Phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. |
Đánh giá cao và tán đồng phương án đổi mới thi tốt nghiệp năm 2014 của Bộ GDĐT, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, dù thế nào cũng phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc.
Phương án thi tốt nghiệp 4 môn với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn (trong đó cần bao gồm cả ngoại ngữ) được GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) đánh giá là hợp lý, có nhiều cải tiến theo hướng giảm nhẹ áp lực cho các em học sinh, đồng thời tăng tính tự chủ, tự định hướng cho các em thông qua việc cho các em tự chọn môn thi.
“Để các em tự chọn môn thi thì đúng rồi, vì đó là những môn công cụ, phục vụ trực tiếp cho việc học đại học sau này. Còn các môn học khác các em sẽ có cơ hội thể hiện khả năng khi vào đại học”, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết phân tích.
Song ông băn khoăn: “Phương án hiện nay là hợp lý, nhưng trong tương lai tôi nghĩ rằng phải có phương án hợp lý hơn. Tại sao chúng ta học 13 môn, mà lại thi có 4 môn. Chúng ta đang thi gì học nấy. Những môn học các em không thi chắc chắn các em sẽ không học. Điều này sẽ gây ra mất cân đối trong chương trình học THPT”.
Vì vậy, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần có cách nhìn khác về khái niệm giáo dục toàn diện.
Cụ thể: “Toàn diện nghĩa là cả kỹ năng và kiến thức. Toàn diện phải gắn liền với phân hóa. Ví dụ từ bậc THCS trở xuống thì có thể toàn diện về kiến thức cơ bản, nhưng lên trên phải phân hóa, đi vào nghiên cứu chuyên sâu thì mới giỏi, mới xuất sắc và mới cống hiến được cho xã hội”.
Bên cạnh đó, ông Thuyết cũng nhấn mạnh đến việc phải tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng và nghiêm túc để đảm bảo nguồn “nguyên liệu” đầu vào có chất lượng cho đào tạo nghề, đại học.
Vì vậy, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết đề nghị cần xem xét nhiều, kỹ lưỡng, thận trọng ý kiến để xuất “thả lỏng” kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, theo như phương án của PGS. Văn Như Cương, học sinh lớp 12 sau khi hoàn thành chương trình học 12 năm, tham gia thi tốt nghiệp THPT sẽ được cấp 1 chứng chỉ tốt nghiệp. Các trường đại học, cơ sở đào tạo, dạy nghề coi đó là điều kiện cần, trên cơ sở đó sử dụng tiêu chí-điều kiện đủ theo yêu cầu đào tạo của ngành, trường để tuyển sinh.
Điều này góp phần hạn chế, tiến tới chấm dứt bệnh thành tích của các trường, địa phương, qua đó góp phần dần đưa kỳ thi tốt nghiệp THPT trở về thực chất. Đồng thời giảm thêm gánh nặng về thi cử.
Đánh giá cao những ưu điểm mà phương án của PGS. Văn Như Cương đề xuất, cũng như thừa nhận trong thực tế vẫn có những trường đại học, kể cả ở các nước phát triển (Pháp, Đức) chỉ cần học sinh tốt nghiệp ghi danh theo học chứ không phải thi, song GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, điều này chỉ khả thi khi những trường đại học cho ghi dành này có cơ chế sàng lọc rất nghiêm khắc.
“Một số trường đại học của Đức cũng cho ghi danh, nhưng nếu anh không đáp ứng trình độ đầu ra theo tiêu chuẩn của trường thì anh sẽ không thể ra trường. Họ cho anh học tối đa trong 10 năm. Nếu sau 10 năm đó anh không thể ra trường thì anh sẽ bị loại”.
Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi công tác đào tạo bậc đại học phải được chuẩn hóa, quản lý chặt chẽ cũng như mở rộng, nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy.
Đặc biệt, căn bệnh thành tích phải bị loại bỏ, nền giáo dục đi vào học thực chất, chứ không phải đua nhau học để lấy bằng như hiện nay.
Còn trong khi điều kiện của Việt Nam hiện nay vẫn chưa cho phép, chúng ta vẫn cần có một kỳ thi nghiêm túc, chất lượng để đảm bảo đầu vào cho đào tạo bậc đại học, cao đẳng cũng như dạy nghề.
(Theo chinhphu.vn)