Thứ Năm, 27/02/2014, 09:29 (GMT+7)
.

Lo ngại xét tốt nghiệp THPT kiểu mới làm tăng tiêu cực

Bộ GD-ĐT vừa chính thức công bố một số nội dung về kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh  ĐH, CĐ năm 2014. PGS Văn Như Cương - một nhà giáo và là người có nhiều đóng góp cho việc biên soạn, đổi mới chương trình sách giáo khoa THPT đánh giá cao việc cải cách, đổi mới thi cử của Bộ. Tuy nhiên, ông còn đang có nhiều băn khoăn, lo lắng trước quyết định công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT của Bộ vừa công bố.

Theo Giáo sư Văn Như Cương, thông qua những ý kiến đóng góp từ các nhà giáo, nhà khoa học và dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT đã quyết định, môn Ngoại ngữ sẽ là môn thi tự chọn, chứ không phải là môn khuyến khích trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Ngoài ra, Bộ cũng đã bỏ quy định miễn 20% thi tốt nghiệp THPT. Đây là những cải tiến hợp lý của Bộ GD-ĐT trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến từ dư luận xã hội.

Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương lại lo ngại vì cách thức công nhận và xếp loại tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa đề ra. Theo đó, Bộ đã thay việc chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp bằng việc sử dụng kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50%+50%).

PGS Văn Như Cương cho rằng, với cách xếp loại tốt nghiệp như vậy thì chắc chắn sẽ có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT. Bởi nếu như cách xét tốt nghiệp như mọi năm thì học sinh phải đạt ít nhất là 5 điểm/môn thì mới đỗ tốt nghiệp. Nếu thi 4 môn mà chỉ đạt 19 điểm thì học sinh đó coi như không đỗ tốt nghiệp.

Còn như quy định mới được công bố từ phía Bộ GD-ĐT, nếu điểm trung bình của 4 môn thi chỉ có 4 điểm, nhưng điểm kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 là 6 điểm. Tổng cộng lại là 10 điểm/2 thì học sinh đó có điểm trung bình là 5 điểm sẽ vẫn đỗ tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện lớp 12 thường được các thầy, cô giáo chấm một cách rộng rãi. Nếu học sinh nào kết quả học tập học kỳ I kém thì sang học kỳ II đều được các thầy, cô “thương” cho điểm cao lên để các em có thể đỗ tốt nghiệp THPT.

Với những quy định mới trên chắc chắn sẽ xảy ra tiêu cực. Bởi vì nhiều phụ huynh lo ngại là hiện nay, nếu muốn học tiếp lên bậc cao hơn hay chuyển sang làm 1 nghề nào đó thì con họ phải có bằng tốt nghiệp THPT. Với mục đích để có được tấm bằng này, chắc chắn, các bậc phụ huynh sẽ gặp các thầy, cô giáo để “xin” hay “chạy” điểm…

Nhiều năm nay, dư luận liên tục phản đối nếu thi tốt nghiệp THPT mà có đến 98% học sinh đỗ thì không nên tổ chức thi. Thế mà hiện nay, Bộ lại đưa ra quy định công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo cách thức mới thì càng khiến cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao tuyệt đối.

(Theo vov.vn)

.
.
.