Thứ Ba, 11/02/2014, 09:37 (GMT+7)
.

Hiền tài, nhân tài - Chìa khóa vàng để phát triển bền vững

TS. Hồ Văn Hoành. Ảnh VGP
TS. Hồ Văn Hoành. Ảnh VGP

Trên thế giới tài nguyên ngày càng cạn kiệt, còn tri thức và sức sáng tạo của con người là vô hạn. Tri thức là vốn quý nhất của nền kinh tế tri thức, tri thức là sản phẩm trí tuệ của con người. Chính vì vậy hiền tài, nhân tài và lao động trí thức đã trở thành một lực lượng sản xuất mới, giữ vai trò quyết định hơn cả vốn và tài nguyên.

Quốc gia nào có nhiều nhân tài, hiền tài, lao động tri thức và nguồn nhân lực phát triển thì quốc gia đó sẽ có tốc độ phát triển nhanh và có đủ khả năng xử lý các nguồn thông tin cho đất nước mình và chiến thắng trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cho đến nay, nhiều học giả và người dân nước ta có các quan điểm khác nhau về nhân tài, hiền tài. Có người cho rằng nhân tài, người tài, hiền tài có nội hàm giống nhau và có cùng một khái niệm, họ là những người xuất chúng, có học vị và bằng cấp cao.

Có người đặt ra câu hỏi: Tại sao Tiến sĩ Thân Nhân Trung năm 1442 ở văn bia Quốc Tử Giám đã ghi: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” mà không ghi “nhân tài là nguyên khí quốc gia”? Vậy nhân tài và hiền tài có gì khác nhau?

Trong xã hội nước ta từ xa xưa, người dân thường nhận xét “người tài hay có tật” hay “lắm tài nhiều tật”, họ có tật mà tại sao cộng đồng vẫn công nhận họ là người tài?

Theo quan điểm của tôi, ở nước ta hiện nay, đại diện cho lực lượng ưu tú trong xã hội là Người tài và Hiền tài; còn Nhân tài vốn là thuật ngữ Hán - Việt, NHÂN là NGƯỜI, có nghĩa là Nhân tài đồng nghĩa với Người tài. Vì vậy, khẳng định rằng ở nước ta chỉ có 2 khái niệm nhân tài (người tài) và hiền tài.

Về tiêu chí đối với Người tài (Nhân tài): Điều kiện tiên quyết đối với họ là phải có lòng yêu Tổ quốc, dân tộc, có tính sáng tạo, có đóng góp xứng đáng, có kết quả cụ thể được cộng đồng công nhận và suy tôn. Họ có tài năng thực sự trong một lĩnh vực nào đó có thể là khoa học công nghệ, kinh tế, kinh doanh, quân sự, chính trị, giáo dục, y học, nghệ thuật, thể thao…

Họ xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp trong xã hội, có bằng cấp hay không có bằng cấp, họ xuất thân từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến hải đảo, từ Trung ương đến địa phương.

Trong số Người tài có thể có những người có những cá tính đặc biệt, có những khiếm khuyết trong quan hệ gia đình, bạn bè hoặc họ không quan tâm đến thời cuộc mà chỉ tập trung vào chuyên môn sáng tạo… Vì thế trong xã hội ta người dân đề cập đến khái niệm “người tài thường hay có tật”, không vì cái tật mà phủ nhận cái tài. Do đó cộng đồng vẫn công nhận họ là Người tài.

Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Sơn
Ảnh minh họa. Ảnh: Duy Sơn

Về khái niệm Hiền tài đã xuất hiện rất sớm trong ngôn ngữ và lịch sử của dân tộc, đã được ghi tại văn bia Quốc Tử Giám năm 1442.

Hiền tài trước hết phải đạt tiêu chí là người tài, nhưng dứt khoát là không có “tật”. Đối với họ Đức và Tài phải nằm trong một thể thống nhất nghĩa là phải có Tâm, có Tầm và có Tài.

Hiền tài cũng như người tài phải giỏi một hoặc hai lĩnh vực chuyên môn nào đó. Song không phải bao giờ cũng giỏi hơn mọi người. Vì ở từng lĩnh vực khác nhau có người giỏi hơn mình nhưng đòi hỏi hiền tài phải có năng lực phát hiện ra tài năng, biết tiến cử, sử dụng và phát huy năng lực của những người tài giỏi hơn mình, biết quy tụ, đào tạo và sử dụng họ.

