Thứ Hai, 17/02/2014, 11:12 (GMT+7)
.

Lý do MobiFone được chọn để tách khỏi VNPT

Ông Trần Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh:
Ông Trần Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT phát biểu tại buổi tọa đàm.

“Sau khi chia tách, MobiFone sẽ triển khai đa dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thay vì chỉ giới hạn trong kinh doanh viễn thông di động như trước đây”, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch MobiFone cho biết.

Tại Tọa đàm "Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam", diễn ra chiều 14-2-2014 tại Hà Nội, câu hỏi lớn mà dư luận và các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm lúc này là tại sao giữa hai mạng MobiFone và VinaPhone, VNPT lại quyết định đề xuất tách MobiFone?

Ông Trần Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn đã đưa ra lời giải thích: “VNPT đã tiến hành phân tích rất kỹ việc nên tách mạng nào, đánh giá ưu và nhược điểm của từng lựa chọn trên góc độ tài chính, kinh tế, sự ảnh hưởng đến khách hàng....

Sau nhiều lần tham vấn và thảo luận cùng Bộ TT&TT, hai bên đã đã thống nhất tách MobiFone cùng một số đơn vị khác. Lựa chọn này vừa đảm bảo cho MobiFone có thể tiếp tục phát triển, vừa tạo điều kiện cho phần còn lại của Tập đoàn VNPT, trong đó có mạng VinaPhone phát triển lành mạnh.”

Đồng tình với ông Hùng, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nhấn mạnh tái cơ cấu Tập đoàn VNPT nói riêng và thị trường viễn thông nói chung là một nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tại thời điểm này. Bản thân Thủ tướng cũng đã trực tiếp chủ trì một số cuộc họp liên quan đến vấn đề tái cơ cấu VNPT. Vì thế, khi Tập đoàn trình lên Bộ phương án tách MobiFone, Bộ đã hoàn thiện đề án này và gửi lên Chính phủ.

Theo phân tích của ông Hải thì việc tách MobiFone có nhiều điểm lợi như mạng này đang có sẵn thương hiệu khá mạnh. Một khi tách ra, MobiFone sẽ có thể tiến hành cổ phần hóa nhanh hơn, giúp tăng tốc cho chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp trọng yếu của Chính phủ.

Hơn nữa, MobiFone đang hoạt động khá độc lập với Tập đoàn so với doanh nghiệp còn lại là VinaPhone. Một doanh nghiệp mạnh như MobiFone cũng sẽ sớm vượt qua các khó khăn ban đầu để ổn định hoạt động, kinh doanh và trở nên tương đối mạnh để cạnh tranh với hai doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VNPT (tức VinaPhone), tạo nên thế chân vạc cho thị trường viễn thông.

Bản thân VNPT sau khi tách MobiFone và một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả cũng sẽ trở nên năng động hơn, thích ứng nhanh hơn với môi trường cạnh tranh hội nhập.

Tái cơ cấu cả các mạng nhỏ

Tái cơ cấu VNPT là một nội dung rất quan trọng trong việc tổ chức lại thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay. Bên cạnh ba nhà mạng lớn chủ đạo, vẫn còn một số mạng nhỏ đang hoạt động như Hanoi Telecom, S-Fone, GTel dù những doanh nghiệp này đang gặp khó khăn chồng chất, một số mạng thậm chí gần như đã tê liệt hoạt động.

Theo ông Phạm Hồng Hải, đây là việc hoàn toàn bình thường. Trên quan điểm kinh tế thị trường, doanh nghiệp có thể tồn tại hoặc không tồn tại được. Luật Viễn thông có một số quy định đặc thù là khi doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ thì không đơn giản là thu hồi giấy phép xong sẽ ngừng cung cấp dịch vụ ngay.

Nhà nước sẽ phải xem xét tổ chức lại hoạt động của doanh nghiệp đó để dịch vụ đang cung cấp cho người dùng không bị gián đoạn, đồng thời tranh thủ tận dụng hạ tầng đã đầu tư, ví dụ như EVN Telecom đã được sáp nhập vào Viettel. Trong trường hợp mạng nhỏ không thể tiếp tục tồn tại được nữa thì có thể tính các phương án sáp nhập, kinh doanh mảng dịch vụ khác...

Mức tăng trưởng lợi nhuận của MobiFone năm nay cũng được cho là “khiêm tốn” so với năm ngoái, khi chỉ tăng 5,4%.
Việc tách ra khỏi VNPT là một cơ hội tốt để MobiFone phục vụ người dùng tốt hơn và mang lại nhiều giá trị cho Nhà nước hơn. Ảnh: Vân Anh

Theo Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã xác định thị trường viễn thông có ít nhất 3 doanh nghiệp lớn, trụ cột để đảm bảo duy trì sự cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững. Đây là một định hướng phù hợp với thông lệ thế giới và người dùng cũng như doanh nghiệp đều được lợi từ sự cạnh tranh này.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh việc tách MobiFone ra để cổ phần hóa là "chuyện rõ ràng" và thị trường hiện đang ở thời điểm cực kỳ quan trọng: Tái cơ cấu không chỉ là chuyện bắt buộc mà còn mang tính sống còn, nếu như Việt Nam không muốn bị lạc hậu về công nghệ viễn thông, kìm hãm lợi ích của người dùng và va chạm với thông lệ quốc tế khi hội nhập.

"Việc tái cơ cấu, sắp xếp lại thị trường phải trên nguyên tắc: không lấy việc bảo vệ một người chơi trên thị trường làm chính mà phải tạo ra được áp lực cạnh tranh cho những người chơi đó", ông Thành cho biết.

Tại thời điểm này, MobiFone cần cổ phần hóa để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đổi mới công nghệ và quay lại gây áp lực cho hai ông lớn còn lại. Chỉ như vậy thì thị trường mới có sự cạnh tranh đích thực, theo đúng quy luật kinh tế thị trường.

Bản thân MobiFone cũng khẳng định họ hoàn toàn sẵn sàng, chủ động nếu phương án VNPT đề xuất được Chính phủ phê duyệt. "MobiFone không chỉ là một tổ chức đã thành danh mà còn có quy mô doanh thu, lợi nhuận tương đối lớn, nhân lực ổn định, đông đảo, cạnh tranh tốt trên thị trường", ông Lê Ngọc Minh chia sẻ. "Một doanh nghiệp như vậy có nhu cầu tự chủ, độc lập ngày càng cao để có thể chủ động phát triển, tìm kiếm đa dịch vụ".

Nói như lời ông Minh thì việc tách ra khỏi VNPT cũng là một cơ hội tốt để MobiFone phục vụ người dùng tốt hơn và mang lại nhiều giá trị cho Nhà nước hơn.

(Theo vietnamnet.vn)

.
.
.