiến thức cơ bản toàn diện đó là dành cho cấp tiểu học và THCS, còn cấp THPT thì cần đẩy mạnh phân luồng và phân hóa thật mạnh.

Việc nghiên cứu chuyên ngành sâu đó là nhiệm vụ của đào tạo đại học. Đặt ra nhiệm vụ cho cấp THPT vừa phải trang bị kiến thức tổng hợp, cơ bản, vừa bước đầu nghiên cứu học chuyên sâu là không tưởng, không hiệu quả và không hợp lý.

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Hơn thế nữa, việc đào tạo toàn diện cũng cần phải dựa trên điều kiện cơ sở vật chất và sự phát triển về nhận thức của xã hội. Tôi được biết, chi phí đào tạo 1 sinh viên đại học ở Việt Nam hiện chỉ hơn 200 USD/năm, trong khi đó ở nước ngoài là 1.100 USD/năm. Chúng ta còn nghèo, nền kinh tế chúng ta đang cần nhiều "thợ" hơn "thầy", nên rất cần "liệu cơm gắp mắm" để không lãng phí tiền của, nguồn lực.

Cũng trong quá trình này, chúng ta rất cần những con người có chuyên môn thật sâu, như các cụ đã nói  “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Vì biết 1 nghề thật sâu, thật tốt thì mình vừa đóng góp cho xã hội vừa làm giàu cho chính bản thân mình. Cái đó tốt  hơn rất nhiều so với việc cái gì anh cũng biết nhưng không làm được gì ra tấm ra món cả.

Trong điều kiện hoàn cảnh hiện tại của đất nước, có lẽ chúng ta cũng cần chấp nhận học lệch để thực sự có nguồn nhân lực chuyên môn sâu. Việc đào tạo con người toàn diện theo tôi là cả quá trình lâu dài, bao gồm chính nỗ lực tự hoàn thiện bản thân của cá nhân đó.

Ngoài ra, tôi cho rằng cách học những cái mình cần, học những môn theo khả năng cá nhân, rồi học bằng thảo luận, thuyết trình mới là đúng mà không học theo sách vở một cách khô khan.

Còn học chuyên ngành thì phải tra cứu sách vở thì đó là câu chuyện khác. Chẳng hạn, một người học văn, sử thì cũng chỉ cần học các bài toán một cách nhẹ nhàng thôi. Không cần phải bắt mẹo mực thế này, phương trình bậc này, bậc kia có tham số m, lập Delta bao nhiêu có tham số m, rồi bất đẳng thức này, bất đẳng thức kia. 

Do đó, nếu các em học sinh đã lựa chọn hướng đi, ngành học của mình thì ta hãy tạo điều kiện để các em được đi theo một cách chuyên sâu nhằm phát huy tối đa năng lực, sở thích của mình. Đừng bắt một người có khả năng làm văn lại phải đau đầu khi giải phương trình Logarit vì nó không ích lợi gì cho chính bản thân họ và cho đất nước. Tôi nghĩ vậy!

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.