Người xưa có câu: “Không biết người tài, biết người tài mà không dùng, dùng người tài mà không tin” là ba điều tối kỵ đối với người đứng đầu một tổ chức nhất là đối với đất nước ta trong giai đoạn hiện nay, cho nên tiêu chí cao nhất của Hiền tài là phải có khả năng phát hiện, sử dụng người tài.

Chính vì lẽ đó trên ngôi mộ của vị Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson, một trong những tác giả của Tuyên ngôn độc lập 1776, có người đã khắc dòng chữ “Đây là người có tài dùng người tài”.

Đối với nhân tài đòi hỏi chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient), chỉ số cảm xúc EQ (Emotional Quotient) phải đạt cao hơn so với người bình thường. Đối với hiền tài, chỉ số EQ cao hơn so với người tài. Hai chỉ số IQ và EQ không đối lập nhau.

Ngày nay chỉ số thông minh IQ đã có hệ thống trắc nghiệm đo bằng con số cụ thể, còn chỉ số cảm xúc EQ chưa có được một công thức tính toán riêng… EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình và thấu hiểu người khác, luôn thích nghi, luôn tìm được sự hòa hợp trong tập thể của mình.

Vì vậy ở một số nước trong tuyển chọn cán bộ, người ta thường nói “với IQ người ta tuyển lựa bạn nhưng với EQ người ta đề bạt bạn”. Chính vì lẽ đó người hiền tài thường giữ vị trí đứng đầu lãnh đạo và quản lý trong một bộ môn, một đơn vị, một ngành, một tổ chức ở địa phương, Trung ương… cũng là người giữ vị trí đầu đàn trong từng lĩnh vực như chính trị, tổ chức, quản lý, khoa học công nghệ, khoa học xã hội, sản xuất kinh doanh, văn học nghệ thuật, thể thao…

Hiền tài cũng đồng nghĩa với người lãnh đạo, người quản lý giỏi đứng đầu một tổ chức, một đơn vị được tập hợp ít hoặc nhiều những người tài và những người lao động tri thức. Vì vậy, vấn đề đặt ra trong xã hội nước ta ngày nay cần phải nhận thức rằng đối với những người chưa đạt tiêu chí của hiền tài thì không thể công nhận họ là người lãnh đạo đứng đầu một tổ chức, nhất là đối với những người lãnh đạo và quản lý ở cấp chiến lược.

Hiền tài là người có tài, có đức song toàn, thuộc mẫu người mà cha ông chúng ta đã tôn vinh “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Đó cũng chính là mẫu người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày đầu tiên thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kêu gọi: “… Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người TÀI ĐỨC có thể làm được những việc ích nước, lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết…”.

Điều này cho thấy hiền tài xuất hiện từ trong nhân dân, từ hoạt động thực tiễn, từ sự rèn luyện gian khổ để tạo ra các sản phẩm vật chất và tinh thần có giá trị cho dân tộc, cho đất nước được cộng đồng tôn vinh.

Để tránh tụt hậu và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại, nước ta cần phải tái cấu trúc lại nguồn nhân lực, đây là khâu yếu nhất hiện nay, vì vậy đòi hỏi phải có nhiều người tài, hiền tài và lao động có chất lượng cao như Bác Hồ đã dạy: “… tài to ta dùng vào việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy…”. Đây chính là chiếc chìa khóa vàng cho dân tộc ta phát triển bền vững và giàu mạnh, hội nhập với nền kinh tế quốc tế, từng bước tiến vào nền kinh tế tri thức.

Ngày nay Hiền tài và Người tài đã trở thành yếu tố quyết định cho sự thành bại của đất nước ta trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới mà thực chất đó là sự đọ sức về trí tuệ như Long Tử Dân - một học giả Trung Quốc, đã có câu nói hết sức chí lý cho thời đại hiện nay: “Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, sự cạnh tranh căn bản nhất là cạnh tranh nhân tài, năng lực chủ yếu của người lãnh đạo là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và sử dụng nhân tài”. Theo tôi, người lãnh đạo ở đây chính là hiền tài.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.